Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung: Tôi viết để trải lòng…

0:00 / 0:00
0:00
Bìa cuốn “20 năm sáng tác âm nhạc Nguyễn Văn Chung”
Bìa cuốn “20 năm sáng tác âm nhạc Nguyễn Văn Chung”
TP - Kỷ niệm 20 năm theo nghề sáng tác âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung đã cho ra mắt 2 tuyển tập ca khúc: “20 năm sáng tác âm nhạc Nguyễn Văn Chung” và “300 bài hát thiếu nhi”. Nguyễn Văn Chung cũng đã có buổi giao lưu với người hâm mộ tại Đường sách Nguyễn Văn Bình.

Chỉ viết bằng cảm xúc

Khác với một số nhạc sỹ trẻ thường sáng tác theo xu thế của âm nhạc thị trường hay chạy theo nhu cầu của người nghe, Nguyễn Văn Chung lại lựa chọn sáng tác theo những cảm xúc rất riêng của mình. Vì thế, nghe những ca khúc của anh như Vầng trăng khóc, Mộng thủy tinh, Đêm trăng tình yêu, Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh… người ta thường nghĩ Nguyễn Văn Chung là một nhạc sỹ đã lớn tuổi. Ca khúc của anh thường có giai điệu êm dịu cùng lời ca thấm đẫm chất trữ tình, trải nghiệm, triết lý ẩn khuất sâu xa về cuộc sống. Nhưng thực ra, Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983 và những sáng tác của anh được bắt đầu khi còn ngồi trong giảng đường đại học.

Nguyễn Văn Chung kể, tuy theo học tại Đại học Ngoại ngữ - tin học TPHCM nhưng lại có đam mê với âm nhạc. Những ca khúc thời thượng của thời cuối thập niên 90 như Tình thôi xót xa, Tình đơn phương, Xa rồi mùa đông… được Chung từng yêu thích. Rồi như nhiều bạn trẻ khác, trái tim của Chung bị tan vỡ bởi mối tình đầu. Chung tìm đến với âm nhạc như để chữa lành cho vết thương lòng đang rỉ máu. Chung viết nhạc, trải lòng mình lên những trang viết có dòng kẻ. Qua nhiều lần thất bại, sự trải lòng của Chung đã dần nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Những ca khúc đầu tay như Vầng trăng khóc , Mộng thủy tinh , Đêm trăng tình yêu…. đã lọt vào TOP những ca khúc được yêu thích và nhiều người đã biết tới anh.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung: Tôi viết để trải lòng… ảnh 1

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Văn Chung đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét như ca khúc Nhật ký của mẹ đã trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu về tình mẫu tử, thường xuyên được lựa chọn hát trong các chương trình lớn. Ca khúc này cũng được Trung tâm sản xuất Âm nhạc Casa Musica (Trung tâm âm nhạc lớn nhất tại Đức) đưa vào danh sách “Tuyển tập những ca khúc hay nhất thế giới” (The Best Vol 36) năm 2015 và phát hành trên toàn thế giới. Nhưng không chỉ với Nhật ký của mẹ, Nguyễn Văn Chung còn được đánh giá là “Nhạc tạo HIT” khi rất nhiều ca khúc của anh được lọt vào vị trí cao tại các bảng xếp hạng, đem lại thành công cho nhiều ca sỹ như Vầng trăng khóc, Đêm trăng tình yêu, Cơn mưa bắt đầu tình yêu … làm nên tên tuổi của cặp ca sỹ Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc; Nếu em không phải một giấc mơ (Phan Đinh Tùng), Mùa đông không lạnh (Akira Phan), Chiếc khăn gió ấm (Khánh Phương), Bay giữa ngân hà (Nam Cường), Quên như chưa từng yêu (Miu Lê)…

Ngoài ra, với 300 ca khúc thiếu nhi có các chủ đề về “Gia đình”, “Mái trường”, “Các ngày lễ tết”, “Những bài học nhỏ”, “Thế giới tuổi thơ”, Nguyễn Văn Chung đã được xác lập kỷ lục là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam.

Nhân dịp ra mắt 2 tuyển tập âm nhạc là 20 năm sáng tác âm nhạc Nguyễn Văn Chung và 300 bài hát thiếu nhi, Nguyễn Văn Chung cho biết trong thời gian tới anh sẽ phổ biến 300 tác phẩm thiếu nhi qua việc in sách, giới thiệu ở trường học, các trung tâm dạy nhạc thiếu nhi, trung tâm văn hóa. Ngoài ra anh sẽ làm một chương trình để kỷ niệm 20 năm bước vào nghề sáng tác của mình.

Trở thành một trong những nhạc sỹ trẻ có nhiều ca khúc thành công nhất trên thị trường âm nhạc Việt Nam, nhưng khi được hỏi về bí quyết, anh chia sẻ: “Trong 20 năm sáng tác, Chung chỉ viết bằng cảm xúc của mình là chính. Đến giai đoạn nào của cuộc đời Chung lại viết về giai đoạn đó. Như lúc trẻ thì Chung viết tình yêu, sau này thì viết về gia đình, rồi khi có con rồi thì lại viết về thiếu nhi… Chung không biết viết ca khúc theo xu thế thời thượng”.

Người tiên phong

Nguyễn Văn Chung thừa nhận là một nhạc sỹ có nhiều ca khúc nổi tiếng, anh cũng gặp nhiều khó khăn khi có những ca khúc của anh bị tố đạo nhạc. Như với Vầng trăng khóc, Nguyễn Văn Chung bị dư luận lên án là “đạo” từ nước ngoài. Dù chỉ là dư luận và trong thực tế, không có ai có bằng chứng là Nguyễn Văn Chung “đạo” nhạc, nhưng bản thân anh đã phải gửi đơn rất nhiều lần cho ngành chức năng để tự minh oan. Lần khác, chỉ vì có một sáng tác trùng tên, Nguyễn Văn Chung đã bị tố “đạo ý tưởng”.

Từ những lần bị tố oan đó, Nguyễn Văn Chung đã trở thành một trong những nhạc sỹ tích cực hợp tác với Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đấu tranh cho quyền lợi các nhạc sỹ. Nhờ sự hợp tác này, năm 2011 anh được minh oan khi Liên minh quốc tế các hiệp hội nhạc và lời thế giới (CISAC) xác nhận ca khúc Vầng trăng khóc là của Nguyễn Văn Chung. Hiệp hội Nhạc sĩ và Nhà sản xuất Âm nhạc Singapore (COMPASS) chính thức cập nhật ca khúc Vầng trăng khóc với tên tác giả là Nguyễn Văn Chung trong phần mềm lưu trữ và quản lý thông tin toàn bộ ca khúc khu vực châu Á.

Cũng chính vì bị tố “đạo nhạc”, nhiều người mới biết một số ca khúc của Nguyễn Văn Chung đã được nhiều nhà sản xuất nước ngoài quan tâm. Năm 2014, ca khúc Nhật ký của mẹ được chuyển ngữ sang tiếng Nhật, trở thành một trong những ca khúc được yêu thích tại xứ sở Hoa anh đào. Năm 2021, 4 ca khúc khác của Nguyễn Văn Chung là Vầng trăng khóc, Đêm trăng tình yêu, Bay giữa ngân hà và Chiếc khăn gió ấm được một nhà sản xuất mua bản quyền, chuyển ngữ qua tiếng Trung và phát hành tại Trung Quốc.

Nguyễn Văn Chung cho biết: “Tôi rất vui và tự hào khi những ca khúc của tôi không chỉ được khán giả trong nước đón nhận mà còn được người nước ngoài yêu thích. Đó sẽ là cơ sở để cho các nhạc sỹ có thêm động lực sáng tác, mở rộng thị trường âm nhạc ra khắp thế giới”.

Không chỉ là người tiên phong với chuyện tác quyền, xuất khẩu âm nhạc, Nguyễn Văn Chung còn mạnh dạn khám phá nhiều lĩnh vực âm nhạc mới: Sáng tác các ca khúc dành để chữa bệnh, ca khúc mang dòng nhạc trào phúng về các vấn đề nóng của xã hội… “Đó là cảm xúc, là nhu cầu của mọi người nên tôi muốn viết, tôi trải lòng về chuyện đó”, Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

MỚI - NÓNG