Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và dấu ấn phát triển DN tư nhân

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
TPO - Theo ông Trần Xuân Giá, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là người đề xuất hoặc ủng hộ nhiệt tình các tư tưởng mới của luật Doanh nghiệp, nhất là công thức “người dân có thể làm bất kể việc gì mà pháp luật không cấm” thay cho công thức “người dân chỉ có thể làm những gì nhà nước cho phép”…

Lắng nghe kể cả ý kiến trái chiều

Là người có thời gian cùng học Đại học kinh tế Plekhanov (Liên Xô) từ đầu những năm 60 và có thời gian làm việc rất lâu bên cạnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Trần Xuân Giá, Nguyên Bộ Trưởng Bộ KH-ĐT nhận xét: “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là con người thực sự cầu thị, luôn rất nhất quán, mạnh mẽ trong đổi mới và hội nhập để phát triển đất nước”

“Anh làm việc rất nghiêm túc, làm nhiều nói ít, biết lắng nghe các ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều. Anh nghe thường xuyên, điềm đạm, nghiêm túc lắng nghe và luôn cảm ơn những người góp ý cho mình, nhất là những người trái chiều. Từ đó, anh chắt lọc cho mình những ý kiến đúng, ý kiến tốt”.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người rất quan tâm đến các ý kiến phản biện. “Rất nhiều văn bản đã qua hết tất cả các khâu của quá trình chuẩn bị, nhưng nếu thấy còn băn khoăn anh Sáu thường chuyển cho Ban nghiên cứu của Thủ tướng rà soát lần cuối trước khi ký, Nguyên Bộ Trưởng Bộ KH-ĐT, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng kể.

Phát triển doanh nghiệp tư nhân

Theo ông Giá, trong 9 năm với gần 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, dấu ấn đậm nét nhất của ông Sáu Khải là đã quyết liệt chỉ đạo phát triển doanh nghiệp tư nhân. “Ngay đầu nhiệm kỳ Thủ tướng, anh đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 chúng ta phải có một triệu doanh nghiệp”, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT kể.

Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực 1/1/2000 là một trong những đột phá lớn về đổi mới thể chế, về thay đổi cung cách điều hành phát triển đất nước. “Thủ tướng Phan Văn Khải có vai trò nổi bật trong việc ra đời và triển khai luật này. Anh tự mình nêu hoặc ủng hộ nhiệt tình các tư tưởng mới của luật Doanh nghiệp, chẳng hạn nêu công thức “người dân có thể làm bất kể việc gì mà pháp luật không cấm” thay cho công thức “người dân chỉ có thể làm những gì nhà nước cho phép” đã tồn tại một thời gian rất dài trước đó. Hoặc “Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được hoặc không muốn làm”.

Ông Giá kể, Chỉ trong 1 tháng 28 ngày sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành đủ các văn bản hướng dẫn. Đây thực sự là một kỷ lục về ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời mà cho đến nay chưa có trường hợp nào vượt qua.Thủ tướng cũng ký quyết định thành lập Tổ thi hành Luật, do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh làm Tổ phó.

“Thông qua hoạt động của Tổ này chúng tôi phát hiện ra quá nhiều điều kỳ quặc, hành dân là chính trong quản lý hành chính. Chẳng hạn, muốn hành nghề bán báo lẻ, đánh máy chữ phải có giấy phép có hiệu lực trong 3 tháng, tức 3 tháng phải tốn thời gian cho một lần xin phép. Nhặt kim loại, giấy vụn, vẽ tranh truyền thần cũng phải xin phép; hay doanh nghiệp tư nhân không được đóng sà lan 20 tấn…”, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT kể.

Nhờ hoạt động năng nổ, quyết liệt của của Tổ này và sự vào cuộc rất tận tâm, tận lực của Thủ tướng Phan Văn Khải, trong thời gian rất ngắn xóa được một khối lượng rất lớn các giấy phép con (khoảng ½ số giấy phép con lúc bấy giờ).

Cân đối ngân sách: “Thu lấy mà chi”

Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế tư nhân, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn nổi tiếng là người chuyên lo cân đối vĩ mô, trước hết là cân đối ngân sách, bởi ở nước ta cũng như các nước trên thế giới, bất ổn kinh tế vĩ mô luôn bắt nguồn từ mất cân đối ngân sách.

“Ngay từ khi còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, một mặt anh chủ trì việc xây dựng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội 10 năm đầu tiên ở nước ta. Mặt khác anh tham gia tích cực trong việc giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trong cuộc chiến “chống lạm phát phi mã”.

Nhờ thực hiện quyết liệt một loạt giải pháp, trong đó việc thực hiện giải pháp “ngân sách thu lấy mà chi” (thay cho in tiền để chi tiêu), “ngân hàng vay lấy mà cho vay” (thay cho in tiền để cho vay) nên việc chống lạm phát đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998 và kéo dài vài năm sau đó, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người đề xướng hoặc ủng hộ nhiều giải pháp đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.

Đặc biệt, trong khủng hoảng, Thủ tướng Phan Văn Khải nhìn thấy những cơ hội mới để phát triển đất nước, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo. Thí dụ, Thủ tướng đề ra chủ trương làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Thực chủ trương này, chúng ta tiêu thụ được sản phẩm do công nghiệp làm ra không bán được (xi măng, sắt thép), lại tạo ra được hệ thống giao thông nông thôn giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm làm ra nhờ có đường đi, ngân sách không bỏ ra quá nhiều tiền nhờ thực hiện phương cách nhà nước và dân cùng làm…

Theo ông Giá, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chưa bao giờ và không bao giờ ham hố quyền lực, đấu tranh để giành quyền lợi hay địa vị cho mình. Chẳng hạn, khi Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư (năm 1991), khá nhiều người, kể cả những người tiếng nói có trọng lượng kiến nghị đề cử anh làm Thủ tướng, nhưng anh chỉ cám ơn và từ chối. Anh thường nhắc đi nhắc lại câu “các anh cứ để tôi làm phó, xem chân cẳng ra sao rồi hẵng hay”. 

“Anh Khải là cấp trên, người đàn anh, người bạn tâm giao, tâm đầu ý hợp nhất, và cũng là người tôi ngưỡng mộ nhất, cả về nhân cách và trí tuệ”, ông Giá nhận xét.

MỚI - NÓNG