Những tân sinh viên ở Làng trẻ em SOS

Các tân sinh viên trong Làng Trẻ em SOS Đà Nẵng. Ảnh: H. Văn
Các tân sinh viên trong Làng Trẻ em SOS Đà Nẵng. Ảnh: H. Văn
TP - Cùng đến từ vùng đất Quảng Nam, cùng có hoàn cảnh khó khăn, và chung mái ấm ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, giờ đây cả 6 chàng trai đang chung niềm vui đỗ đại học trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi.

> Giúp trò nghèo đến trường

Các tân sinh viên trong Làng Trẻ em SOS Đà Nẵng. Ảnh: H. Văn
Các tân sinh viên trong Làng Trẻ em SOS Đà Nẵng. Ảnh: H. Văn.
 

Gia đình nghèo, ba mất sớm vì bệnh ung thư, mẹ vật lộn với 5 sào ruộng nuôi ba anh em ăn học, Trần Công Dư luôn ôm ấp giấc mơ trở thành bác sĩ trị bệnh cho người nghèo. “Em đã mất đi người ba thân yêu chỉ vì nghèo, em không muốn chứng kiến những nỗi đau tương tự nên sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để giúp mình, mọi người”, Dư tâm sự.

“Các em đã không phụ mong mỏi, kỳ vọng của gia đình và những người thương yêu. Kết quả đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự cố gắng, tinh thần vươn lên trong học tập của các em khác trong Làng trẻ SOS” - Bà Lê Thu Hà – Phó Giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Nẵng.

 

Năm 2008, Dư chuyển sang Làng trẻ em SOS (142 Lê Văn Hiến, TP Đà Nẵng) theo diện học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi. Ba năm ở vùng đất mới, làm quen với cuộc sống tự lập và nuôi quyết tâm học thành tài. Hình ảnh người mẹ gầy, cháy nắng vẫn luôn ám ảnh Dư. Đầu năm lớp 11, Dư nhận tin ba mất. Suốt một tháng ròng, Dư không nói không rằng, chỉ lặng lặng ôm sách vở vào phòng học.

Cầm trên tay giấy báo đậu ĐH của hai trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (23 điểm) và ĐH Y dược Huế (26 điểm), Dư vui mừng khôn xiết khi biết rằng mình đã không phụ mong mỏi của mọi người, và bắt đầu chạm tay và ước mơ.

Sau nhiều phen nung nấu với quyết định thôi học để đi làm phụ giúp mẹ, cuối cùng chàng trai đất Quảng Trần Văn Thơm cũng trụ lại được với trường lớp, học đường với kết quả đậu cùng lúc hai trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (17,5 điểm) và ĐH Y dược Huế (19 điểm).

Nhà nghèo, ba mẹ lại đau bệnh thường xuyên, chị gái đã phải nghỉ học khi mới ngang lớp 9 để phụ mẹ nuôi mấy anh em ăn học. Hai đứa em, đứa lớp 8, đứa đang học mẫu giáo cũng thấp thỏm nguy cơ nghỉ học vì đồng lương của chị ngày càng èo uột. Suốt 9 năm học, Thơm là học sinh giỏi của trường.

Năm 2008, Thơm nhận học bổng của Làng trẻ em SOS, hỗ trợ trong suốt ba năm học cấp ba. Bản tính thông minh và chăm chỉ khiến Thơm luôn trở thành gương sáng cho các em trong nhà.

Tất cả số tiền học bổng, khen thưởng từ trước đến nay Thơm đều gửi về nhà xem như một khoản thu nhập cho gia đình. “Em muốn theo học ngành y để sau này có cơ hội trị bệnh cho cha, mẹ. Chứ nhìn cha mẹ đau ốm mà không có tiền chạy chữa, đeo bệnh để lo miếng cơm manh áo, em buồn lòng lắm”.

Đoàn Văn Trường (Tam Thăng, Tam Kỳ - Quảng Nam) cũng là thành viên gia đình SOS, cũng cùng lúc nhận giấy báo của hai trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (20 điểm), và ĐH Khoa học Huế (21,5 điểm). Trường nói sẽ chọn Khoa Xây dựng dân dụng (ĐHBK). Hoàn cảnh của Trường cũng không khá hơn so với Dư.

Ba mất, chị gái mắc chứng động kinh và đau tim bẩm sinh, gánh nặng đè lên lên vai người mẹ nghèo. “Mỗi lần về thăm nhà, thấy mẹ lam lũ, chị bệnh tật lòng em nặng trĩu. Nhưng từ đó em lại càng quyết tâm học để thoát khỏi cái nghèo đeo bám”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".