NÓNG: Sốt ruột nợ công, thêm lời hứa về giá xăng dầu

Bộ trưởng Công Thương nói đã liên tục yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu công khai minh bạch giá xăng. Ảnh: hồng vĩnh
Bộ trưởng Công Thương nói đã liên tục yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu công khai minh bạch giá xăng. Ảnh: hồng vĩnh
TP - Chiều 10/6, lần đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, trước những câu hỏi nóng của các Đại biểu (ĐB) Quốc hội về vấn đề an toàn nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dù thời hạn trả nợ đang đến gần song mức trả nợ vẫn cho phép và nợ công vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.

Sốt ruột

Sốt ruột với an toàn nợ công, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt ra nhiều câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời: “Nợ công có an toàn hay không? Làm sao chúng ta có đủ khả năng trả nợ? Giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu nhìn về con số tuyệt đối thì nợ công trong những năm gần đây thì có xu hướng tăng lên. Nhưng đánh giá tính bền vững và an toàn của danh mục nợ công thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ.

“Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công của ta vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép. Cùng với tăng trưởng GDP thì khả năng trả nợ tiếp tục được duy trì”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, điều quan trọng hơn đối với vấn đề nợ công của Việt Nam là thời điểm trả nợ. Trong cơ cấu nợ công hiện nay, có 50% là nợ nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp với thời hạn trả nợ còn lại là 14 -15 năm. 50% khoản còn lại là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác với thời hạn ngắn (chỉ 2, 3 và 5 năm). Tính bình quân, 30% vốn huy động trong nước đang ở thời gian trả nợ từ 1- 3 năm.

Bộ trưởng Dũng thông tin trong 5 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã huy động được trên 150.000 tỷ đồng nhưng thời hạn vay ngắn (1, 3, 5, 10 năm) và nghĩa vụ trả nợ sẽ dồn vào năm 2016, 2017.

Đưa ra con số theo kế hoạch năm 2014, số chi nợ công chiếm gần 21% tổng chi NSNN trong khi số chi thường xuyên xấp xỉ 90% tổng thu ngân sách dự toán, sẽ khó đủ trả nợ. “Như vậy, với tình trạng vay để trả nợ thì nợ công có thực sự an toàn hay không?”, ĐB Lê Thị Công tiếp tục chất vấn.

Bộ trưởng Dũng cho biết, một chỉ tiêu để đánh giá nợ công cần được nhắc tới là tỷ lệ trả nợ của Chính phủ/tổng thu ngân sách. Bộ trưởng Dũng cho hay, cuối năm 2013, tỷ lệ này đã vượt ngưỡng 25%. Nhưng phân tích sâu thì trong số đó có 10% là vay để đảo nợ. Theo Bộ trưởng việc vay đảo nợ không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ nên nếu trừ nghĩa vụ vay để đảo nợ thì tỷ lệ trên vẫn nằm ở mức 20 - 21% tức dưới mức 25%.

“Đại biểu QH sốt ruột là đúng nhưng nếu loại trừ vay đáo nợ thì chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng 20-21%, vẫn dưới ngưỡng cho phép 25%”, Bộ trưởng Dũng cam kết. 

 “Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn để vừa phục vụ phát triển mới, vừa phục vụ cho vay đảo nợ. Thời hạn vay mới phải dài hơn thời hạn vay các khoản cũ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Giá xăng dầu đã minh bạch hơn

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói từ năm 2011, đối với các chất vấn về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá, kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương và Tài chính đều quy khá nhiều lỗi cho Nghị định 84 và nhiều lần hứa sửa đổi nghị định này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, cho tới nay tiến độ sửa đổi Nghị định 84 rất chậm, ĐB Nga đề nghị làm rõ trách nhiệm không thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, về cơ bản Nghị định 84 đáp ứng yêu cầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước trong điều hành thị trường xăng dầu. “Thời gian qua, việc điều hành xăng dầu theo Nghị định 84 đã tránh cú sốc về giá cả và người dân đã quen với việc giá xăng dầu điều chỉnh lên – xuống”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh trong Nghị định 84, Quỹ bình ổn đã có tác dụng tốt trong điều hành giá. Quỹ này đã được sử dụng triệt để và được công khai định kỳ từ tháng 3/2014.

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính cho biết việc sửa Nghị định 84 là cần thiết nhằm điều hành giá xăng dầu mềm dẻo, sát thực tế hơn. “Trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới,  Nghị định 84 sửa đổi sẽ được ban hành theo hướng sát diễn biến thị trường hơn”, Bộ trưởng Dũng hứa.

Trả lời thêm, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm của Bộ về việc chậm ban hành Nghị định 84 sửa đổi và hứa sẽ sớm ban hành nghị định mới.

Liên quan chuyển điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương vẫn đề xuất để Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp như hiện hành. Tuy nhiên, đây là cơ chế liên ngành nên Bộ Công Thương chấp hành quyết định của Chính phủ. 

Về minh bạch hóa xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đã liên tục yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu công khai minh bạch, không chỉ giá mà cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí tiền lương cán bộ công chức.

Chưa hài lòng với câu trả lời của hai bộ trưởng, ĐB Lê Thị Nga cho rằng, sự cẩn trọng là cần thiết nhưng cũng phải có thời hạn, vì vậy sau ba năm chưa sửa Nghị định 84 thì không đáp ứng được yêu cầu điều hành.  Bà Nga cũng giữ quan điểm  việc chuyển hoàn toàn quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của Petrolimex sẽ có xung đột về quyền và trách nhiệm, khó đảm bảo khách quan.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ tiếp tục vào sáng 11/6, trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời về vấn đề quản lý giá thuốc.   

Tiếp tục thắt lưng buộc bụng

Trong phần trả lời các ĐB về vấn đề nợ công, chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhiều lần khẳng định trong điều kiện hiện tại, việc thắt lưng buộc bụng là cực kỳ quan trọng.  Ở các giải pháp chủ yếu giảm nợ công, Bộ trưởng cho rằng, phải đạt tăng thu 12-14%/năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý và dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

   
MỚI - NÓNG