Những nữ sinh 'gác bút nghiên' lên đường chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Mặc đồ bảo hộ cả ngày nên mọi người phải viết tên riêng, tên lớp của mình sau lưng áo để dễ nhận biết.
Mặc đồ bảo hộ cả ngày nên mọi người phải viết tên riêng, tên lớp của mình sau lưng áo để dễ nhận biết.
TPO - Vừa cởi đồ bảo hộ, để lộ ra áo blouse ướt sũng mồ hôi sau một ngày lấy mẫu xét nghiệm trong thời tiết đầu hạ, những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi lại nhận thông báo mới: “Tối và đêm nay phải tăng cường lấy 10.000 mẫu tại thành phố Bắc Giang”.

Lấy mẫu xuyên đêm

Thông báo trên được gửi cho đoàn hơn 200 sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, hiện đang tình nguyện có mặt tại Bắc Giang để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm Sars-CoV-2.

Đoàn sinh viên đến Bắc Giang lúc 15h chiều 16/5 và được dành 2 tiếng đồng hồ để cất đồ đạc. Đến 18h cùng ngày, tất cả phải có mặt để lấy mẫu cho người dân tại khu công nghiệp Vân Trung – một trong những ổ dịch lớn của Bắc Giang.

Những nữ sinh nhỏ nhắn làm việc trong thời tiết nóng nực đến 2h sáng và khi về, hơn 200 con người chia sẻ số phòng tắm ít ỏi do lực lượng tình nguyện chưa thể bố trí ngay cơ sở vật chất. Đến gần sáng, tất cả mới có thể tranh thủ chợp mắt vài tiếng trước khi bắt đầu ngày lấy mẫu thứ 2, kéo dài từ sáng đến 24h đêm.

Những nữ sinh 'gác bút nghiên' lên đường chống dịch ảnh 1

Bàn tay nhăn nheo như vừa được ngâm nước của sinh viên sau khi đeo găng tay y tế quá lâu.

Đã có bạn mệt đến mức ngất đi, người khác vào thế chỗ. Những bạn khỏe mạnh sau khi được cởi đồ bảo hộ, uống cốc nước ép cũng bị nôn ra. Đến bữa, có bạn ngồi vào mâm với khuôn mặt mệt mỏi, dường như cầm đũa cũng không đủ sức.

Đa phần những sinh viên này đã có kinh nghiệm chống dịch COVID-19 bởi họ đã tình nguyện đi lấy mẫu trong 2 tháng liền tại Hải Dương. Nhưng đợt bùng phát trước, họ chưa phải đối diện với cái nóng mùa hè nên bộ đồ bảo hộ kín mít bằng ni lông kèm khẩu trang, kính chắn giọt bắn chưa gây nhiều bất tiện.

Lần này, những cô cậu sinh viên đi lấy mẫu tại Bắc Giang đúng dịp nắng nóng, mỗi khi bộ đồ bảo hộ trút xuống sẽ lộ ra quần áo bên trong ướt mồ hôi tới mức vắt được ra nước và đôi bàn tay nhăn nheo như vừa được ngâm. Đầu, tai đều nặng trĩu, đau nhức bởi sức ép của dây đeo khẩu trang, dây kính bảo hộ và cả gọng kính cận.

Khối lượng công việc tại Bắc Giang cũng gấp nhiều lần Hải Dương bởi quy mô đợt bùng phát này lớn hơn trước. Mỗi ngày, đoàn sinh viên hơn 200 người phải lấy mẫu cho hơn 20.000 người dân trong các vùng dịch trong khi đó ở Hải Dương, ngày cao điểm họ cũng chỉ lấy gần 5.000 mẫu.

Những nữ sinh 'gác bút nghiên' lên đường chống dịch ảnh 2

Những ngày qua, các sinh viên từ Hải Dương lấy được hơn 20.000 mẫu xét nghiệm COVID cho người dân tại Bắc Giang.

Gác bút nghiên lên đường chống dịch

“Em chỉ kịp gọi điện về cho anh trai, nhờ báo với mẹ rằng con gái mẹ đi Bắc Giang chống dịch. Nhiều bạn khác không kịp gọi về gia đình báo tin do thời gian từ lúc thông báo cần tình nguyện viên tới lên danh sách rồi xuất phát chỉ vài tiếng đồng hồ” – Nguyễn Thị Ngọc Ánh chia sẻ.

Ánh quê Thanh Oai (Hà Nội) là sinh viên năm 3 chuyên ngành xét nghiệm của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Cô chia sẻ, sáng chủ nhật 16/5, khi còn đang “ngủ nướng” đã nhận thông báo của nhà trường tuyển tình nguyện viện đi Bắc Giang nên cùng các bạn lập tức đăng ký.

“Đến 11h trưa có danh sách những người được chọn và thầy cô yêu cầu 13h có mặt ở trường để xuất phát. Trong thời gian đó, chúng em chỉ có thể chuẩn bị một chút đồ đạc cá nhân, nhiều bạn không kịp thông báo về cho gia đình. Đến nơi, mọi người làm việc liên tục suốt 2 ngày cộng thêm thời gian đi lấy mẫu không được dùng điện thoại, lấy mẫu xong đúng thời gian mọi người đã ngủ nên đến hôm thứ 3, em mới có thể gọi về cho mẹ.” – Ánh nói.

Những nữ sinh 'gác bút nghiên' lên đường chống dịch ảnh 3

Những nữ sinh phải mặc đồ bảo hộ cả ngày với kính chắn giọt bắn, khẩu trang và cả kính cận nếu cần.

Phạm Thu Hoài, sinh viên năm 3 lớp xét nghiệm của trường cho hay đợt chống dịch tại Hải Dương lần trước kéo dài đến Tết nên em không thể về quê tại Nam Định. Lần đi Bắc Giang này, cô có mấy phút để gọi điện về cho bố mẹ, bảo không phải lo lắng quá cho con.

“Bố mẹ cũng ủng hộ việc em đi lấy mẫu xét nghiệm, chỉ dặn cẩn thận bởi dịch rất dễ lây. Mẹ cũng bảo nhìn thấy con trên tivi, rất tự hào vì con mình tham gia chống COVID-19” – Hoài chia sẻ.

Những cô sinh viên cho biết thêm, đợt dịch trước họ phải nghỉ học 2 tháng và lần này cũng chưa biết bao giờ có thể về trường. “Chương trình học của chúng em đang rất chậm tiến độ. Đáng lẽ tháng 12 chúng em phải kết thúc năm 3 để chuẩn bị vào năm 4, đi thực tập nhưng tình hình này, có lẽ sẽ phải học cả nghỉ hè, thứ 7, chủ nhật hoặc các buổi tối” – Nguyễn Thị Ngọc Ánh tâm sự.

Thạc sĩ Ngụy Đình Hoàn – Giảng viên Khoa Xét nghiệm Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho hay, trong số hơn 200 sinh viên của trường đang có mặt tại Bắc Giang, chỉ số rất ít có thể học online. Còn lại, các bạn đều phải lùi lịch học, lịch thi của mình. “Tất cả phải khắc phục khó khăn, từ học tập đến cơ sở vật chất tại đây để hoàn thành nhiệm vụ” – thầy Hoàn nói.

MỚI - NÓNG