Nồng nàn Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Mùa kơ nia rụng quả, người dân Tây Nguyên đi nhặt quả về chế biến
Mùa kơ nia rụng quả, người dân Tây Nguyên đi nhặt quả về chế biến
TP - Bức tranh mùa khô Tây Nguyên sống động, hấp dẫn bởi những triền đồi nương rẫy cà phê chín đỏ, con đường rực vàng sắc màu hoa dã quỳ hay điệp trùng núi non ôm lấy những buôn làng. Dưới tán lá rừng, là cuộc mưu sinh, văn hóa nhiều màu sắc của người dân bản địa Tây Nguyên.

Kỳ 1: Mùa nhặt quả kơ nia

Bốn mùa không thay lá, cây kơ nia vẫn một màu xanh thủy chung, có ý nghĩa tâm linh với người Tây Nguyên. Khi những cơn gió lạnh mùa khô ùa về các ami (mẹ) bắt đầu hành trình vào rừng nhặt quả kơ nia. Bây giờ loại hạt này trở thành đặc sản được nhiều thực khách chuộng.

Quả cứu đói thành… đặc sản

Khi trời đã ngả màu chiều, gió mùa khô thổi thốc từng cơn, trên con đường vào các thôn, buôn xã Ea Púk (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), lác đác vài ba người phụ nữ Êđê gùi trên lưng loại hạt hình trái xoan màu nâu, dài khoảng 3-4 cm. Chị H’Buên kể, những tháng cuối năm, quả kơ nia trên rừng chín rụng, người dân nơi đây cùng nhau đi nhặt về chế biến để bán. Ngày còn nhỏ, mỗi lần theo mẹ lên rẫy, chị thường nhặt quả đập lấy hạt ăn sống cho đỡ đói. Một số người nhặt quả về phơi khô để dành đãi khách quý. Vài ba năm trở lại đây, hạt này được nhiều người lùng mua để làm quà biếu. Sau khi chế biến, hạt kơ nia được bán với giá dao động từ 100 -120 nghìn đồng/kg. Mùa kơ nia rụng quả, người dân có thêm khoản thu nhập đáng kể.

Đôi tay thoăn thoắt đặt quả lên một tảng đá sau đó chị H’Buên dùng búa đập nhẹ quả nứt làm đôi, lớp vỏ lụa màu nâu lộ ra bọc lấy nhân trắng nõn. “Công việc nhặt quả khá nhẹ nhàng, nhưng phải đi xa vì bây giờ kơ nia không còn nhiều như trước. Mỗi ngày tôi nhặt được gần chục ký quả”, nói rồi chị đưa cho tôi hạt ăn thử. Một vị bùi, béo ngậy thêm chút mùi tinh dầu nồng lên mũi là cảm nhận khi ăn hạt sống. “Hạt kơ nia có thể ăn tươi hoặc rang lên đều ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Nó được khai thác hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo sạch và an toàn cho sức khỏe. Sau khi tách lấy hạt tôi thường rang với muối, dậy lên mùi thơm ăn béo, giòn, bùi”, chị nói.

Trên con đường xuống thác Thủy Tiên (xã Ea Púk) hai cây kơ nia rợp bóng cả một góc đường, mấy đứa trẻ đang nhặt quả rụng vương vãi dưới gốc. Chị Đinh Thị Chiên, Phó bí thư huyện đoàn Krông Năng kể, đây là cả một bầu trời tuổi thơ của chị. Chị cùng gia đình từ Quảng Bình di cư vào vùng đất Krông Năng lập nghiệp khi còn bé tí. Ngày ấy, mỗi lần tan trường, chị và đám bạn đi đường tắt qua rẫy của người đồng bào để về nhà. Hai bên đường rất nhiều cây kơ nia, trưa về vừa đói vừa mệt, mọi người cùng nhặt quả đập lấy hạt ăn lót dạ. Cả thời học sinh, quả kơ nia là món ăn cứu đói và cũng là món ăn vặt của những đứa trẻ ở vùng đất này.

“Quả kơ nia khi mới chín rụng xuống, phần thịt bên ngoài có vị ngọt. Trái xanh có vị chua người dân thường lấy về kho với cá suối rất ngon. Sau khi trái rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng bị phân hủy còn hạt được bọc bởi lớp vỏ gỗ nên để cả năm không hỏng. Bây giờ trở thành hạt thông dụng mà mọi người tìm mua để dùng trong ngày tết hay làm quà biếu”, chị Chiên cho biết.

Cây che bóng mát, hạt nuôi đồng bào

Bóng hoàng hôn đổ dài trên từng nếp nhà sàn, bên bếp than nổ tí tách, ánh mắt già Ama Phuyn (huyện Krông Năng) đăm chiêu trước khi cất lên chất giọng khàn đục, Kơ nia ư, trước đây vùng này nhiều vô kể, cây to cỡ nào cũng có, bây giờ ít dần.

Nồng nàn Tây Nguyên ảnh 1

Cây kơ nia mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào Tây Nguyên

Trong hơi lạnh của mùa khô, dẫn chúng tôi đến một khung cảnh sinh hoạt Tây Nguyên xưa qua câu chuyện của già Ama Phuyn về loài cây gắn bó mật thiết với người Tây Nguyên. Chuyện xưa kể rằng: Ngày ấy, có đôi vợ chồng nghèo, tuổi gần đất xa trời, nhưng không có con. Họ phải đi vay thóc lúa của một nhà giàu trong làng để có cái ăn qua ngày. Đôi vợ chồng bị người làng xa lánh, bởi người dân ở đây quan niệm, kiếp trước mang tội nên kiếp này bị Yang (thần linh) trừng phạt, không có con cái. Người chồng buồn tủi và oan ức vì cả đời sống lương thiện, ông đến bên sườn núi tế 7 ngày 7 đêm liền. Các Yang thấy được lòng thành, thương tình giúp ông bà có một đứa con gái. Ngày làm lễ đặt tên, vợ chồng ông đặt là K’nia. Một thời gian, hai vợ chồng qua đời. K’nia bị gia đình nhà giàu kia bắt về làm người ở. Công việc trong nhà, ngoài nương rẫy K’nia phải làm hết. Một ngày nọ kiệt sức, K’nia ngủ thiếp nơi mảnh đất cằn cỗi giữa rẫy và không bao giờ tỉnh lại. Đêm hôm đó, K’nia báo mộng cho nhà chủ, đừng chôn cô ở nghĩa trang hãy lập mộ cô ở rẫy để cô tiếp tục làm việc trả nợ.

Ít lâu sau, từ nấm mộ cô mọc lên một cây thẳng tắp vươn cao giữa rẫy hoang cằn cỗi. Cành cây như những cánh tay gân guốc dang rộng giữa trời xanh. Bao trận giông bão càn quét qua quật đổ các loài cây khác, riêng nó vẫn hiên ngang, sừng sững. Nhờ bóng mát che chở, những mùa rẫy sau cánh đồng trở lại tươi tốt, thóc lúa bội thu, nhà chủ đưa đi phân phát cho người nghèo. Dân làng đặt tên cây là kơ nia. Từ đó, khi phát rẫy, thấy cây kơ nia, dân làng giữ nguyên vì họ tin đó là nơi trú ngụ của thần linh, linh hồn người đã khuất. Xưa kia, người đi làm rẫy nếu bị no hơi, đầy bụng, hái lá kơ nia về nấu nước uống vài ngụm là khỏi; nếu bị bệnh sốt rét rừng, bệnh mà dân làng tin đó là do ma ám thì uống nước nấu cây kơ nia sẽ khỏi bệnh.

Nồng nàn Tây Nguyên ảnh 2

Hạt kơ nia được bọc bởi lớp vỏ gỗ nên để cả năm không hỏng

Đôi mắt lim dim, già chậm rãi, cây kơ nia không có một yếu tố nghi lễ, tín ngưỡng liên quan nhưng xung quanh nó có nhiều câu chuyện truyền miệng kỳ bí. Cây đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, từ khi đứa trẻ còn bé, mẹ địu lên rẫy nằm trong chiếc võng cây xòe bóng mát ru ngủ. Mỗi ngày, lũ trẻ quấn dưới gốc kơ nia chơi đủ các trò không biết mệt. Kơ nia vỗ về che mát cho người dân phát rẫy mệt nhọc, biết bao mối tình đã nảy nở, bao đôi lứa trao nhau chiếc vòng cầu hôn dưới bóng cây kơ nia.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.