Ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết ở Trường Sa: Đất liền phẫn nộ

Bà Trương Thị Vân đau lòng trước cái chết của em trai. Ảnh: Nguyễn Thành
Bà Trương Thị Vân đau lòng trước cái chết của em trai. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Tin ông Trương Đình Bảy bị bắn chết khi cùng con trai Trương Đình Đệ và 12 ngư dân khác theo tàu cá QNg 95861 đánh bắt hải sản ở Trường Sa khiến xã biển Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bàng hoàng phẫn nộ.

Nổ súng giết chết ngư dân

Ngày 30/11, tàu cá QNg 95861 do ông Bùi Văn Cu (45 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu) đang trên đường vào bờ mang theo thi thể ông Bảy. Theo đơn trình bày của ông Bùi Văn Tẩn (52 tuổi, anh trai của ông Cu) với cơ quan chức năng: Tàu cá QNg 95861 có công suất 710 CV xuất bến Sa Kỳ ngày 21/11 đi khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa. Đến chiều ngày 26/11 tàu đang neo đậu tại tọa độ 9o21’506’ N - 115o27’790’E để thả ca nô cho các ngư dân khai thác hải sản, còn lại trên tàu hai người là ông Cu và ông Bảy. Khoảng 18h15 ông Cu phát hiện hai chiếc ghe, trên ghe có 8 người và 2 khẩu súng. Một chiếc tiếp cận và ba người có mang theo súng bước lên tàu của ông Cu tấn công và uy hiếp hai người. Ông Cu hô ông Bảy chạy về trước mũi tàu để chặt dây neo bỏ chạy nhưng ông Bảy bị nhóm người trên bắn liên tiếp 2 phát đạn vào người ngã gục trên boong. Chúng còn bắn liên tiếp nhiều vết đạn lên cabin của tàu cá rồi mới bỏ đi.

Cũng theo ông Tẩn, sau khi xảy ra sự việc, ông Cu phát tín hiệu gọi anh em đang khai thác hải sản bằng ca nô về tàu để sơ cứu cho ông Bảy, nhưng ông Bảy đã chết ngay sau đó. Sau đó, tàu QNg 95861 chạy về đảo Đá Nam (Trường Sa) báo cáo sự việc, rồi di chuyển vào bờ. Hiện nay, tàu cá còn giữ 4 vỏ viên đạn làm bằng chứng.

Ông Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: ngày 30/11 UBND xã nhận được đơn của ông Trương Đình Huynh (con trai ông Bảy) và của ông Tẩn báo cáo nội dung sự việc ông Bảy bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa và đang trên đường về cảng Sa Kỳ. Xã đã có báo cáo gửi huyện và cơ quan chức năng về sự việc.

Đau thương, căm phẫn

Không khí đau thương bao trùm căn nhà nhỏ của gia đình ông Bảy và xóm nghèo An Hải những ngày qua. Tối qua, bà con xóm biển kéo đến chật nhà ông Bảy thức trắng đêm cùng gia đình để chờ tàu cập bờ. 

Bốn ngày qua, bà Mai Thị Long (vợ ông Bảy) và con cái khóc cạn nước mắt. Mới cách đây đúng 10 ngày, ông Bảy hôn tiễn biệt cháu nội để theo tàu cá QNg 95861 để làm phụ bếp. Ông Bảy vốn hiền lành, chăm chỉ, được chủ nhiều tàu cá và ngư dân miền biển này biết mặt vì ông là đầu bếp có tiếng. Mỗi chuyến đi biển ông cũng phải vay mượn góp vốn như bao bạn tàu khác. Vì không trực tiếp đánh bắt, nên tỷ lệ chia sau đánh bắt ông được hưởng thấp hơn mọi người. “Không còn khỏe mạnh,  nhưng vì gia đình nghèo khó, đang còn nợ nần nên ông ấy cố gắng đi bạn để nuôi gia đình và trả nợ. Hôm hai cha con đi, ông còn dặn tôi và con ở nhà chăm sóc cháu dại cháu nhỏ, đi biển về ông sẽ có quà. Ai ngờ đâu ông ấy lại bị bắn chết tức tưởi vậy…” -  bà Long nghẹn ngào

Ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết ở Trường Sa: Đất liền phẫn nộ ảnh 1

Ông Trương Đình Vàng uất ức vì em trai bị bắn chết ở Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Trương Đình Vàng (61 tuổi)- anh trai của ông Bảy, cho biết, em trai ông Vàng và là anh ông Bảy là Trương Đình Được cũng vừa mất vì bạo bệnh chưa tròn 49 ngày. “Gia đình có 6 anh em, hai người là liệt sỹ, mẹ tôi là thương binh và là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Giữa thời bình mà thằng Tư (ông Bảy) bị bắn chết như trong chiến tranh. Đau lắm. Giờ chỉ mong sao thi thể em sớm về bên người gia đình. Nó nằm ở  hầm đá mấy ngày rồi, lạnh lẽo lắm các anh ơi”, ông Vàng nghẹn ngào.

Bà Trương Thị Vân ôm em dâu khóc ròng, thức trắng đêm mấy ngày qua để chờ thi thể em trai vào bờ. Bà cho biết, đợt này, con trai bà cũng đang đi biển nhưng khác tàu cá với chú và em. Hay tin em trai bị bắn chết bà Vân đứng ngồi không yên. “Mấy năm nay, đi biển đầy bất trắc. Anh em, chú cháu nào dám đi cùng tàu, để phòng bất trắc. Lo là lo vậy nhưng ai ngờ đâu nỗi lo nay lại thành sự thật”, bà Vân uất ức.

Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư xã Bình Châu cùng lãnh đạo xã đến động viên vợ con ông Bảy và gia đình vượt qua nỗi đau. “Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân Bình Châu bị chèn ép, uy hiếp khi đánh bắt trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Nếu sự thật như trình bày của ngư dân thì chính quyền xã kịch liệt phản đối và yêu cầu điều tra làm rõ. Đó là hành động vô nhân đạo và không có tình người của tàu cá nước ngoài, cần phải lên án”- ông Nguyên khẳng định. 

Lên án hành vi vô nhân đạo

Ngày 30/11, liên quan đến thông tin ngư dân Trương Đình Bảy (tàu cá QNg 95861 TS,  ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bắn chết khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, ông Lưu Văn Huy - Cục trưởng Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho rằng, đó là “hành vi vô nhân đạo” cần lên án.

Ông Huy cho biết, lực lượng Kiểm ngư đang phối hợp với Cảnh sát biển, Biên phòng và các lực lượng liên quan điều tra, làm rõ sự việc. Lực lượng chức năng đang hỗ trợ đưa tàu cá QNg 95861 TS về đất liền, dự kiến khoảng đêm 30/11 hoặc sáng 1/12, tàu cá này mới tiếp cận cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi).

Theo ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam, bất kỳ hành vi tấn công, bắn chết ngư dân trên biển nào đều là hành vi vô nhân đạo, không thể chấp nhận được và đáng phải lên án. “Sau khi nắm rõ thông tin, Hội Nghề cá sẽ có công văn chính thức phản đối về việc này”- ông Trác nói.

Ông Trác cũng cho biết, tình hình trên biển hiện đang phức tạp, Hội sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân nắm bắt các quy định của pháp luật trên biển; tổ chức cho ngư dân đánh bắt theo tổ đội, để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố. Ông Trác cũng đề nghị, ngoài lực lượng như Kiểm ngư, Cảnh sát biển thường xuyên sát cánh để bảo vệ ngư dân, Nhà nước cũng cần có chính sách mạnh mẽ hơn, giúp ngư dân yên tâm bám biển.         

Phạm Anh

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.