Nhiều quận huyện ở TPHCM muốn lập ‘phố đi bộ’

TPO - Lãnh đạo nhiều quận huyện cho rằng TPHCM chỉ có Phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện là còn quá ít và chỉ phục vụ nhu cầu của du khách và người dân các quận trung tâm.

Chiều 27/8, tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về kết quả thực hiện chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, đại biểu Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM cho biết: Trong quá trình giám sát, lãnh đạo nhiều quận huyện đề xuất lập Phố đi bộ và Đường sách trên địa bàn để phục vụ nhu cầu du khách và người dân địa phương.

Nhiều quận huyện ở TPHCM muốn lập ‘phố đi bộ’ ảnh 1 Đại biểu Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM

Ông Tăng Hữu Phong lý giải: TPHCM mới có hai Phố đi bộ là Nguyễn Huệ và Bùi Viện; Đường sách Nguyễn Văn Bình cùng đặt ở quận 1. Người dân ở trung tâm thành phố có thể ghé thường xuyên, còn ở các quận huyện vùng ven, ngoại thành muốn đến tham quan thì "cả đời chỉ đi được vài lần vì quá xa". Nói cách khác, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện và Đường sách Nguyễn Văn Bình chủ yếu mới phục vụ cho du khách và người dân các quận trung tâm thành phố.

“Nguyện vọng của lãnh đạo và người dân các quận huyện là chính đáng, cần được UBND TPHCM xem xét, chấp thuận”, ông Phong nhấn mạnh.

Nhiều quận huyện ở TPHCM muốn lập ‘phố đi bộ’ ảnh 2 Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm 

Ghi nhận ý kiến của đại biểu HĐND TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nói sẽ nghiêm túc tiếp thu và xem xét giải quyết.

Theo ông Lê Thanh Liêm, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động văn hóa tại TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề. Trong 6 tháng đầu năm, có nhiều hoạt động văn hóa do thực hiện quy định giãn cách xã hội nên không tổ chức được và ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ đề năm 2020.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670 m, rộng 64 m được UBND TPHCM khánh thành vào cuối tháng 4/2015. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND TPHCM đến Bến Bạch Đằng được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh. Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại… Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Nhiều quận huyện ở TPHCM muốn lập ‘phố đi bộ’ ảnh 3 Trước khi có dịch COVID-19, Phố đi bộ Nguyễn Huệ thường đông đúc vào các buổi tối cuối tuần

Mặc dù nhiều người gọi là phố đi bộ, nhưng thực tế các phương tiện vẫn được lưu thông hai bên đường của đại lộ Nguyễn Huệ (trừ tối thứ Bảy và Chủ nhật).

Phố đi bộ Bùi Viện  là một khu phố nằm trên các con đường Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu. Trước đây, khu vực này vắng người nên việc giao thương buôn bán không mấy tấp nập. Kể từ năm 2009 nơi đây trở nên đông đúc hơn, thu hút nhiều hoạt động giải trí và các tiểu thương tới làm ăn.

Giữa tháng 7/2017, Phố đi bộ Bùi Viện chính thức khai trương, hoạt động từ 19h-2h sáng vào hai ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật với hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở hai sân khấu từ 20h-22h. Đây là phố đi bộ thứ hai được khai trương ở TPHCM sau phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Nhiều quận huyện ở TPHCM muốn lập ‘phố đi bộ’ ảnh 4 Đường sách Nguyễn Văn Bình là điểm đến quen thuộc của giới trẻ và những người đam mê văn hóa đọc

Đường sách Nguyễn Văn Bình được thành lập hơn 4 năm trước nằm bên hông nhà thờ Đức Bà. Từ khi thành lập đường sách, con phố này trở thành một điểm đến thu hút giới trẻ và những người đam mê văn hóa đọc. Đến với đường sách Nguyễn Văn Bình, du khách có thể vô tình bắt gặp một buổi ra mắt sách, một dịp giao lưu cùng tác giả hoặc những quầy sách báo cũ thấm màu thời gian.

MỚI - NÓNG