Phóng viên quốc tế ‘phát rồ’ vì thượng đỉnh Mỹ - Triều

Các phóng viên quốc tế đang đứng chờ bên ngoài một khách sạn ở Singapore để săn tin. (Ảnh: Getty Images)
Các phóng viên quốc tế đang đứng chờ bên ngoài một khách sạn ở Singapore để săn tin. (Ảnh: Getty Images)
TPO - Sơn lại các bức tường, lắp thêm nhiều camera an ninh, đóng cửa nhiều tuyến phố và lập các trạm kiểm tra an ninh. Và bằng mọi cách, giữ đám phóng viên phiền phức càng xa càng tốt.

Khi Singapore chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa vị tổng thống Mỹ khó đoán và nhà lãnh đạo Triều Tiên hiếm khi ra nước ngoài, một đoàn phóng viên quốc tế hùng hổ lùng sục thông tin trong thế mèo đuổi chuột với chính quyền địa phương - vốn nổi tiếng là cực kỳ nghiêm túc trong bảo đảm trật tự.

Không giống những cuộc thượng đỉnh truyền thống khác, Nhà Trắng gần như không cung cấp thông tin gì về quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ nhất. Triều Tiên lại càng không. Liệu hai nhà lãnh đạo có đi dạo cùng nhau? Có gặp báo chí sau đó? Có đi trên bãi biển với nhau như ông Kim từng làm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không? Không ai trả lời những câu hỏi đó.

Tất cả những gì đám báo chí biết là họ sẽ gặp nhau ở khách sạn hạng sang Capella trên đảo Sentosa – nơi kết nối với Singapore bằng một tuyến đường sắt trên cao và một tuyến cáp treo, để có thể dễ bảo đảm an ninh. Ngày ông Trump đến đã được thông báo, nhưng kế hoạch đi lại của ông Kim không được tiết lộ gì, trừ thông tin rằng ông sẽ dùng chiếc máy bay từ thời Liên Xô. Nhưng hóa ra thông tin này cũng sai.

Sentosa, nơi có những bãi biển đẹp và một sòng bạc, đang được phát triển thành một khu giải trí, nhằm thoát khỏi biệt hiệu “Island Behind Death” (nghĩa là Đảo Thần chết đứng sau), vì đó vốn là nơi người Nhật dùng làm trại tù trong Thế chiến 2.

Phóng viên quốc tế ‘phát rồ’ vì thượng đỉnh Mỹ - Triều ảnh 1 Cửa Đại sứ quán Triều Tiên tại Singapore. (Ảnh: Getty Images)

Thiếu thông tin xác thực, hàng trăm phóng viên quốc tế khi đó đã có mặt ở Singapore. Straits Times, tờ báo hàng đầu Singapore, cho biết còn có khoảng 3.000 phóng viên quốc tế đang đến nữa. Họ đều phải dùng đến các chiến thuật kiểu paparazzi để lần theo các nhà ngoại giao Mỹ và Triều Tiên khi họ đang chuẩn bị hậu cần và chương trình làm việc.

Các phóng viên và đoàn quay phim, chủ yếu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, bám sát sân bay quốc tế Changi và các sảnh khách sạn, nhiều lúc còn phải đội cả mưa hay chấp nhận cái nóng nhiệt đới.

Một phóng viên truyền hình Nhật Bản đã mặc váy và đi giầy cao gót rồi nắm tay đồng nghiệp từ Bắc Kinh để giả vờ đang hẹn hò trong một nhà hàng trong khu Capella, nơi nhìn ra biển Đông.

Họ đã được bù đắp. Họ bắt gặp ông Kim Chang Son, trợ lý hàng đầu của ông Kim Jong-un. Họ quay được những thước phim đắt giá về những người Triều Tiên và đồng cấp Mỹ cùng đến đây khảo sát. Nhưng sau đó khách sạn đã nâng cao cảnh giá. Khi một phóng viên đến để đặt chỗ nhà hàng đã bị nhân viên khách sạn kiểm tra túi xách. Laptop và camera bị lộ, người phóng viên bị từ chối ngay.

Đám phóng viên đói tin càng “phát rồ” khi 2 nhà báo truyền hình từ Hàn Quốc bị cảnh sát địa phương bắt vì cáo buộc xâm phạm khu nhà của đại sứ Triều Tiên. Hai người đàn ông khác, trong đó có 1 phiên dịch của nhóm, cũng bị điều tra. Cảnh sát Singapore cho biết những người này đối mặt với án tù 3 tháng nếu bị kết tội.

Singapore, quốc đảo có diện tích nhỉnh hơn đảo Phú Quốc của Việt Nam, không lạ gì với việc tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng. Năm 2015, họ đón cuộc thượng đỉnh đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc đại lục và Đài Loan trong gần 7 thập kỷ.

Đây cũng là nơi tổ chức định kỳ Đối thoại Shangri-La Dialogue, nơi gặp gỡ của các bộ trưởng quốc phòng và lãnh đạo quân đội từ 28 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Singapore cực kỳ coi trọng bảo đảm an ninh. Một người đàn ông say rượu lái xe đâm vào barrier an ninh trong lúc tổ chức Đối thoại Shangri-La 2016 đã bị cảnh sát đặc nhiệm bắn chết.

Singapore cũng nằm trong số ít chính phủ trên thế giới có quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên.

Bà Hoo Chiew-Ping, giảng viên cấp cao về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại ĐHQG Malaysia, đánh giá rằng việc Singapore có luật nghiêm khắc về tụ tập đông người và biểu tình nên đây là địa điểm thoải mái cho người Triều Tiên.

Ở Singapore rất hiếm xảy ra biểu tình, và không có kiểu những đám đông giận dữ mà ông Trump hay các nhà lãnh đạo nước ngoài vẫn gặp ở New York hay Washington có thể xuất hiện trong thượng đỉnh ở Singapore. Tụ tập đông người mà không được cảnh sát cho phép bị coi là vi phạm pháp luật Singapore.

 Dù thượng đỉnh lần 1 với Tổng thống Mỹ là dịp đầu tiên ông Kim Jong-un đến Singapore, nhưng gia đình ông đã có lịch sử quan hệ tốt đẹp với quốc gia Đông Nam Á này.

Khi nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của Singapore qua đời năm 2015, báo chí nhà nước Triều Tiên bày tỏ chia buồn và gọi ông Lý là “người bạn thân” của nhân dân Triều Tiên.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, chính phủ Singapore ra lệnh khoanh vùng 2 khu vực, gồm hòn đảo nơi hội nghị diễn ra và các con phố quanh khách sạn nơi ông Trump và ông Kim dự kiến sẽ nghỉ lại. Bất kỳ ai vào khu vực này đều bị lục soát kỹ lưỡng. Cờ lớn, banner hay còi đều bị cấm.

Tại khách sạn Capella Singapore trong dịp đó, rất nhiều xe cảnh sát vây quanh khu vực này trong lúc các nhân viên đào đất cải tạo và sơn mới cho tường. Nhân viên khách sạn chặn taxi ngay trước lối vào, thông báo rằng khách sạn đang được dành cho một sự kiện riêng.

Các đoàn quay phim phải đứng ngay trên lề đường ở chỗ cách công viên chủ đề Universal Studios không xa, nơi rất nhiều người chơi đang la hét vì các trò mạo hiểm. Một phóng viên chỉ đi bộ trên đường cũng nhanh chóng bị lùa lên một chiếc xe rồi chở đi chỗ khác.

Theo theo LA Times
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.