Ông Trump lại gây sốc vì quay ngoắt với ZTE

Bên ngoài trụ sở tập đoàn ZTE (Trung Hưng) tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA.
Bên ngoài trụ sở tập đoàn ZTE (Trung Hưng) tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA.
TP - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đột ngột thay đổi quan điểm đối với ZTE, tập đoàn công nghệ từ lâu đã bị nghi ngờ là công cụ để Trung Quốc do thám Mỹ, khiến giới phân tích ngỡ ngàng và cho rằng ông đã đặt lợi ích chính trị cá nhân lên trên lợi ích quốc gia.

Chính quyền Mỹ tháng trước cấm ZTE, hãng sản xuất thiết bị viễn thông (trong đó có điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android), sử dụng công nghệ Mỹ sau khi cáo buộc tập đoàn này vi phạm một thỏa thuận trong đó ZTE đồng ý trả 1,2 tỷ USD vì vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Nhưng vào Chủ nhật vừa qua, đột nhiên ông Trump viết trên Twitter: “Chủ tịch Trung Quốc và tôi đang làm việc với nhau để mở đường cho hãng điện thoại Trung Quốc ZTE trở lại kinh doanh, rất nhanh. Quá nhiều việc làm ở Trung Quốc bị mất. Bộ Thương mại đã được hướng dẫn để làm việc này”. Đoạn tweet mà ông Trump đăng tiếp vào thứ Hai gây sửng sốt hơn, có thể do tác động của tin tức trên báo đài chất vấn về động lực đằng sau bước đi này. “ZTE, một công ty điện thoại lớn của Trung Quốc, mua một tỷ lệ lớn các linh kiện từ các công ty Mỹ. Điều này cũng phản ánh thỏa thuận thương mại lớn hơn mà chúng tôi đang đàm phán với Trung Quốc và quan hệ cá nhân tôi với Chủ tịch Tập”.

Có vẻ phi logic khi một người khi lên nắm quyền đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp việc làm của người Mỹ nay lại muốn cứu ZTE khi hãng này bị Mỹ trừng phạt - để cứu việc làm cho người Trung Quốc. Nhưng cách làm này được cho là hoàn toàn phù hợp với tính cách của
ông Trump.

Giới quan sát cho rằng, số phận của ZTE là câu chuyện nhiều tầng lớp liên quan đến căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế cũng như những tính toán chính trị đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Các nhà phân tích nhận định, hành động này càng giúp hiểu rõ hơn về cách làm kinh doanh của ông Trump, về cách ông sẵn sàng bỏ qua những quy tắc quản trị với vai trò tổng thống và hành động bốc đồng. Những điều đó rất hấp dẫn với những cử tri đã chọn ông trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng với những người chỉ trích Tổng thống Mỹ, câu chuyện xung quanh ZTE là bằng chứng nữa cho thấy ông sẵn sàng đặt lợi ích chính trị cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, sẵn sàng đưa ra quyết định mà không đếm xỉa đến rủi ro và chỉ trích về đạo đức.

Bước đi này cũng làm dấy lên câu hỏi rằng liệu quan điểm cứng rắn về thương mại của ông có mềm đi trước thềm cuộc đối thoại với các nhà đàm phán Trung Quốc tại Washington trong tuần này.

Vì sao cứu ZTE?

Giới phân tích cho rằng, việc cứu ZTE sẽ giúp ông Trump nhận được sự nhượng bộ, và Mỹ sẽ sử dụng mọi công cụ mặc cả mà họ có trong tay để chiến thắng trong cuộc đối đầu thương mại nghiêm trọng với Bắc Kinh. Ông Trump cũng cần sự hợp tác của Trung Quốc để duy trì sức ép lên Triều Tiên trong bối cảnh ông sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6.

Cũng có lập luận rằng, ZTE mang tính biểu tượng cho thấy quan hệ kinh tế Trung - Mỹ không thể tách rời, khi hàng ngàn việc làm ở cả hai nước phụ thuộc vào sự sống còn của cả chuỗi cung ứng công
nghệ cao.

Nhưng việc ông Trump can thiệp vào sự việc của ZTE gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia thương mại rằng các quyết định hành pháp về thương mại không nên bị sử dụng hay miễn trừ vì lý do chính trị - một cây cầu mà các tổng thống khác do dự không muốn vượt qua để tránh bị các lãnh đạo nước ngoài mà họ gặp đòi hỏi hay đề nghị can thiệp vào các tranh chấp thương mại không đáng kể.

Cách làm của ông Trump cũng làm suy yếu lập luận của Mỹ trước các chính phủ nước ngoài rằng pháp quyền và nền quản trị tốt là những yếu tố quan trọng bảo đảm cho các hệ thống chính trị lành mạnh và sự tương tác có kiểm soát giữa các chính phủ. Hơn nữa, việc ông Trump gửi tín hiệu nhượng bộ trong trường hợp của ZTE càng làm gia tăng lo ngại của phe chỉ trích ông rằng, Tổng thống đã từ bỏ đòn bẩy trước khi nhận được nhượng bộ đáng kể, cho dù ông khoe rằng ông là người đàm phán tốt nhất
thế giới.

Có thể phải trả giá chính trị

Chính quyền Trump đang xung đột với Trung Quốc vì vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, khiến ông Trump dọa sẽ đánh thuế 150 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc. Nhưng những người chỉ trích ông lo ngại rằng việc ông thay đổi quan điểm đối với ZTE là dấu hiệu đầu tiên của sự dịch chuyển lớn hơn.

“Ông ấy đang thoái lui, và chính sách của ông ấy giờ được thiết kế để đạt được một mục tiêu: Giúp Trung Quốc vĩ đại trở lại. Điều cứng rắn nhất mà chúng ta có thể làm, điều khiến Trung Quốc thay đổi nhiều nhất, là hành động cứng rắn đối với những nhân tố như ZTE”, CNN dẫn lời ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ.

Những đoạn tweet nói trên của ông Trump cũng khiến ông bị chỉ trích là không nhất quán, sau khi chính quyền Mỹ cuối tuần qua dọa sẽ trừng phạt các công ty châu Âu làm ăn với Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Trường hợp của ZTE có thể khiến ông Trump phải trả giá chính trị trước thềm bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

CNN dẫn lời một quan chức Bộ Thương mại Mỹ nói rằng chính quyền Mỹ đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ chính phủ Trung Quốc để đổi lấy việc nới lỏng hạn chế đối với ZTE. Thỏa thuận này có thể khiến Trung Quốc bỏ kế hoạch đánh thuế lên nông sản Mỹ. Những biện pháp thuế đó rõ ràng nhằm trực tiếp vào các bang Trung Tây nước Mỹ, nơi cử tri đã chọn ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Nếu Trung Quốc không đánh thuế lên nông sản Mỹ để đổi lấy nhượng bộ đối với ZTE, Nhà Trắng có thể bị lên án là ưu tiên vận mệnh chính trị của ông Trump hơn an ninh quốc gia.

Một số thành viên đảng Cộng hòa đã lên tiếng cáo buộc Nhà Trắng phớt lờ quan ngại của các cơ quan tình báo Mỹ rằng ZTE có thể bị các cơ quan tình báo Trung Quốc sử dụng để do thám Mỹ. “Vấn đề với ZTE không chỉ là việc làm và thương mại, mà còn là an ninh quốc gia và do thám. Chúng ta đúng là điên khi để họ hoạt động ở Mỹ mà không bị hạn chế chặt chẽ hơn”, Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa viết trên Twitter.

MỚI - NÓNG