Những em bé ra đời ngay tâm bão mạnh

Những em bé ra đời ngay tâm bão mạnh
TP - Giữa tâm bão 11 (Nari) đổ bộ đất liền Đà Nẵng, những chiếc xe “đặc chủng”, cấp cứu 115, vượt qua trận cuồng phong đưa sản phụ đến cơ sở y tế vượt cạn thành công. Nhiều em bé ra đời ngay giữa tâm bão, và được đặt bằng cái tên đáng nhớ - bé Nari.

> Chung tay khắc phục hậu quả bão Nari
> Bão đi, cơ hàn ở lại

Vợ chồng anh Huỳnh Kim Trí và chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu vui mừng sau khi được giúp đỡ sinh con trong khi mưa bão lớn. ảnh: NGUYỄN HUY
Vợ chồng anh Huỳnh Kim Trí và chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu vui mừng sau khi được giúp đỡ sinh con trong khi mưa bão lớn. ảnh: NGUYỄN HUY.

VƯỢT TÂM BÃO ĐÊM

4 giờ sáng 15/10, Đà Nẵng tối đen như mực, toàn thành phố mất điện. Từng trận cuồng phong rít liên hồi, quét vào mái nhà, bờ tường, cây cối. Sản phụ Đặng Thị Thu Thủy (30 tuổi, trú P. An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng) bất ngờ trở dạ. Cơn đau mỗi lúc một dữ dội.

Bên ngoài gió bão tăng cấp. Tình thế nguy cấp, gia đình chị Thủy điện thoại khắp các hãng taxi, nhưng lúc này đội ngũ tài xế “án binh” trước sức gió lớn. Các cơ sở y tế không thể điều xe cấp cứu 115 trước trận cuồng phong. Bất đắc dĩ, nhà chị Thủy điện cầu cứu Đội PCLB P. An Hải Bắc. 

Bí thư kiêm chủ tịch UBND P. An Hải Bắc Nguyễn Thành Nam túc trực 24/24h. Nhận điện báo, ông Nam liên hệ khẩn với Trạm y tế P. An Hải Bắc. Đội ngũ y tá sẵn sàng, ngặt nỗi đường không xa nhưng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, mọi phương tiện dân sự đều đứng bánh. Ông Nam vội điện báo lực lượng quân đội, điều xe U-oát đặc chủng.

 Hai vợ chồng định đặt cho cháu bằng những cái tên khác nhưng rồi quyết định đặt bằng tên Nari, mong muốn sau này cháu luôn vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, bão tố cuộc đời

Chị Thủy nói

Giữa màn đêm tâm bão, chiếc xe xé màn nước, xiên giữa trận cuồng phong, đón sản phụ. “Tôi đau trở dạ đến muốn ngất lịm, biết lúc đó là bão vừa đau vừa sợ.

Ngồi trên xe, mắt nhắm mắt mở, tôi nhìn lờ mờ trước ánh đèn điện của xe U oát, gió to, mưa lớn, cây cối ngã đổ liên hồi. Không hiểu sao, mọi người vẫn có thể đưa tôi đến bệnh viện thành công được”- Gần tuần lễ trôi qua, chị Thủy vẫn nhớ từng cảm giác vượt cạn trong thời khắc đặc biệt. Gió thốc từng hồi, chiếc xe chao nghiêng, “bò” với vận tốc 5km/h giữa tâm bão.

Các cán bộ y tế, UBND phường trực tiếp lên xe, túc trực trên suốt hành trình. Đường từ nhà sản phụ Thủy tới Trung tâm y tế quận Sơn Trà chưa đầy 3km, nhưng phải mất hơn 30 phút mới có thể “cập bến”.

Sản phụ Thủy đã sinh một bé trai kháu khỉnh, nặng 3,1 kg. Không chần chừ, cả nhà quyết định đặt tên khai sinh cho bé là Bảo Nam (mang tên chủ tịch phường), và đặt tên gọi ở nhà bé Nari, ghi nhớ biến cố chào đời trong thời khắc bão tố.

“Hai vợ chồng định đặt cho cháu bằng những cái tên khác nhưng rồi quyết định đặt tên Nari, mong muốn sau này cháu luôn vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, bão tố cuộc đời”, chị Thủy nói.

 Bé Nari con chị Hải Bình
Bé Nari con chị Hải Bình.

Liên Chiểu (Đà Nẵng)- vùng tâm bão Nari, hơn 2 giờ 30 sáng 15/10, các con đường nham nhở cây cối gãy đổ, mưa mù trời, taxi không thể di chuyển. Sản phụ Võ Thị Bé Hải (32 tuổi, đường Âu Cơ) bất ngờ chuyển dạ sớm.

Anh Nguyễn Nho Bình (35 tuổi, cán bộ BCH Quân sự TP Đà Nẵng), chồng chị Hải, lúc này đang trực bão ở đơn vị không thể về nhà. Nhận tin báo, Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Cúc (Trạm cấp cứu 115 Hòa Minh) khẩn tốc cùng 2 cán bộ trạm lên xe.

Ngoài trời gió giật cấp 8-9, cây cối liên tục đổ rạp, cản đường. Chiếc xe nhích từng mét. Chị Cúc kể: “Lúc đến nơi, sản phụ liên tục lên cơn đau đẻ, ai cũng hoảng. Mình mà chậm chân thì người nhà khó xử lý nổi. Theo anh Bình, các bác sĩ dự sinh sau bão 10 ngày nên gia đình chủ quan không đưa đến cơ sở y tế, nhưng vợ lại chuyển dạ sớm.

Hơn 2 tiếng đồng hồ, xe cấp cứu mới tiếp đích Trung tâm y tế quận Liên Chiểu chỉ cách chừng vài ba cây số. 6 giờ sáng 15/10, chị Hải sinh hạ an toàn bé trai nặng 3,7kg. “Dịp đầy tháng tới, hai vợ chồng đang bàn chính thức đặt tên cháu là Vũ Bão, và tên gọi ở nhà Nari để ghi nhớ sự kiện này”, anh Bình nói.

VƯỢT BÃO KHÓ HƠN… “VƯỢT CẠN”

Ôm trên tay bé gái kháu khỉnh tại BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), anh Huỳnh Kim Trí (đường Nguyễn Công Trứ, Sơn Trà, Đà Nẵng) chưa hết bàng hoàng nhớ lại thời khắc cùng vợ vượt giữa tâm bão để đến cơ sở y tế, sinh con.

Rạng sáng ngày 15/10, khi bão Nari đang tiến sát đất liền, cả thành phố Đà Nẵng quay cuồng trong trận gió dữ, mưa xối xả, chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu vợ anh Trí trở dạ. Hơn 1 giờ sáng, anh Trí điện quanh các cơ sở y tế nhưng không nơi nào dám điều xe trong thời tiết nguy hiểm.

Mẹ con chị Võ Thị Bé Hai và bé Nari
Mẹ con chị Võ Thị Bé Hai và bé Nari.

BV 199 (Bộ Công an) chỉ cách nhà vài trăm mét. Ngặt nỗi, cơ sở này không có chuyên khoa sản. Ngồi nhìn vợ quặn mình trong cơn đau đẻ, anh Trí càng ái ngại khi mưa gió ngoài trời mỗi lúc một tăng cấp. “Đúng ra vợ tôi sinh sau vài ngày, nhưng lại trở dạ trước. Cả gia đình rối bời, lo lắng. May sau lúc đó tôi chợt nghĩ chỉ có các đơn vị PCLB có xe đặc chủng, chuyên dụng, mới có thể hỗ trợ kịp thời”, anh Trí kể.

Nhận điện thoại, trực ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng khẩn tốc liên hệ Trung tâm cấp cứu 115. BS Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc trung này điều 3 mũi xe cấp cứu 115 từ các trạm Hải Châu, Ngũ Hành Sơn lên đường. Xe cấp cứu BV Hoàn Mỹ vừa chạy đến cầu Rồng thì đứng bánh do ngược gió. Xe cấp cứu BV Đà Nẵng từ quận Hải Châu mắc kẹt giữa “rừng cây đổ”.

Hy vọng đổ dồn xe cấp cứu 115 Trung tâm cấp cứu 115 trạm vệ tinh Ngũ Hành Sơn lên đường, tìm hướng “né” gió, ních từng vệt bánh trên đường. “Xe cấp cứu rất nhẹ, dễ bị gió lật. Tôi liên tục nối liên lạc, động viên, dặn tài xế bất khả kháng phải dừng bánh. May sao, xe vẫn tiếp cận thành công”, BS Hồng kể. 2 tiếng đồng hồ vật lộn giữa tâm bão, xe cấp cứu 115 mới đưa thành công sản phụ đến BV Hoàn Mỹ, thực hiện ca sinh an toàn.

“Đau bụng trở dạ, chiếc xe vật liên hồi vì hứng gió. Nhiều lúc nghĩ lại, thấy vượt cạn còn dễ hơn cả vượt bão”, chị Diệu cười nói. Đón con chào đời, hai vợ chồng anh Trí quyết định đặt tên bé Nari- tên quốc tế của cơn bão số 11 để nhớ lần sinh “chạy bão”. Anh Trí bộc bạch: May các lực lượng PCLB, cấp cứu 115 luôn cơ động nếu không chẳng ai dám chắc mẹ tròn con vuông như thế.

TRỰC BÃO, TRỰC SINH ĐẺ

Gần 30 năm về công tác tại Trạm y tế P An Hải Bắc, chuyện trực bão với y sỹ Bùi Thị Kim Chung (50 tuổi, Trưởng trạm Y tế phường An Hải Bắc) không còn lạ. Nhưng việc trực tiếp hộ tống sản phụ trên xe vượt tâm bão là điều hi hữu. Y sỹ Chung cùng 2 nhân viên y tế trạm có mặt trên xe U oát, đưa sản phụ Thủy trên hành trình đến Trung tâm y tế quận Sơn Trà, chứng kiến từng giây phút cận kề nguy hiểm mưa bão.

Y sỹ Chung kể: Nhận điện báo anh Nam chủ tịch, chúng tôi lên nhiều phương án. Một trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ ngay tại nhà, nhưng cái khó là thiếu thốn trang bị y tế, di chuyển; hai là tìm cách đưa sản phụ đến cơ sở y tế. Chúng tôi xác định nếu phương tiện di chuyển chậm, sản phụ hạ sinh trên xe thì sẵn sàng tâm lý đỡ đẻ.

“Lúc ngồi trên xe, ai cũng lo ngại, gió lớn, cây cối ngã đổ, nhà cửa tốc mái. Chỉ sợ xe không thể “về đích”. May mà tài xế là lính quân đội nên có kinh nghiệm và vững tay lái nên cuối cùng cũng đến được bệnh viện an toàn”, y sỹ Chung kể.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng, chuyện sản phụ trở dạ sinh giữa tâm bão đổ bộ không hiếm nhưng các trường hợp bão số 11 vừa qua, tình huống rất nguy cấp do bão lớn, cường độ mạnh. Chúng tôi phải dự phòng cả phương án điều xe thiết giáp, xe đặc chủng của bộ đội để điều động trong trường hợp những phương tiện khác không thể lăn bánh, hỗ trợ sản phụ.

BS Phạm Thị Ánh Hồng cho hay: Ngày càng nhiều sản phụ sinh đẻ trong điều kiện bão lũ. Tai nạn thương tích có thể hướng dẫn cách sơ cấp cứu được nhưng đau đẻ thì không thể tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại. Trong khi nhiều gia đình sản phụ lại khá chủ quan không đề phòng trước.

Ngay trước bão, cần chủ động đưa sản phụ về các cơ sở y tế, phòng sinh, BS Hồng kiến nghị. Hàng chục năm túc trực 115, BS Hồng có “thâm niên” tiếp nhận nhiều trường hợp sinh “chạy bão”.

Nhớ gần chục năm trước, bản thân BS Hồng cùng y bác sĩ cấp cứu 115 trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên đỉnh nước lũ ở Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vì không thể điều xe, di chuyển sản phụ.

Theo BS Phạm Thị Ánh Hồng, từ 1 giờ sáng 15/10, khi tâm bão 11 đổ bộ, đơn vị điều xe hỗ trợ kịp thời cho gần chục sản phụ sinh “chạy bão” an toàn. Bão đêm nên việc di chuyển hết sức khó khăn, nguy hiểm, tài xế không thấy đường, sức gió, cây đổ…

Kinh nghiệm trực bão cho thấy, vấn đề sản phụ sinh đẻ thời điểm này rất phức tạp do việc di chuyển cực kỳ khó khăn. Người nhà hay chủ quan nghĩ có thể gọi được xe nhưng phần lớn các phương tiện dân sự đều không dám chạy, kể cả xe cứu thương cũng dễ mất an toàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.