Những điểm bất thường trong thương vụ Mobifone mua AVG

TPO - Báo cáo sai sự thật; sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy; đưa giao dịch vào danh mục “Mật”… đó là những điểm bất thường mà Thanh tra Chính phủ đã “vạch mặt chỉ tên” trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Vụ mua bán được đưa vào danh mục “Mật”

Tại kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật.

Theo đó, Bộ TTTT xin ý kiến của Bộ Công an về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành như: chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của Dự án…

TTCP cũng cho biết, khi cơ quan này có văn bản đề nghị Bộ TTTT xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TTTT đã không thực hiện và đề nghị TTCP báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đúng quy định. “Trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ TTTT” – TTCP xác định.

Phê duyệt thương vụ khi Thủ tướng chưa đồng ý chủ trương

Đáng chú ý, TTCP xác định, tuy dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng ngày 21/12/2015, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 236 Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, vi phạm Luật Đầu tư; phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm, vi phạm Luật số 69/2014/QH13; chưa phê duyệt Dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm A, vi phạm Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư (mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư); thực tế Mobifone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.

TTCP cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông , Bộ TTTT đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án; phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

TTCP cho biết, giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là hai yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch  Đầu tư và Bộ Tài chính, mặc dù Bộ TTTT còn băn khoăn, đã nhiều lần đề nghị được trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng Bộ TTTT vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, trong đó có 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, mặc dù trước đó đã chỉ đạo Mobifone không mua 2 khoản đầu tư ngoài ngành này.

“Việc AVG đầu tư 2 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình nêu trên tiềm ẩn rủi ro về tài chính, có dấu hiệu bất thường, nhưng Mobifone vẫn mua 02 khoản đầu tư này, cần được tiếp tục làm rõ” – TTCP nêu quan điểm.

Cũng theo TTCP, 4 kênh tần số mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm, theo quy định khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số đã cấp cho AVG ...”.  Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng Bộ TTTT đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện; vi phạm chính các quy định của Bộ TTTT.

“Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng)” – TTCP thông tin.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.