Những lễ hội rước ông Lợn ở Pháp

Lễ rước lợn Hồng ở Poussan Pháp
Lễ rước lợn Hồng ở Poussan Pháp
TP - Tại Pháp, một số nơi vẫn giữ truyền thống thờ động vật. Lễ hội rước ông lợn không chỉ tôn vinh nông nghiệp mà còn là điểm hẹn của trai gái như chợ tình ở miền núi Việt Nam.

Lễ rước lợn đen

Lễ rước lợn đen diễn ra vào tháng 7 ở một vài thị trấn lân cận Saint-André-de-Sangonis, Alignan-du-vent, Pezenas thuộc miền Nam nước Pháp.

Sự tích nguồn gốc lễ hội có nhiều dị bản. Theo một truyền thuyết, bá tước Saint André giàu có nhất vùng bị một lời nguyền sẽ không có con nối dõi. Ông chỉ có một cô con gái rất xấu nên không có người hỏi. Cô con gái nhà quý tộc nên dân thường lại không ai dám mơ tới. Ông buồn lắm.

Một hôm bá tước tuyên bố tổ chức buổi lễ lớn và tung quả táo lên, bất cứ ai dùng miệng bắt được sẽ được lấy cô con gái cùng món hồi môn lớn. Tất cả làng tụ lại ở quảng trường. Ông bá tước vừa tung quả táo, bỗng nhiên một con lợn đen to lực lưỡng xuất hiện đớp được quả táo. Cô gái thuộc về con lợn đen...

Câu chuyện được gắn thêm ý nghĩa lợn cũng quý như con rể, và người phụ nữ đảm đang hữu ích, chính là biết chăm lo đàn lợn như chăm lo chồng con. Lợn đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Ông rể lợn được tôn vinh. Hàng năm dân làng tìm một con lợn đen khỏe cho tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề như chú rể đưa đi một vòng quanh làng. Sau này, lễ hội dùng hình tượng lợn đen được trang trí rất vui mắt.

Lễ rước lợn hồng

Những lễ hội rước ông Lợn ở Pháp ảnh 1

Lễ rước lợn đen ở Pezenas

Những lễ hội rước ông Lợn ở Pháp ảnh 2 Lợn có trong biểu tượng cờ phướn của thị trấn Porsan
Những lễ hội rước ông Lợn ở Pháp ảnh 3 Lễ rước ông lợn đen ở Saint-André-de-Sangonis

Ông lợn linh thiêng ở Poussan là ông lợn khủng có 8 cặp chân, và biết nhảy múa vui vẻ. Theo sử liệu, sự tôn vinh lợn có từ thời Trung cổ. Lễ rước này diễn ra vào tháng hai hàng năm ở thị trấn Poussan. Truyền thuyết ông lợn hồng thể hiện khát vọng dời làng, và mở rộng đất đai để phát triển nông nghiệp, khi làng lớn dần lên cùng dân số tăng. Mọi người ra đi hy vọng sẽ tìm được một vùng đất đẹp ấm áp để lập làng mới.

Truyền thuyết kể ngày dời làng, có tổ chức lễ hội trá hình vui vẻ xô lấn nhau. Lễ hội sẽ tôn vinh ai làm cho cả làng cười vui nhất. Trong lễ hội lại lạc vào một chú lợn. Lợn bị chen lấn thở hổn hển, bị nóng hồng toàn thân, quay vòng tròn làm mọi người bật cười vang. Vì thế, ông lợn hồng được lên kiệu rước và được phong làm vua lễ hội. Từ đó làng này có tên « làng heo »  Porcel (tiếng vùng Occitan) - sau biến âm thành Poussan.

Lợn trở thành ông tổ linh thiêng ở đây. Từ xưa, những làng này đã nổi tiếng về chăn nuôi lợn, giàu có nhờ lợn.  Chú lợn hồng đi đến đâu làng xóm phát triển đến đấy. Lễ hội là bằng chứng sự phát triển kinh tế và mở rộng trang trại nhờ đầu tư vào chăn nuôi gia súc. Ngày nay một số khu trang trại đã thành thị trấn, thành phố, nhưng người dân vẫn giữ phong tục mở lễ hội lợn hồng.

Trong lễ hội, người dân dùng các tông bồi thành một ông lợn hoành tráng rước đi quanh làng, hoặc tìm một con lợn thật đẹp cho ăn mặc đẹp dắt đi quanh làng trong tiếng nhạc và điệu nhảy dân gian. Ngày nay, họ còn rước những động vật hữu ích khác đã đem lại sự phồn vinh của làng như dê, ngựa, cừu…

Lễ hội thu hút khách du lịch và cũng là dịp dân các làng xung quanh gặp nhau và là dịp để các nghệ sĩ của làng thể hiện tài năng. Ngày nay tòa thị chính những vùng này đã mời các nghệ sĩ chuyên nghiệp kết hợp với đội văn nghệ của thành phố biểu diễn tạo một không khí nghệ thuật hấp dẫn.

Lễ hội không chỉ tôn vinh nông nghiệp mà cũng là điểm hẹn của trai gái như chợ tình ở miền núi Việt Nam. Lễ hội thể hiện khát vọng đoàn kết qua vòng tay nối nhau vây quanh ông lợn trong điệu nhảy, bài ca quen thuộc. 

Con lợn đến châu Âu được thuần hóa lần thứ hai. Lợn được chăn nuôi nhiều ở vùng miền Nam nước Pháp nơi có khí hậu tương đối ấm. Do đó có một số làng ở Pháp vinh danh lợn. Lợn trở thành linh thiêng, được đưa vào cờ phướn của vùng. Người Pháp vùng này vẫn giữ truyền thống hàng năm tổ chức lễ hội rước thần phù hộ cho cộng đồng mang hình tượng Lợn.

Tại Pháp, một số nơi vẫn giữ truyền thống thờ động vật – ngoài con lợn. Tuy nhiên, giờ đây việc tôn thờ này chỉ còn là hình thức văn hóa vui tôn vinh nông nghiệp, không có màu sắc mê tín. Đó là rước Lừa ở  Besan, Lạc đà ở Bezier, Gà ở Pézenas, Bò ở Mèze, Cua ở Marseillan, Sâu róm ở Pinet. Hầu như các làng này đều nằm ở miền Nam nước Pháp, nơi khí hậu ấm áp, nông nghiệp phát triển mạnh.

MỚI - NÓNG