Những cảnh đời dạt vỉa hè, gầm cầu mùa dịch ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Anh Lô Văn Cà Huệ và nhóm bạn ngủ tại gầm cầu đường Vành đai 3 (chụp lúc vào tối 30/8/2021)
Anh Lô Văn Cà Huệ và nhóm bạn ngủ tại gầm cầu đường Vành đai 3 (chụp lúc vào tối 30/8/2021)
TP - Mất việc làm, không còn thu nhập để thuê nhà trọ, đường về quê mịt mù, nhiều lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội dọn ra ở gầm cầu.

22h, anh Nguyễn Văn Sơn và người con ngồi vất vưởng bên lề đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Hai bố con chờ đợi có chiếc xe khách nào đó để bắt về quê. Anh Sơn cho biết, anh cùng con trai từ huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) lên Hà Nội làm bốc vác tại một công trình ở gần ga Hà Nội trước thời điểm giãn cách xã hội mấy ngày.

Sáng 24/7, chủ thầu thông báo phải tạm dừng công việc, anh Sơn kêu họ trả tiền công nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. “Ngay hôm đó, tôi trả phòng trọ để lấy tiền phòng thân. Hiện giờ trong túi tôi chỉ còn hơn một trăm nghìn đồng. Nếu không thể về quê, không biết bố con tôi sẽ sống ra sao …”, anh Sơn nói.

Hằng ngày, hai bố con anh đi lang thang để xin cơm. Buổi tối, hai người chọn một hiên nhà bên đường hay một gầm cầu nghỉ tạm.

Tại khu vực gầm cầu vành đai 3 dọc đường Khuất Duy Tiến (qua quận Thanh Xuân), Đinh Quang Đạt đang chuẩn bị đi nhặt phế liệu. Hành trang của Đạt là vài chiếc bao tải nhặt được ở vệ đường.

“Em sợ COVID -19 lắm, đi đêm ít người nên chắc sẽ bớt bị ảnh hưởng hơn. Với lại, ban ngày, nhiều “đồng nghiệp” cùng nhặt, không làm ăn được gì. Em cố gắng kiếm thêm để tìm cách về quê sớm”, thanh niên người dân tộc Thái, quê Mai Châu-Hòa Bình cười nói.

Đạt cho biết, nhà nghèo, mẹ bị bệnh tật liên miên nên em phải bỏ học sớm để đi làm phụ hồ. Mới đây, em làm cốp pha cho một chủ ở tỉnh Hưng Yên. Do công việc không được thuận lợi, Đạt tính đi về quê. Tuy nhiên, do không thông thuộc đường sá, Đạt lạc lên Hà Nội đúng vào thời điểm giãn cách xã hội.

“Khi ấy, trong túi em vẫn còn gần 8 triệu đồng. Em nghĩ, Hà Nội cùng lắm giãn cách 14 ngày; sau đó, em có thể bắt xe đem tiền về đưa cho mẹ. Nào ngờ, bị kẹt ở đây đã hơn tháng nay rồi”, Đạt nói và cho biết, lúc mới lên Hà Nội, Đạt ở trọ cùng một người bạn mới quen.

Tuy nhiên, mới ở một đêm, hôm sau ngủ dậy cả ví tiền, điện thoại, quần áo, giấy xét nghiệm COVID-19 đều bị lấy cắp. Đạt đành phải ra gầm cầu ở và hằng đêm đi nhặt phế liệu để hôm sau bán lấy tiền mua mì tôm sống qua ngày.

Khác với bố con anh Sơn và Đạt, cả nhóm của anh Huệ đều chung quyết tâm bám trụ lại đây để đợi đến ngày được trở lại làm việc. Vì theo họ, về quê thì dọc đường biết kiếm đâu tiền ăn, nghỉ. “Biết đâu, hết đợt giãn cách này lại lắm chỗ gọi đi làm”, anh Huệ nói.

Gầm cầu đường vành đai 3, đoạn gần Bến xe Nước Ngầm cũng là nơi trú ngụ của ba người đàn ông khác. Anh Lô Văn Cà Huệ (ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) đại diện cho 2 người còn lại cho biết, ở quê anh, công việc không đều nên anh quyết tâm lên Hà Nội tìm việc cách đây 7 tháng.

Công việc cơ khí dân dụng bên quận Long Biên của anh vẫn suôn sẻ đến khi Hà Nội thực hiện những biện pháp thắt chặt đi lại để phòng chống dịch. “Tôi đi làm, lương được 5 triệu đồng/tháng. Đóng tiền thuê phòng trọ 1 tháng hết 1,2 triệu đồng. Chi tiêu dè sẻn thì cũng gửi về nhà được đôi triệu. Giờ mất việc, tôi ra đây với anh em cho tiết kiệm tiền thuê nhà trọ”, thanh niên người dân tộc Thái này chia sẻ.

MỚI - NÓNG