Hậu cưỡng chế thu hồi đất rừng ở Bình Phước:

Phục hồi quyền lợi chính đáng cho người dân

Phục hồi quyền lợi chính đáng cho người dân
TP - Do quy hoạch trước đây có chồng chéo, khi cưỡng chế lại thiếu điều tra thực tế, nên việc thu hồi đất rừng ở Bình Phước đã khiến nhiều bà con bị mất đất sản xuất. Để sửa sai, trước hết cần làm rõ nguồn gốc, diện tích, hoa lợi... của những thửa đất bị thu hồi oan.

>> Kỳ I: Ném chuột, vỡ bình

Kỳ II: Sai phạm chưa rõ, khó nói khắc phục

Phục hồi quyền lợi chính đáng cho người dân ảnh 1
Chỗ bị giải tỏa này là nghĩa địa cũ của làng Busar

Làm sai thì nhanh, sửa sai lại chậm

Chỉ thị số 33 ngày 12/5/2005 của Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo: Kiên quyết thu hồi đất rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; Nhổ bỏ đối với cây trồng trên đất lâm phần bị lấn chiếm từ đầu năm 2004 đến nay; Đối với những diện tích đã trồng cây từ trước 2004 nằm trong quy hoạch các dự án đã được phê duyệt thì tiến hành thu hồi có đền bù thành quả lao động trên đất... Tuy nhiên khi cưỡng chế, nhiều diện tích cây trồng từ lâu trước năm 2004, hoặc không thuộc quy hoạch các dự án, cũng bị phá sạch.

Trong biên bản kiểm tra xác minh nội dung khiếu nại của 14 hộ dân tại thôn Bù Ka, xã Đăk Ơ, huyện Phước Long, phía đại diện chính quyền xác nhận: “Toàn bộ diện tích đất đoàn cưỡng chế thu hồi ngày 13/5/2006 đã tiến hành trồng cao su, nên đến nay tổ kiểm tra không xác định được cây trồng và thành quả trên đất bị thu hồi, không xác định được diện tích đất của từng hộ (!).

Phải chăng chưa điều tra khảo sát, trao đổi thương lượng với người dân, đoàn cưỡng chế vẫn chặt phá tài sản của họ? Biên bản cũng ghi rõ trên đất rẫy cũ đã bị thu hồi, vẫn còn sót lại những gốc điều bị ủi bật rễ và một số cây điều còn sống, đường kính gốc từ 15-25 cm. “Có cây điều nào trồng năm 2004 mà lớn nhanh như thế không? Vườn điều này tôi trồng lâu rồi sao lại chặt đi?”- Điểu Hai bức xúc hỏi, không ai trả lời!

Điểu Nhâm ở thôn 4, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng có 5 ha đất bị thu hồi nhưng chỉ được ghi vào danh sách thu hồi là 3,5ha, với đề nghị hỗ trợ cây trồng 54 triệu đồng và 1,5 ha đất tái định canh. Ông không chịu nhận khoản hỗ trợ ít ỏi này: “Đồng bào không cần tiền, chỉ cần đất sản xuất. Chừng này đất, cả gia đình mười mấy người như nhà tôi làm sao đủ sống?”. 

Trong một công văn trả lời kiến nghị của dân, Chủ tịch UBND huyện Phước Long Trương Duy Điểu khẳng định: Toàn bộ diện tích đất thu hồi nhà nước sẽ giao cho các đơn vị, doanh nghiệp trồng rừng, và đặc biệt ưu tiên giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất trên địa bàn huyện, tuyệt đối không giao diện tích thu hồi cho bất cứ một cán bộ, cá nhân nào sử dụng.

Thế nhưng, chỉ một thời gian sau đó, tình trạng mua bán đất trái phép đã diễn ra nhộn nhịp ngay trên những vạt rẫy cũ của đồng bào bị cưỡng chế. Tiêu biểu là vụ bán 3 ha rẫy cao su mới trồng tại tiểu khu 30 thuộc lâm trường Đăk Mai, với giá 330 triệu đồng, có chữ ký và con dấu Giám đốc DNTN Thanh Hải.

Báo cáo số 60 ngày 27/9/2007 của đoàn Kiểm tra 1679 về việc quản lý, sử dụng đất sau thu hồi tại huyện Phước Long còn cho thấy nhiều vùng đất thu hồi đã bị thực hiện sai vị trí, vượt diện tích, giao đất sai đối tượng, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thậm chí có 5 cán bộ công an được cấp tới 20,3 ha đất.

Suốt 4 năm qua tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều đợt cưỡng chế, tái cưỡng chế theo kịch bản  tương tự như sau: Lực lượng 394 người chia làm 4 tổ: tổ tuyên truyền vận động, tổ cưỡng chế, tổ cấp cứu, tổ chặt hạ, do Chủ tịch huyện làm trưởng đoàn, đi trên 25 ô tô, 50 mô tô, 15 xe ủi, 7 xe cải tiến, 1 xe cứu thương, sử dụng 15 cưa máy và nhiều loại công cụ hỗ trợ khác như gậy cao su, gậy tầm vông, bộ đàm, dây dù... toàn bộ kinh phí phục vụ công tác cưỡng chế do chủ đầu tư chi trả. Trước sức mạnh không ngăn nổi của lực lượng cưỡng chế hùng hậu, chủ rẫy chỉ bất lực đứng nhìn mà thôi.

Đợt chặt cây, ủi rẫy, dỡ nhà đầu tiên thực hiện từ tháng 5/2006, mãi tới tháng 11/2008 UBND huyện Phước Long mới lập kế hoạch “Đầu tư dự án định canh định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010” cho 447 hộ tại 2 xã Đăk Ơ và Bù Gia Mập, với tổng vốn gần 17 tỷ đồng. Chưa có tiền ngân sách, huyện tạm ứng vốn từ các nhà đầu tư.

Việc cày ủi, san lấp mặt bằng tại tiểu khu 42 thuộc BQLRPH Đăk cách nơi ở cũ của đồng bào hàng chục cây số đã xong, nhưng danh sách cấp đất vừa lập đã phát sinh khiếu nại kiện cáo rằng không đúng người, không đúng đối tượng, nên đến nay đất dự án vẫn chưa được chia!

Bao giờ dân hết khổ?

Từ năm 2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký Quyết định số 57 yêu cầu thu bớt đất của các nông lâm trường giao lại cho các địa phương. Nếu chủ trương hợp lòng dân này được kịp thời triển khai nghiêm túc tại Bình Phước thay cho những đợt tái cưỡng chế đầy sơ hở, có lẽ đã khắc phục được phần nào sai phạm đáng tiếc, xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống người dân.

Tại UBND huyện Bù Đăng, Chủ tịch huyện Nguyễn Anh Hoàng tiếp chúng tôi, khẳng định: Hộ nào bị thu hồi mà không còn đất sản xuất sẽ được các xã kiểm tra xác minh để giải quyết cấp đất theo chính sách 134. Huyện sẽ lưu ý thẩm tra kỹ những địa chỉ đáng chú ý mà các nhà báo nêu ra, để tránh xử lý oan sai.

Chương trình 134 đang triển khai còn gặp khó khăn do các chủ đất cũ gây áp lực, thậm chí ngăn cản không cho chủ đất mới sản xuất. Nếu thực hiện xong chương trình 134, sẽ không còn hộ dân nào thiếu đất (!)...

Sau buổi đối thoại có sự chứng kiến của ông Nguyễn Đức Kỳ, cán bộ Thanh tra Chính phủ tại huyện Phước Long, ông Trương Tấn Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước kết luận:

1/Lập Tổ công tác đặc biệt (TCTĐB) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh để giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân 2 xã Đăk Ơ, Phú Nghĩa.

2/Giao cho UBND huyện Phước Long, mà sau ngày 1/11/2009 chia tách thành huyện Bù Gia Mập, khai hoang diện tích đất rừng nghèo kiệt để bố trí đất sản xuất cho người dân thiếu đất sản xuất vì bị thu hồi.

3/Đất xâm canh, lấn chiếm trước năm 2004 nếu thu hồi giao sai đối tượng hoặc chưa sử dụng thì xem xét để giao khoán lại, được hỗ trợ bồi thường cây trồng theo quy định bằng cách người dân tự chứng minh và đối chất với BQLR có sự chứng kiến của TCTĐB.

4/Giao cho TCTĐB làm rõ những cán bộ có hành vi lợi dụng thu hồi đất để chia chác, sử dụng sai; Yêu cầu người dân tố giác, giúp đỡ TCTĐB làm tốt nhiệm vụ được giao v.v...

Như vậy, tới nay đã có thể thấy rõ những cái được và chưa được của các đợt cưỡng chế diễn ra tại một số huyện của tỉnh Bình Phước. Cái được lớn nhất là làm chùn tay những kẻ xâm lấn và mua bán trái phép đất rừng, phần nào lập lại trật tự trong việc quản lý bảo vệ rừng.

Nhưng nhiều cái chưa được, là việc tổ chức cưỡng chế thiếu chuẩn bị điều tra chu đáo, chưa tính hết hậu quả nghiêm trọng của việc đẩy hàng nghìn hộ dân vào hoàn cảnh đói khổ do bị hủy hoại tài sản, không giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất sau thu hồi, trả lại cho rừng chỉ một phần nhỏ diện tích nhưng sau đó lại chấp nhận mất thêm nhiều diện tích rừng khác, tốn kém thêm những khoản ngân sách lớn để giải quyết hậu quả làm sai.

Tất nhiên, cách xử lý tiếp theo phần nào mang tính “chữa cháy”, khó khắc phục hết những sai sót đã gây ra. Ví dụ: Ngân sách sao đền bù cho đủ công sức, vốn liếng và sự bình yên trong cuộc sống những hộ dân đã bị cưỡng chế oan sai?

Trong việc thu lại những diện tích đất đã cấp sai đối tượng, ví dụ trường hợp cấp 20,3 ha đất rẫy thu của đồng bào cho 5 cán bộ ngành công an, ai chịu trách nhiệm bồi hoàn khoản đầu tư thuê người trồng cao su cho các chủ mới?   

Điều cần phải cảnh báo: Khi triển khai, các dự án tái định cư sẽ cấp nhà ở và đất sản xuất mỗi hộ bình quân 1 ha. Chưa kể khoảng cách quá xa từ nơi ở đến chỗ đất được chia sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đồng bào nghèo nhận đất, mà điều bất cập lớn hơn, là với lối canh tác truyền thống lạc hậu và các loại cây trồng năng suất quá thấp của đồng bào địa phương, nếu không có sáng kiến hay giải pháp mang tính đột phá tích cực nào từ công tác khuyến nông, thu nhập của đồng bào bản địa từ 1 ha đất chắc chắn không đủ nuôi sống mỗi gia đình, và hậu quả luẩn quẩn của sự nghèo đói tất yếu tiếp tục dẫn đến phạm pháp, phá rừng.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.