Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina

TPO - Sau vụ việc cháy chung cư Carina ở quận 8 làm 13 người chết và hàng chục người bị thương, nhiều người dân sống tại các chung cư, cao ốc ở TPHCM đổ xô tìm mua các dụng cụ thoát hiểm cho gia đình.

Loạn thiết bị cứu nạn

Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ Dân Sinh (Q.1), các cửa hàng kinh doanh dụng cụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) nằm san sát nhau, trưng bày đầy đủ thiết bị như bình chữa cháy, thang dây, dây thừng, quần áo phòng, chữa cháy, búa thoát hiểm…

Chị Thủy chuyên kinh doanh đồ bảo hộ, cứu hộ cho biết, chị có đủ các thiết bị của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đơn cử như thang dây của Trung Quốc có giá khoảng trên 4 triệu đồng, còn của Mỹ giá khoảng hơn 8 triệu đồng; ba lô thoát giá dao động từ 12-19 triệu đồng tùy theo xuất xứ. “Ba lô thì có thể sử dụng trong khoảng độ cao 80m, trọng lượng tối đa khoảng 130kg, còn đối với thang dây thoát hiểm thì độ cao được khuyến cáo là 21m, chịu được lực 150kg. Sản phẩm này nặng khoảng 4kg. Tất cả các sản phẩm đều nhỏ gọn, tiện lợi dễ sử dụng và thời gian tiếp đất khoảng 3 – 5 phút, chỉ cần giới thiệu qua là có thể sử dụng được ngay” - chị Thủy cho biết.

Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina ảnh 1 Thiết bị cứu nạn với đủ xuất xứ và mức giá khác nhau

Tại cửa hàng chuyên bán dụng cụ PCCC trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), vừa hỏi thăm thiết bị dưỡng khí, nhân viên ki-ôt đưa ra chiếc mặt nạ hiệu STRONG ST-AX và tiếp thị đây là sản phẩm mới chuyên chống khói độc “bao” hiệu quả với giá 220.000 đồng/cái. Nhìn vỏ hộp toàn tiếng Trung Quốc, người bán liền phân bua: “Hàng chính hãng của Đài Loan, có màng lọc và than hoạt tính nhập khẩu từ Mỹ nên yên tâm. Sản phẩm này đang sốt lắm, bình thường tôi bán 20 chiếc/ngày. Sau vụ cháy chung cư gần đây, ước chừng người đến mua sẽ tăng, và giá cả cũng sẽ cao hơn”.

Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina ảnh 2  
Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina ảnh 3 Chủ cửa hàng giới thiệu và tư vấn đủ mặt hàng khi khách có nhu cầu

Cũng với thương hiệu trên, nhân viên cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) thao thao quảng cáo đây là hàng của Pháp: “Hàng Pháp, Mỹ, Nhật… giờ đều gia công, sản xuất ở Trung Quốc để có giá thành rẻ. Công ty mình trực tiếp nhập khẩu nên chị cứ tin tưởng”. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng online còn rao bán khẩu trang phòng độc, giá cả thì “loạn xị ngầu”. Như cùng dòng 3M-8247 có nơi bán 90.000 đồng/chiếc, có nơi chưa tới 30.000 đồng. Tất cả đều khẳng định hàng Mỹ nhưng bao bì sản phẩm không có thông tin cụ thể.

Khi chúng tôi đưa khẩu trang này đến một chuyên gia trong lĩnh vực PCCC nhờ thẩm định, vị này cho biết đây chỉ là khẩu trang than hoạt tính, chỉ có công dụng chống bụi. Còn mặt nạ phòng độc nhờ pin than hoạt tính lọ được nhiều hóa chất, khói độc. Nếu giá rẻ, sản phẩm không thể đảm bảo tha hoạt  tính trong phin an toàn, đủ lượng và được kiểm định rõ ràng để phòng khói độc hiệu quả.

Theo ghi nhận của phóng viên, một mặt hàng đang “nóng” sau vụ cháy được nhiều người săn lùng đó là chiếc ba-lô thoát nạn. Chiếc ba-lô này được đeo vào người và có dây cáp kéo bên trong, một đầu móc vào tường và người gặp nạn sẽ từ từ bám vào tường để tụt xuống dưới. Giá bán ba-lô thoát nạn tùy theo chất lượng và nguồn gốc, nhưng với hàng nhập từ Trung Quốc thì giá dao động từ ba đến năm triệu đồng. Nếu sản phẩm nhập từ Úc, Mỹ, Đức… giá bán khoảng từ 12-16 triệu đồng. Chị Lê Thị Phương đang sống ở tầng 15, chung cư Lê Thành (Q.Bình Tân) kể, chị đã mua cho cả nhà 1 chiếc thang dây thoát hiểm, 3 mặt nạ dưỡng khí với giá hơn 30 triệu đồng. Khi mua những dụng cụ này chị đều được chủ cửa hàng hướng dẫn sử dụng sơ bộ. Chị bảo: “Nghe nói của Mỹ là tốt nên dù giá hơi cao, tôi cũng cố mua để trong nhà phòng khi hữu sự. Còn về phần sử dụng thì cũng đơn giản, thang cứ buộc chặt vào rồi thả xuống, mặt nạ thì dùng theo hướng dẫn nếu như có khói xuất hiện”.

Sắm để… đối phó

Ông Nguyễn Hạnh Nhân - giám đốc công ty CP Vadi - chuyên phân phối dây thoát hiểm nhập khẩu cho biết, sau vụ cháy lớn vừa qua, khách hàng liên tục gọi điện hỏi thông tin và yêu cầu lắp đặt sản phẩm, đại lý thì đến tận kho để lấy vì không đủ người đi giao. “Mặc dù đây là sản phẩm rất cần thiết cho người dân ở các khu nhà cao tầng khi có cháy nổ, tuy nhiên thực tế là không nhiều người quan tâm đến việc này. Chỉ khi xảy ra sự cố thì họ mới nháo nhào tìm mua. Nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi thôi” – ông Nhân chia sẻ.

Chị Đặng Thị Hương Thủy – trưởng phòng kinh doanh công ty trang thiết bị dụng cụ bảo hộ 24/7 chia sẻ: “Chúng tôi chủ yếu cung cấp cho cơ quan, doanh nghiệp thôi, đông nhất là các quán ăn, cửa hàng. Theo quy định, các nơi này bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị PCCC nên người ta mới mua, chứ gia đình thì không đâu. Mặc dù mua nhiều, nhưng đa phần các cửa hàng, quán ăn chỉ sắm để đối phó với lực lượng chức năng khi kiểm tra, còn kỹ năng trong việc sử dụng các thiết bị này có thể cũng rất mơ hồ”.

Anh Trần Minh Thảo ngụ tại chung cư City Gate (Q.Bình Tân) bộc bạch: “Chung cư tôi đối diện với Carina vừa mới cháy, chứng kiến cảnh này bà xã rất sợ và bắt phải mua đồ thoát hiểm để sẵn trong nhà cho bằng được. Nói thiệt, mua đồ này chỉ để yên tâm, chứ lỡ như có chuyện, ai cũng lo chạy thoát thân chứ không đủ bình tĩnh để sử dụng các thiết bị này”.

Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina ảnh 4  
Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina ảnh 5  
Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina ảnh 6  
Người dân đổ xô mua đồ cứu hỏa sau vụ cháy chung cư Carina ảnh 7 Người dân đổ xô đi mua thiết bị phòng cháy sau vụ  việc thảm khốc tại chung cư Carina

Khuyến cáo về vấn đề trên, bà Lê Thị Thu – nguyên cán bộ Hội Phụ nữ PCCC TPHCM cho biết, việc trang bị các thiết bị an toàn cho gia đình là cần thiết, tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm dùng để thoát hiểm, cứu nạn, người dân cần hết sức thận trọng, bởi không chỉ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại sản phẩm này, mà còn là việc người dân sử dụng thiết bị nhưng không qua tập huấn, hướng dẫn cụ thể sẽ gây nguy hiểm.

“Để tự cứu mình, việc đầu tiên người sử dụng thiết bị an toàn cần phải có kỹ năng thoát nạn và được tập huấn từ lực lượng chuyên nghiệp. Thực tế, nhiều buổi tập huấn kỹ năng thoát nạn được lực lượng chuyên nghiệp hướng dẫn tại khu dân cư nhưng rất ít người dân quan tâm tham dự. Do đó, khi gặp sự cố họ nhanh chóng rơi vào tình trạng rối trí, hoảng loạn. Vì thế, trước khi tìm mua các dụng cụ thoát hiểm, người dân cần học những kỹ năng cần thiết thoát hiểm, để khi gặp tình huống bất lợi sẽ xử trí kịp thời, cũng như sử dụng dụng cụ thoát hiểm thành thạo” – bà Thu cho hay.

MỚI - NÓNG