Nhiều công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt

Sàn giao dịch chứng khoán sôi động một thời
Sàn giao dịch chứng khoán sôi động một thời
TP - Trong vụ lừa đảo, vỡ nợ cả ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán OTC tại TPHCM cuối tuần qua ít nhất hai công ty chứng khoán (CTCK) cùng một ngân hàng có liên quan.

> ORS lên tiếng về vụ lừa đảo chứng khoán 'khủng'

Sàn giao dịch chứng khoán sôi động một thời
Sàn giao dịch chứng khoán sôi động một thời.
 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quản lý, giám sát các CTCK ra sao? Ông Phạm Hồng Sơn (ảnh), Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (UBCKNN) trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

Về vụ bà Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trên thị trường OTC liên quan một số CTCK, UBCKNN đã có sự phối hợp nào với cơ quan điều tra chưa?

Hiện chúng tôi mới chỉ biết thông tin qua báo chí và cũng chưa được thông báo phối hợp. Chúng tôi đã yêu cầu hai CTCK mà báo chí nêu có liên quan là CTCK Phương Đông và CTCK KimEng, báo cáo UBCKNN.

Theo phản hồi ban đầu từ phía CTCK Phương Đông, bà Như không mở tài khoản tại CTCK Phương Đông. Mà bà Huỳnh Thị Huyền Như là thành viên HĐQT CTCK Phương Đông, bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo nhiều người góp vốn để đầu tư, trong đó có đầu tư chứng khoán. Còn CTCK KimEng chưa có phản hồi.

UBCKNN đã cập nhật con số báo cáo về tình hình an toàn tài chính của CTCK chưa, thực tế ra sao, thưa ông?

Theo báo cáo, hiện có 12 công ty không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%), trong đó 5 công ty rơi vào diện kiểm soát đặc biệt (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%). Những công ty đó nếu 6 tháng tiếp theo, kể từ tháng 4-2012 nếu không khắc phục được sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Những công ty này dù chưa bị áp dụng chế tài nhưng vẫn phải báo cáo thường xuyên cho chúng tôi. Thậm chí, công ty nào vốn khả dụng dưới 120% thì phải báo cáo theo ngày.

Trong số danh sách này, một số công ty đang bị yêu cầu phải tính toán lại. Riêng CTCK MêKông hiện chưa có báo cáo kiểm toán năm 2010 và chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Quan điểm của chúng tôi là CTCK nào vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ hoạt động. Trong bối cảnh hiện nay thì những CTCK nhỏ thường rất khó cạnh tranh. Cuộc sàng lọc có thể sẽ dẫn đến giải thể, phá sản.

Ông Phạm Hồng Sơn
Ông Phạm Hồng Sơn.
 

Hiện có 105 CTCK đang hoạt động. Con số này vẫn được xem là quá nhiều so với quy mô thị trường. Theo ông, chuyện các CTCK lỗ và giải thể có xảy ra phổ biến không, có bao nhiêu CTCK có thể “trụ” lại?

Theo số liệu chúng tôi nắm được, số CTCK lỗ trong quý 3 là gần 80 còn số công ty lỗ lũy kế hết quý 3 là gần 70 công ty. Tuy nhiên, kể cả trong số Cty lỗ đó, có nhiều CTCK vẫn “sống khỏe”. Bản thân các CTCK cũng rất nỗ lực trong việc tự tái cơ cấu. Họ duy trì hoạt động bằng nhiều cách khác nhau.

Như doanh nghiệp có vốn 1.000 tỷ đồng nhưng lỗ 500 tỷ thì vẫn duy trì hoạt động được. Tỷ lệ an toàn tài chính là để CTCK duy trì được hoạt động chứ không chỉ đơn thuần chuyện lỗ, lãi. Lỗ, lãi là chuyện của doanh nghiệp nhưng anh vẫn phải đảm bảo các chỉ tiêu nhất định để vẫn hoạt động được.

Cảm nhận của tôi nếu thị trường còn khó khăn kéo dài thì số CTCK trụ lại được có thể chỉ hơn một nửa. Tuy nhiên, nếu thị trường ấm lên thì các CTCK hoàn toàn có thể sống lại. Còn hiện việc cấp phép mới gần như không có.

Cảm ơn ông.

Thông tư 226 về tỷ lệ an toàn tài chính của các công ty chứng khoán có hiệu lực từ tháng 4-2011. Theo đó, CTCK nếu không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, sẽ bị đưa vào tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng (tương quan giữa quy mô rủi ro với mức vốn chịu rủi ro) dao động từ 120% tới 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục, các CTCK sẽ bị đặt trong vòng kiểm soát đặc biệt. Nếu tình hình không thay đổi, sau 6 tháng CTCK đó có thể bị chấm dứt hoạt động.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, hiện có 12 CTCK chưa đáp ứng được các chỉ tiêu về tỷ lệ an toàn tài chính. Đây hầu hết là CTCK nhỏ, thành lập muộn có vốn điều lệ vài chục tỷ đồng.

Khánh Huyền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG