Những người lính 'thắng không kiêu, bại không nản'

Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (giữa) trao thưởng cho hai VĐV Hoàng Xuân Vinh và Văn Ngọc Tú, sáng 30/8. Ảnh: Nguyễn Minh.
Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (giữa) trao thưởng cho hai VĐV Hoàng Xuân Vinh và Văn Ngọc Tú, sáng 30/8. Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - Sáng qua, tại Đại hội Liên đoàn Võ thuật Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam lần thứ II và lễ tuyên dương, trao thưởng cho các vận động viên (VĐV) Quân đội tham gia Olympic Rio de Janero 2016, dường như mọi sự chú ý đều hướng về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và nữ VĐV Judo Văn Ngọc Tú- những người lính “thắng không kiêu, bại không nản”.

Thắng không kiêu, bại không nản

Sau chiến thắng lịch sử tại Olympic Rio 2016 với 2 tấm huy chương vàng và bạc, chia sẻ với báo chí, đại tá Hoàng Xuân Vinh cho biết, đã có đôi chút bị xáo trộn về mặt thời gian cũng như sinh hoạt, nhưng đó là niềm vui, trách nhiệm cũng như vinh dự khi được mọi người quan tâm theo dõi. Đó là niềm hạnh phúc đối với bất kỳ VĐV nào.

Trải lòng về những lần “sảy tay” đáng tiếc trong sự nghiệp, đại tá Vinh nói: Nếu chúng ta thất bại mà không rút được kinh nghiệm, chúng ta sẽ tiếp tục thất bại. Tôi là một người lính, là sĩ quan QĐND Việt Nam, được đào tạo trong trường quân đội, rèn luyện trong môi trường quân đội, điều đó luôn ghi sâu, cũng như tinh thần người lính “thắng không kiêu, bại không nản”.

Theo nhà vô địch Olympic đầu tiên của Việt Nam, với thể thao, đỉnh cao là phải luôn chinh phục, và không có điểm kết thúc. “Tôi vẫn còn sự nhiệt huyết đối với thể thao và sẽ cố gắng tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hơn nữa để cống hiến cho thể thao Việt Nam, đem vinh quang về cho Tổ quốc. Có rất nhiều yếu tố, nhiều người đóng góp tạo nên thành công của tôi. Có thể nói quan trọng nhất là những người thân trong gia đình, trong đó có vợ tôi - người luôn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp và tôi phải cảm ơn cô ấy rất nhiều!”.

Dấu ấn nữ vận động viên Judo quân đội

Không có huấn luyện viên đi kèm, Văn Ngọc Tú phải “đơn độc” xoay xở trên đất nước Brasil xa xôi, từ chuẩn bị đồ đạc, tự đến chỗ tập, rồi nghiên cứu lịch trình thi đấu, đối thủ… Thế nhưng, nghị lực phi thường đã giúp cô gái sinh năm 1987 và được mệnh danh là “Nữ hoàng Judo Việt Nam” giành được chiến thắng đầu tiên cho Judo Việt Nam trước nữ võ sĩ người Italia Moscatt Valentin đang xếp hạng 26 thế giới ngay ở vòng 1. Tuy không giành được huy chương ở Olympic Rio 2016, nhưng cô gái nhỏ bé quê Sóc Trăng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ quê nhà. “Với Judo, giành vé chính thức đi Olympic là đã thành công bởi yếu tố thể lực cũng như chuyên môn của các VĐV Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước trên thế giới”, Ngọc Tú chia sẻ.

Được ba cho học Judo từ năm 11 tuổi chỉ để rèn luyện sức khỏe vì thể trạng yếu, chính Tú cũng không nghĩ rằng mình sẽ trở thành một võ sĩ đáng gờm với 5 huy chương vàng SEA Games, tham dự Olympic London 2012, ASIAD và giành nhiều danh hiệu ở đấu trường khu vực và thế giới.

Cũng như nhiều VĐV khác, Tú thường xuyên phải xa gia đình. Từ năm 2003,  Tú ra tập trung tại Trung tâm thể thao quốc gia Hà Nội cho đến nay, chỉ có hai năm (2004 và 2015) là được tập trung ở phía Nam. Mỗi năm trung bình Tú được về nhà hai lần sau mỗi lần thi đấu giải lớn. Còn chuyện đón Tết xa nhà đã trở thành “truyền thống”. Ít ai biết, ngay khi về nước sau khi tham gia Olympic Rio, chưa kịp về thăm ba mẹ, Tú cùng đội tuyển bay vào Đà Nẵng tập trung để chuẩn bị cho Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 diễn ra cuối tháng 9 này. Tại đại hội lần này, Tú sẽ thi đấu ở hạng cân sở trường 48kg với bộ môn Kurash (đây là môn võ truyền thống của Uzbekistan và có lối đánh tương tự như Judo). Mặc dù làm quen với Kurash chưa lâu, nhưng Ngọc Tú đã “kịp” giành 3 huy chương vàng cấp châu lục ở bộ môn này.

“Tôi thấy mình rất may mắn khi được tập luyện, rèn giũa trong môi trường nhà binh. Ước nguyện của tôi là được gắn bó lâu dài với quân đội. Với tôi, gia đình là quan trọng nhất. Mỗi khi tinh thần đi xuống thì gia đình chính là điểm tựa, là động lực để tôi đứng lên”, Ngọc Tú tâm sự.

Tại lễ tuyên dương, trao thưởng cho các VĐV Quân đội tham gia Olympic Rio 2016, Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, các VĐV Quân đội đã thể hiện được phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc.

“Cần nghiên cứu quy hoạch lại hệ thống các trung tâm, đoàn, đội, CLB thể thao thành tích cao phù hợp với sự nghiệp thể dục thể thao Quân đội và quốc gia. Chú trọng đầu tư tài năng trẻ và những VĐV có trình độ chuyên môn cao có thể vươn tới thành tích châu lục và thế giới”, Trung tướng Trần Đơn nói.

Diễn ra trong hai ngày 29 và 30/8, Đại hội Liên đoàn Võ thuật QĐND Việt Nam lần thứ II (nhiệm kỳ 2016-2021) đã tập trung đánh giá, tổng kết hoạt động của Liên đoàn nhiệm kỳ qua; bầu Ban chấp hành Liên đoàn nhiệm kỳ mới gồm 33 người và xác định phương hướng hoạt động trong 5 năm tới. Dịp này, 76 tập thể và cá nhân thuộc Liên đoàn Võ thuật QĐND Việt Nam vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia phong trào luyện tập, thi đấu, biểu diễn võ thuật và tổ chức hoạt động nhiệm kỳ 2010-2015 của Liên đoàn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham dự Olympic Rio 2016, có 3 VĐV Quân đội trong đoàn thể thao Việt Nam là đại tá Hoàng Xuân Vinh (môn bắn súng), đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Ánh Viên (môn bơi, Ánh Viên không có mặt tại lễ tuyên dương sáng qua do đang bận tập huấn tại Mỹ) và công nhân viên quốc phòng Văn Ngọc Tú (môn Judo). Với những thành tích xuất sắc, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho VĐV Hoàng Xuân Vinh. Bộ trưởng Quốc phòng tặng Bằng khen cho 2 VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên và Văn Ngọc Tú. Dịp này, Bộ Quốc phòng đã trao tặng tiền thưởng cho các VĐV Hoàng Xuân Vinh (50 triệu đồng), Nguyễn Thị Ánh Viên và Văn Ngọc Tú (mỗi người 10 triệu đồng).

MỚI - NÓNG