Người Hàm Rồng cuối cùng đã ra đi

0:00 / 0:00
0:00
Cầu Hàm Rồng là cây cầu đầu tiên được bắc ngang qua dòng sông Mã ở Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 5km về phía Bắc
Cầu Hàm Rồng là cây cầu đầu tiên được bắc ngang qua dòng sông Mã ở Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 5km về phía Bắc
TP - Quân khu Nam Đồng - Khu tập thể quân đội Nam Đồng. Tấm bảng cáo phó nổi bật đầu hồi dãy nhà C như làm không khí lặng lẽ của thời buổi dịch dã thêm sầu muộn báo tin cụ đại tá Lê Lâm sinh năm 1929 vừa về với tiên tổ!

Dân cư mấy khu nhà chắc đều rành một cụ già tóc bạc trắng vốn tích cực tham gia công tác tổ dân phố cùng CLB Thơ của phường ấy! Nhưng mấy người biết đó chính là đạo diễn phim Người Hàm Rồng nổi tiếng một thời. Phim ấy từng đoạt giải quốc tế Bông Sen Vàng, Giải thưởng Giô-rít I-ven (Đức). Đạo diễn Lê Lâm của hơn hai mươi bộ phim trong đó đoạt nhiều Giải Vàng, Bạc như “Quanh địa ngục Cồn Tiên năm 1972”, “Cồn Cỏ anh hùng”; “Chặng đường trên Điện Biên”…

Người Hàm Rồng cuối cùng đã ra đi ảnh 1

Cảnh trong phim Người Hàm Rồng

Hơn 10 năm trước, trên xe tôi được ngồi bên người cựu binh Lê Lâm ấy vô Thanh dự kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hàm Rồng. Câu chuyện lùi về một quá vãng những năm bom đạn. Nhóm làm phim Quân đội 4 người vào làm phim ở trận địa Hàm Rồng ngay khi mở đầu những trận oanh kích ác liệt của không quân Mỹ xuống cây cầu. Đại úy Lê Lâm đạo diễn Trung úy nhà văn Hoàng Văn Bổn. Hai chiến sĩ quay phim Vương Đức Cừ và Lê Văn Bằng.

Trung úy, nhà văn Hoàng Văn Bổn khi đó danh tiếng đã vượt khỏi Xưởng phim Quân đội chưa phải là việc làm phim mà là những tác phẩm văn chương. Đến tận giờ chắc lứa chúng tôi, nhiều người còn làu thuộc các cuốn Tướng Lâm Kỳ Đạt, Trên mảnh đất này… viết về cảnh vật và người xứ Phương Nam của nhà văn Nam bộ tập kết Hoàng Văn Bổn.

Người Hàm Rồng cuối cùng đã ra đi ảnh 2

Đạo diễn Lê Lâm

Trở lại Hàm Rồng ngày lễ trọng chỉ có đại úy Lê Lâm giờ là đại tá. Hai nhà quay phim trung úy Đức Cừ và thiếu úy Văn Bằng đã ngã xuống chiến trường Quảng Trị. Nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng vừa mất ở Đồng Nai.

…Những sải chân của người cựu binh Lê Lâm hơi tập tễnh vì tuổi tác, bệnh tật nhưng vẫn rành rẽ lối đi vào hang Mắt Rồng. Sau một hồi ngó nghiêng, định hướng chất giọng chắc nịch của đạo diễn Lê Lâm:

“Đây, anh Bổn và chúng tôi lăn lóc suốt 2 ngày 2 đêm bám trụ ở xó hang này. Mồn một sát sạt các loại máy bay F105, F4, A63 bổ nhào xuống cắt bom cùng xèn xẹt tên lửa. Chúng tôi xử lý những thước phim quay ngay ở trận địa.

Lúc đó cả ngành Điện ảnh quân đội tổng cộng có 6 chiếc máy quay phim CONVAT cỡ 350mm của Liên Xô, loại hiện đại nhất khi ấy nhưng đoàn làm phim “Người Hàm Rồng” chúng tôi được ưu tiên 1 chiếc. Kỹ thuật cùng phẩm chất gan dạ của người quay phim đã thu được rất nhiều hình ảnh ấn tượng. Hàng chục cột nước khổng lồ cao ngất, có cột cao hơn cả đỉnh núi Ngọc từ mé sông Mã tung lên trong trận oanh tạc rồi trùm lên trận địa. Cảnh những nòng pháo 37, 75, 105 với độ rung hùng dũng khi nhả đạn. Cảnh dân quân tiếp đạn cho bộ đội…

Anh Hoàng Văn Bổn người Nam bộ tính cách ngang thẳng. Nhiều lúc chúng tôi phải to tiếng với nhau. Ấy là cùng tranh luận chứ cãi cọ gì đâu. Là đạo diễn nhưng tôi chịu con mắt của nhà văn viết kịch bản Hoàng Văn Bổn. Với Hàm Rồng không chỉ là những thước phim sao chép về nhiều khía cạnh ác liệt của những trận đánh. Hàm Rồng phải như một hình ảnh thu nhỏ của miền Bắc XHCN. Có cả sản xuất chiến đấu. Của cả trận tuyến chiến tranh nhân dân. Có sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng ăn khớp của các lực lượng bảo vệ cầu và dân quân tự vệ. Có hơi thở thường nhật của đời sống người dân cấy lúa làm màu tăng gia. Có hình ảnh của các cháu nhà trẻ mẫu giáo trong bom đạn và nơi sơ tán. Hàm Rồng như một bức tranh toàn cảnh của chiến tranh nhân dân, hình ảnh bộ đội thanh niên dân quân các cụ phụ lão các vị sư sãi... sao cho điển hình lẫn nhuần nhuyễn!

Và bây giờ cảnh người đạo diễn Lê Lâm ngày ấy hòa trong dòng người ngày hội thấp thoáng trên lối đi Đồi C4. Ông đang gặp lại cô nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác hai hòm đạn chập một nặng ngót 100kg bây giờ là một bà già dáng chậm chạp. Và kia, cả huyền thoại cô dân quân Nam Ngạn Nguyễn Thị Hằng khả ái bữa nay phảng phất cái dáng từ tốn sang trọng của người từng phải làm chính khách. Cảnh cựu binh Lê Lâm sải những bước chầm chậm để cố nhận ra khung cảnh ngày nào của ngôi chùa làng Nam Ngạn… Rất nhiều cảnh. Và bao nhiêu là cuộc gặp mà chả có cái ống kính của chiếc máy quay phim nào hướng về phía Lê Lâm? Kể cả cổ lỗ sĩ tạch xè như CONVAT thuở nào?

Người Hàm Rồng có một cảnh ấn tượng! Đó là cảnh tên giặc lái cao lênh khênh, hai dân quân một nam một nữ ghìm súng dẫn qua cầu. Trên đầu viên phi công là những ánh lửa hàn của đội công nhân 19-5 sửa chữa cầu lóe sáng đã bay đi khắp năm châu bốn biển trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước khốc liệt!

Tôi ngó quanh và vui mừng nhận ra hai cựu binh lính pháo trực tiếp đánh trả máy bay Mỹ thời ấy trên trận địa C4 lừng danh là Lê Xuân Giang và Từ Nguyên Tĩnh. Hai cựu binh pháo thủ của Hàm Rồng ác liệt ngày ấy nay là hai nhà văn có tiếng, tác giả hàng chục đầu sách. Nhà văn Lê Xuân Giang từng là Chủ tịch Hội Văn bút Xứ Thanh. Hào hển kéo hai ông lại vui mừng giới thiệu với đạo diễn Lê Lâm. Ba cái đầu cùng những vòng tay thân ái chụm ngay lại với nhau. May nữa, vẫy đại anh phóng viên quay phim của Đài Truyền hình Xứ Thanh lại. Anh khoái chí gật liên hồi khi tôi nói vội về cái cụm thân ái kia. Chả biết chú chàng tác nghiệp ra sao mà sau này tôi cố tìm chả thấy cái cảnh mà mình chợt ngẫu hứng đạo diễn ấy. Nhưng khi ấy thấy đạo diễn Lê Lâm rất vui thì mình cũng mãn nguyện của một chuyến đi ké!

Bây giờ ngồi gõ những dòng này lại thêm một cái hẫng hụt. Người Hàm Rồng có một cảnh ấn tượng! Đó là cảnh tên giặc lái cao lênh khênh, hai dân quân một nam một nữ ghìm súng dẫn qua cầu. Trên đầu viên phi công là những ánh lửa hàn của đội công nhân 19-5 sửa chữa cầu lóe sáng đã bay đi khắp năm châu bốn biển trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước khốc liệt!

Anh Lê Lâm đã rành rẽ với tôi hình ảnh cô dân quân giải tên phi công Mỹ (ảnh kèm bài) trên cầu Hàm Rồng lở lói vết bom trong phim Người Hàm Rồng có tên họ hẳn hoi. Số là cô con gái của cô dân quân trong ảnh vào một ngày đẹp trời lúc xem phim đã nhận ra mẹ mình khi đang làm nhiệm vụ như thế... Rồi người ta nói với Lê Lâm cô dân quân ngày ấy tên là Thơm, người ở xã Hoằng Anh huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Tôi có thân ái truyền đạt với anh Nguyễn Hữu Ngôn dịp kỷ niệm 45 năm thông tin về cô dân quân và nhờ cậy anh em tìm hộ cái người năm ấy. May ra thì còn? Và nữa cả danh tính cô con gái của người dân quân đã may mắn nhận ra mẹ mình trong Người Hàm Rồng.

Nhưng hơn mười năm đã qua đi. Vẫn chỉ là bóng chim tăm cá.

MỚI - NÓNG