Nguồn cung BĐS của Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ đáp ứng được phần ít nhu cầu thực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà quản lý cho rằng nguồn cung về cơ sở lưu trú và nhà ở bình dân tại Quảng Nam và Đà Nẵng mới chỉ đáp ứng được phần ít nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy nguồn cung thì hai thị trường này cần phát triển theo chiều sâu, tạo ra các giá trị gia tăng vì dư địa đất đai là hạn hẹp.

Phát biểu tại Hội thảo “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng hai năm qua, TP. Đà Nẵng có đến 98% số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Diện mạo thành phố trong thời gian qua, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, bất động sản (BĐS) ven sông, ven biển rơi vào trạng thái “ngủ đông”.

Trong trạng thái “bình thường mới” cùng với việc Chính phủ vừa có chủ trương cho phép Đà Nẵng cùng với Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Nam, Khánh Hoà được đón khách du lịch quốc tế, ông Bình cho rằng việc này sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng.

Ông Bình dẫn chứng rằng Đà Nẵng có 2 tiêu chí để cho sự phát triển BĐS du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới gồm: Nghị quyết 43 của Trung ương cho Đà Nẵng, trong đó định hướng phát triển du lịch chất lượng cao gắn với BĐS nghỉ dưỡng; điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng, trong đó quỹ đất dành cho phát triển du lịch cũng như BĐS du lịch là hơn 1.000 ha.

Trong khi đó ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin, TP. Đà Nẵng đang có 11 khu du lịch nghỉ dưỡng đang đầu tư xây dựng, với khoảng 18.000 căn hộ condotel. Quảng Nam có 15 dự án, trong đó có 4 dự án căn hộ condotel. Đáng chú ý, theo đánh giá của Quảng Nam thì cơ sở lưu trú du lịch mới chỉ đáp ứng được 1 phần ít nhu cầu thực.

Nguồn cung BĐS của Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ đáp ứng được phần ít nhu cầu thực ảnh 1

Cơ sở lưu trú du lịch tại Quảng Nam mới chỉ đáp ứng được 1 phần ít nhu cầu thực trong khi nguồn cung nhà ở bình dân tại Đà Nẵng còn thiếu. (Ảnh: Internet)

Đối với lĩnh vực nhà ở, Đà Nẵng hay Quảng Nam đều có những chương trình phát triển cho cả giai đoạn 2021-2030 và 2021-2025. Trong đó Đà Nẵng mục tiêu đến năm 2030 phát triển thêm 21 triệu m2 nhà ở và tập trung vào phân khúc nhà ở thu nhập trung bình, tuy nhiên ông Khởi đánh giá Đà Nẵng đang thiếu điều này và cần thúc đẩy sớm. Còn Quảng Nam đến năm 2025 sẽ phát triển thêm khoảng 50 triệu m2 sàn, đến năm 2030 đạt khoảng 52 triệu m2 nhà ở.

Từ những dẫn chứng nêu trên, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Đà Nẵng tin tưởng rằng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì thị trường BĐS khu vực này “sẽ có sự khởi sắc, bứt phá”.

Nhìn lại giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Đức Lập nhận định thị trường BĐS Đà Nẵng, Quảng Nam gặp khó khăn, đóng băng, giao dịch thấp. Tuy nhiên điều này đã khiến phân khúc đất nền một số khu vực Đà Nẵng, trong đó có các vùng ven có mức điều chỉnh giá trị hợp lý.

Theo ông Lập, cú hích về hạ tầng là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển Đà Nẵng, Quảng Nam giai đoạn tới. Tuy nhiên, quy hoạch Đà Nẵng, Quảng Nam phải có tầm nhìn chung, cụ thể như nâng cao chất lượng hạ tầng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai. Đồng thời Đà Nẵng cần phát triển đi vào chiều sâu, tạo ra các giá trị gia tăng vì đất đai là hạn hẹp.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.