Nhà xã hội giá rẻ lên ngôi

Người dân xếp hàng bốc thăm mua nhà xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Phong Cầm
Người dân xếp hàng bốc thăm mua nhà xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Phong Cầm
TP - Cảnh xếp hàng bốc thăm mua nhà xã hội, nhà thương mại giá rẻ với tiền chênh lên cả trăm triệu là những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản (BĐS). Phải chăng phân khúc nhà giá thấp đang thực sự sốt?

Chen nhau mua nhà xã hội

Dù chủ đầu tư khóa hồ sơ mua nhà xã hội Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) từ lâu, nhưng chị Kim Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đến tìm hiểu mong có cơ hội.

Chị Dung chia sẻ: “Tôi đi tham khảo nhiều dự án, nhưng ưng ý nhất dự án nhà xã hội Tây Mỗ vì gần cơ quan. Cứ nghĩ BĐS đóng băng nên nhà xã hội chững lại, tôi ngần ngừ đi nộp hồ sơ. Lúc nộp hồ sơ thì đã hết hạn”.

Chứng kiến cảnh bốc thăm, chị Dung ngỡ ngàng vì số lượng hồ sơ đủ tiêu chuẩn vượt quá số căn hộ chủ đầu tư muốn bán. “Tôi hy vọng trong những người bốc trúng có người đổi ý nhường lại quyền mua”, chị Dung nói.

Ông Dương Đức Cường, Giám đốc Cty Đầu tư Hạ tầng & Đô thị Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà xã hội Tây Mỗ cho biết: Dự án có 288 căn hộ chia thành 2 đợt bán. Đợt mở bán lần 2 vào cuối tháng 3 với hơn 100 căn. Tuy nhiên, có đến gần 200 hồ sơ đạt tiêu chuẩn, chủ đầu tư phải tổ chức bốc thăm lựa chọn người mua nhà. Dự án sẽ bàn giao vào quý IV/2014.

Sau khi bốc thăm, chị Ngọc Khánh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) không may mắn, đã nói: “Tôi sẽ tìm những dự án nhà xã hội dưới 10 triệu đồng/m2 phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Với nhà xã hội, chủ đầu tư đều tư vấn vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng”.

Tại dự án nhà xã hội Bắc Cổ Nhuế - Chèm do Cty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư đang thi công (sẽ bàn giao cho khách hàng vào cuối năm nay). 

Ông Đỗ Đức Đạt, Tổng giám đốc công ty này cho biết, dự án được khởi công tháng 10/2013 gồm 4 khối nhà, cao 12 tầng với 930 căn hộ. Hiện, toàn bộ số căn hộ đã bán hết, nhưng hằng ngày người dân vẫn đến hỏi mua. Có hơn 100 hộ dân được vay gói 30.000 tỷ đồng với tiến độ giải ngân trên 15 tỷ đồng.

“Tháng 5/2014, chúng tôi khởi công thêm 2 tòa nhà xã hội. Dù chưa thông báo nộp hồ sơ, nhưng nhiều người dân đã đến tìm hiểu và làm sẵn hồ sơ mang nộp”, ông Đạt nói.

Còn tại nhà ở xã hội ở đường Phạm Văn Đồng, chủ đầu tư thông báo có 200 căn, nhưng có hơn 500 đơn nộp mua. Tình trạng này diễn ra tại nhiều dự án nhà ở xã hội như: Đặng Xá II (Gia Lâm, Hà Nội), 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội)...

Đặt cọc cả chung cư chưa mở bán

Tại sàn giao dịch Mường Thanh (Linh Đàm, Hà Nội), nhiều “cò” thấy khách liền chào mời mua dự án VP6 Linh Đàm. Được biết, dự án VP6 Linh Đàm do Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư có mức giá dự kiến 12 - 15 triệu đồng/m2. Dù dự án chưa được mở bán, nhưng “cò” nhận đặt cọc giữ chỗ. Nhiều “cò” còn sẵn sàng tư vấn cho khách nếu mua nhà sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng.

Cùng chủ đầu tư, dự án VP5 Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) đang nóng vì giá chênh mua đi bán lại của người dân. Hiện mức giá chênh tại 2 dự án này lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, không phải dự án nào cũng có tiền chênh. Thường những dự án chênh nhờ vào uy tín chủ đầu tư (thể hiện qua tiến độ xây dựng tốt), có lợi thế về vị trí và hạ tầng cơ sở đã hoàn thiện.

Đầu tháng 4, Savills VN công bố báo cáo nghiên cứu về thị trường BĐS Hà Nội quý I/2014. Theo đó, các mảng của thị trường BĐS đều có những dấu hiệu tích cực. Trong đó, phân khúc nhà hạng C (15-17 triệu đồng/m2) vẫn là điểm sáng với tỷ lệ giao dịch vẫn chiếm phần lớn trên thị trường thường chiếm khoảng từ 50% đến 80% thị phần.

Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho biết: Người dân quay lại với nhà xã hội và chung cư giá rẻ là những dấu hiệu tích cực báo hiệu thị trường BĐS sắp phục hồi. 

Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị để gói 30.000 tỷ đồng đúng đối tượng, hiệp hội đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên có quy định về thời gian cho vay dài hơn mức 10 năm như quy định hiện nay. Theo đó, thời hạn cho người tiêu dùng vay cần nâng lên 20 năm, như vậy mới phù hợp với khả năng tài chính của họ, và số tiền trả lãi hằng tháng cần ở mức hợp lý. 

Ngoài ra, nhà nước nên quy định rõ mức lãi suất sau thời gian 3 năm để người dân yên tâm vay mua nhà và tính toán nguồn tiền trả nợ. Sau thời gian này, nếu lãi suất mới thấp hơn mức 5%, người vay sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Còn nếu lãi suất cao hơn 5%/năm, người vay sẽ tiếp tục được hỗ trợ mức lãi suất cũ.

 Nhà xã hội Đặng Xá II (Gia Lâm, Hà Nội) có giá: 8.68 triệu đồng/m2; Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội): 10,6 triệu đồng/m2; Bắc Cổ Nhuế (Đông Ngạc, Từ Liêm) - Chèm: 10,9 triệu đồng/m2; 143 Trần Phú: 14,8 triệu đồng/m2; 30 Phạm Văn Đồng: 14,9 triệu đồng/m2.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.