Ông Đinh La Thăng khai gì trước tòa trong ngày xử đầu tiên?

Bị cáo Đinh La Thăng khai báo trước hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN.
Bị cáo Đinh La Thăng khai báo trước hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN.
TPO - Trước hội đồng xét xử, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định đã làm đúng quy định của pháp luật khi đầu tư 800 tỷ đồng vào ngân hàng Đại Dương, việc này đem lại hiệu quả, chứng minh tính đúng đắn...

Chiều 19/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB). Trong buổi sáng, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) sau là Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN được cách ly khi chủ tọa xét hỏi các đồng phạm là cấp dưới của ông.

Đầu giờ chiều, ông Thăng được gọi lên bục khai báo. Nguyên Chủ tịch PVN thừa nhận việc ký thỏa thuận hơp tác với OJB. “Bị cáo ký thỏa thuận với nhiều tổ chức tín dụng nhưng sau hợp tác với OJB, mua cổ phần ở đây khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ. Việc này xuất phát từ việc ngân hàng Hồng Việt không được thành lập, khi ký xong thỏa thuận thì OJB sẽ tiếp nhận con người, trang bị từ Hồng Việt. Trong thỏa thuận ghi rõ 2 bên sẽ hoàn thiện các thủ tục để báo cáo cơ quan chức năng. Theo thỏa thuận thì PVN nắm tối đa 20% của OJB. Thỏa thuận này được ký 18/9/2018” – bị cáo Thăng khai.

Cũng theo bị cáo này, việc vốn vào ngân hàng là chủ trương chung của tập đoàn Dầu khí từ mấy tháng trước đó, các lãnh đạo PVN đều biết. Sau khi ông Thăng ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB đã báo cáo HĐQT bằng văn bản, để HĐQT thông qua.

Chủ tọa nhắc lại văn bản của bị cáo Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN (bị khởi tố trong vai trò Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp tàu thủy SBIC). Theo đó, ông Sự khẳng định OJB là ngân hàng nhỏ, gặp khó khăn…

Ông Thăng giải thích: "Báo cáo của anh Sự nói rất rõ thực trạng của OJB, bị cáo học tài chính nên hiểu. OJB quy mô vốn thấp, khả năng thanh khoản thấp nên người ta có nhu cầu tăng vốn thì PVN mới có cơ hội góp vốn. Góp vốn xong thì thanh khoản sẽ tăng…”.

Được hỏi về thỏa thuận ký với Hà Văn Thắm, bị cáo Thăng khai: “Thỏa thuận 18/9 không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Tiền đề của việc góp vốn phải là chủ trương của Đảng, đồng ý của Thủ tướng, biên bản đó không phải là tiền đề. Biên bản này ký chỉ có hiệu lực khi được HĐQT thông qua, nếu không thì không có giá trị”.

Ông Đinh La Thăng cũng thừa nhận ký nghị quyết về việc góp vốn trước khi xin ý kiến Chính phủ. Ngay khi HĐQT PVN thống nhất việc góp vốn vào ngày 30/9/2008, ông Thăng ký 3 văn bản xin ý kiến Thủ tướng, Bộ Tài chính và đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ủng hộ.

Chủ tọa hỏi, việc đầu tư có phải xin ý kiến Thủ tướng? Bị cáo Thăng khai: “Việc này là đầu tư ra ngoài Cty mẹ, theo quy định thì trước khi đầu tư nhất là đầu tư vào tổ chức tài chính thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các nghị quyết của PVN bị cáo ký đều tuân thủ quy định của pháp luật. Nghị quyết 7289 (về việc góp vốn vào OJB) chỉ thống nhất chủ trương góp vốn, nội dung bao gồm về giao TGĐ PVN báo cáo tình hình tài chính OJB… Không có quy định phải ký nghị quyết trước hay sau khi xin ý kiến Thủ tướng, chỉ có quy định khi đầu tư ra ngoài phải được Thủ tướng đồng ý và PVN làm đúng theo điều đó. Thực tế, sau khi Thủ tướng đồng ý 3 tháng thì TGĐ PVN mới chuyển tiền vào OJB và quyết định chuyển tiền ghi rõ căn cứ vào sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”.

Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi về việc Bộ Tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình OJB trước khi góp vốn. Bị cáo Thăng khai: “Trong nội dung văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho PVN góp vốn. Công văn của Bộ Tài chính không trả lời PVN mà trả lời Thủ tướng sau khi có văn bản hỏi ý kiến của Thủ tướng… công văn ghi gửi PVN chỉ "để biết", chứ không phải để PVN trả lời. Nội dung Bộ Tài chính rà soát một số yêu cầu thì bị cáo đã chỉ đạo thực hiện từ trước…”.

Nói thêm về ngân hàng Đại Dương, ông Đinh La Thăng đánh giá: “OJB có vốn nhỏ nhưng nếu tăng vốn gấp đôi thì khả năng huy động vốn sẽ tăng lên nhất là khi có đối tác lớn như PVN. Thực tế PVN đầu tư vào OJB đem lại hiệu quả rất lớn. Sau khi ký nghị quyết góp vốn (năm 2008), OJB đã cung cấp số liệu cho PVN. Hơn nữa, OJB niêm yết trên sàn chứng khoán…, có nhiều nguồn tài liệu để kiểm chứng”.

Cũng theo ông Đinh La Thăng, PVN đánh giá OJB bằng văn bản của bị can Nguyễn Ngọc Sự: “Văn bản này đánh giá OJB kém nhưng chốt hạ là chất lượng trung bình khá vì nó nhỏ, muốn nó tăng lên phải tăng vốn. Lúc đó, việc góp vốn ngân hàng rất khó do Chính phủ kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên PVN không được thành lập ngân hàng. Việc báo cáo của anh Sự là đúng, phân tích của HĐQT là đúng và hiệu quả của OJB chứng minh chủ trương góp vốn là hoàn toàn đúng đắn”.

Ông Thăng cũng khẳng định, việc PVN góp vốn vào OJB vì ngân hàng Hồng Việt của PVN không được thành lập. Sau khi góp vốn, OJB phải tiếp nhận cơ sở của Hồng Việt và việc này giống như PVN “gả đi một cô gái xinh đẹp nhưng đã có chồng”...

Theo cáo trạng, năm 2008, ông Đinh La Thăng biết rõ Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB) đang khó khăn, là ngân hàng nhỏ nhưng vẫn ký với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB thỏa thuận PVN góp 20% vốn vào ngân hàng này. Tổng cộng, từ năm 2008 đến 2011, ông Thăng và các đồng phạm đã gửi 800 tỷ đồng của PVN vào OJB qua 3 lần góp vốn. Việc này vi phạm quy chế làm việc của PVN, Luật các tổ chức tín dụng… Sau đó, 800 tỷ đồng nói trên bị thất thoát toàn bộ khi OJB làm ăn thua lỗ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.