Nhiều bệnh nhân hôn mê vì virut 'ăn não người'

Một bệnh nhân mắc viêm não mô cầu đang điều trị tại BV Bạch Mai.
Một bệnh nhân mắc viêm não mô cầu đang điều trị tại BV Bạch Mai.
TPO - Bệnh nhân mới nhất mắc căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này là Hảng Thị D, 24 tuổi ở Yên Bái. D nhập viện trong tình trạng hôn mê rất sâu, mất phản xạ, tiên lượng cực kỳ xấu. 

Theo đó, ngày 7/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ người dân tộc có dấu hiệu sốt cao, hôn mê rất sâu, nhiều vết xuất huyết dưới da do viêm não mô cầu. Bệnh nhân là Hảng Thị D. (24 tuổi, dân tộc Mông, trú tại tỉnh Yên Bái).

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ươngcho biết, kết quả xét nghiệm khẳng định, bệnh nhân bị viêm màng não mủ do viêm não mô cầu với diễn biến rất cấp tính cho nên dẫn đến tình trạng phù não vô cùng trầm trọng. Hiện nay, bệnh nhân hôn mê rất sâu, mất phản xạ, tiên lượng cực kỳ xấu, nguy cơ tử vong rất cao. 

Ngày 18-4, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết BV này cũng vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 15 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội được chuyển đến BV trong tình trạng rất nặng, hôn mê, phải đặt nội khí quản, thở máy, xuất hiện nốt xuất huyết hoại tử.

Trước đó, chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 4/2018, cả nước đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm não mô cầu, trong đó 2 trường hợp ở Hà Nội và 1 trường hợp ở Hưng Yên.

Theo lời người nhà, bệnh nhân chỉ sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ. Sau khi được chọc dịch não tủy xét nghiệm, kết quả khẳng định bệnh nhân bị mắc viêm não mô cầu do "vi khuẩn ăn não" Neisseria meningtidis gây nên. BS Đào Hữu Thân, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết trung tâm đã lập danh sách, sử dụng kháng sinh dự phòng theo dõi sức khỏe 14 người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Vệ sinh môi trường phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B 0,5% hoạt tính tại nơi ở, nơi làm việc của người bệnh. Cạnh đó tư vấn người dân mở cửa thông thoáng khí, giặt, vệ sinh chăn màn, vật dụng cá nhân...

Trước đó, vào ngày 15/4, Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cũng tiếp nhận nam thanh niên 30 tuổi ở TP Hưng Yên trong tình trạng nặng, kích thích vật vã, chân và thân mình xuất hiện nhiều chấm xuất huyết.

Theo gia đình người bệnh, bệnh nhân bắt đầu ho khan, đau họng, 2 ngày sau sốt cao 39 độ kèm đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều. Đêm 17/4, gia đình đưa bệnh nhân đến BV đa khoa tỉnh cấp cứu. Trưa hôm sau, bệnh nhân bắt đầu rối loạn ý thức, được chỉ định chuyển lên BV Bạch Mai.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc viêm não mô cầu thể viêm màng não mủ, một trong 2 thể nặng của não mô cầu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nằm cách ly, nhiều người nhà, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân cũng được uống kháng sinh dự phòng.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, bệnh viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên và thường có khả năng gây thành dịch. Sau khi não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1- 10 ngày, trung bình 5-7 ngày. Bệnh biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể như: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, tổn thương ở nhiều cơ quan. Trong lâm sàng thường hay gặp hai thể bệnh viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết.

"Đặc biệt ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp, tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 60-70%). Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong 30-40% nếu điều trị không kịp thời. Ngoài ra, còn có các thể bệnh khác, gồm: Viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm nắp thanh quản tối cấp, viêm đường tiểu. “Với những người ở khu vực xung quanh có dịch bệnh lưu hành hay những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc có nguy cơ nên được điều trị dự phòng và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường”-BS Nguyễn Trung Cấp lưu ý.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1.Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
2.Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
3.Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
4.Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

MỚI - NÓNG