Người dân TP.HCM hưởng lợi gì từ thành phố thông minh?

Hầm chui Thủ Thiêm, TPHCM. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hầm chui Thủ Thiêm, TPHCM. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đề án thành phố thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân TPHCM, giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Chiều 26/11, UBND TPHCM chính thức công bố đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Cải thiện chất lượng sống

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, sau hơn 1 năm chuẩn bị, đến nay đề án chính thức được thực hiện, hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân, giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc kéo dài từ nhiều năm qua như nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… Trước mắt, đề án sẽ được thí điểm tại quận 1 và 12.

Cụ thể: Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh sẽ giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe; tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.

Trong lĩnh vực chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho TPHCM như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp.

Trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế... Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực hiện nhanh hơn, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. 

Người dân TP.HCM hưởng lợi gì từ thành phố thông minh? ảnh 1 Giảm kẹt xe, ngập nước... bằng đề án thành phố thông minh.

Người dân tham gia quản lý, giám sát

Về lĩnh vực an ninh trật tự, người dân và doanh nghiệp được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Các cơ sở dữ liệu được số hóa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photo nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công trung tâm điều hành thành phố thông minh, nơi khai thác tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực giúp xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.

Ông Tuyến cho biết, đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực. Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định đô thị thông minh là một giải pháp công nghệ nhưng không thiếu đi nghĩa tình, không quên những tương tác giữa người với người, sự quan tâm của chính quyền một cách trực tiếp với người dân. Quá trình xây dựng, triển khai, nghiệm thu và tiếp tục phát triển đề án đều có sự tham gia và đồng hành của người dân và xã hội.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đô thị thông minh là liên quan đến tư duy. Đô thị thông minh thì chính quyền phải thông minh, doanh nghiệp thông minh và người dân thông minh.

Mặt khác, nói đến thông minh là hiệu quả cao, làm thế nào kết hợp các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, liên kết lại để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực vẫn không thay đổi. Ngoài ra, phải dùng được các công nghệ tiên tiến nhất như internet gắn với trí tuệ nhân tạo.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu đề án phải có các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và một trong những vấn đề mà đề án giúp việc phát triển kinh tế  là dự báo để thấy trước khó khăn và giải pháp phòng ngừa. Mặt khác, môi trường sống của người dân phải tốt như hạ tầng, chất lượng không khí, y tế… Bản thân mỗi người dân, tổ chức phải phát huy tối đa năng lực của mình và trở thành chủ thể sáng tạo. Đồng thời phát triển phải có người giám sát, kiểm soát mà chính là người dân với chính quyền, doanh nghiệp và ngay với cả chính bản thân mình.

Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu trong năm 2018 phải triển khai các công cụ dùng chung gồm: Xây dựng trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm mô phỏng dự báo; Trung tâm về an toàn mạng và điều hành; quy hoạch hạ tầng chung… huy động vai trò của người dân (tạo thiết bị phần mềm gắn điện thoại di động để người dân góp ý quá trình xây dựng đô thị thông minh).

Đô thị thông minh cần công dân thông minh

Theo Đại biểu HĐND TPHCM Trần Quang Thắng, muốn có đô thị thông minh thì cần có chính quyền thông minh và người dân thông minh. Do đó, để đề án thành công cần có sự tham gia của người dân.

Đại biểu Tăng Hữu Phong (Phó bí thư Quận ủy Tân Phú) bày tỏ băn khoăn, hiện nay hầu như chỉ những người làm công việc văn phòng hoặc có đời sống tương đối khá mới thường xuyên sử dụng các thiết bị thông minh, còn lại vẫn chỉ tiếp cận ở mức độ nhất định.

“TPHCM  áp dụng mạnh mẽ công nghệ tới mức nào thì vẫn sẽ có một bộ phận người dân không thể tương thích được với đề án này. Khi đó, việc phục vụ của bộ máy công quyền với nhóm này sẽ như thế nào là điều cần được quan tâm”, ông Phong lưu ý.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, công ty điện lực triển khai lắp đặt điện kế điện tử, nhưng nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết. Vì vậy, các tiện ích phục vụ người dân mà dân không thể tiếp cận được hết thì sẽ lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, tiện ích mà thành phố thông minh mang lại là không bàn cãi, nhưng nên chọn những vấn đề sát sườn, ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống của người dân để làm trước.  “Chẳng hạn như giải quyết nhanh tình trạng quá tải bệnh viện. Làm sao giảm bớt các giấy tờ thủ tục, làm sao để sắp tới người dân không cần mang giấy tờ gì mà chỉ cần một mã vạch, đến bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể có đầy đủ thông tin”, ông Trí gợi ý. 

MỚI - NÓNG