Ngồi cầu may chờ thí sinh nhập học

Ngồi cầu may chờ thí sinh nhập học
TP - Bộ GD& ĐT khẳng định nguồn tuyển dư giả, nhưng nhiều trường đang trong cảnh ngồi cầu may chờ thí sinh đến học. Không ít trường nơm nớp lo sợ cảnh thí sinh cầm hồ sơ chạy khỏi trường mình khi họ được rút, nộp hồ sơ thoải mái.

> Tựu trường với nỗi lo chi phí
> Chọn đúng trường - cơ hội trúng tuyển cao

Xoay cho đủ thí sinh

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc đại học (ĐH) Thái Nguyên kể về mùa tuyển sinh năm 2010, khi ông đang còn công tác tại trường thành viên, ĐH Nông Lâm. Đặc thù của trường này là toàn bộ thí sinh miền núi có điểm thi rất thấp, đạt được điểm sàn (ĐS) rất khó khăn. Số thí sinh đạt điểm cao hơn một chút lại là ảo, thường nhảy qua trường khác khi đủ điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, cuối cùng cũng tuyển đủ thí sinh. Ông gặp đại diện Bộ GD&ĐT để đề nghị áp dụng điều 33 của Quy chế Tuyển sinh, nới rộng điểm khu vực cho một số ngành khó khăn, trong đó có khối nông lâm. Vì thế, vừa hạ được điểm 1,0 trường đã gọi thêm được một lúc 500 thí sinh. Tuy nhiên, quyết định ra hơi chậm nên trường ông Vui phải gọi điện cho từng thí sinh. Có những thí sinh đã đi học cao đẳng (CĐ) rồi lại được gọi về học ĐH, mừng khôn tả.

Năm nay Bộ GD&ĐT quyết sớm hơn về chủ trương, vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh nên ĐH Thái Nguyên chủ trương gọi thí sinh ngay từ NV1. Ông Vui cho biết, ĐH Thái Nguyên gọi khoảng 700-900 NV2 và chỉ có một vài ngành có thể cần gọi tới NV3.

Ông Lê Văn Thanh, GĐ Viện ĐH Mở, một trường nằm trong tốp 2 cũng cho biết, để tuyển đủ thí sinh, Viện không phải lấy đến NV3, và NV2 thường chênh 1-2 điểm so với NV1. Số lượng thí sinh đạt ĐS trở lên đạt hơn 7.000 trong khi trường này chỉ có 3.000 chỉ tiêu ĐH và 600 chỉ tiêu CĐ. Ông Lê Văn Thanh cho biết, trường ông cạnh tranh với các trường công lập (CL) khác bằng mức học phí thấp theo chuẩn của trường công lập và có một số ngành được xã hội quan tâm như: Hướng dẫn du lịch, Thời trang, Đồ họa, Quản trị kinh doanh du lịch…

Một trường “khó tuyển” khác là ĐH Lâm Nghiệp Xuân Mai. Có ngành vắng thí sinh theo học nên trường đành phải nhập mấy ngành thành một. Ông Trần Hữu Viên, Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp cho biết, vì đối tượng học của trường chủ yếu là con em nông dân nên tuyển sinh có phần hạn chế. Tuy nhiên, trường cũng chỉ tuyển đến NV2 với 900 chỉ tiêu. Ông Viên còn cho biết thêm: 3 năm trở lại đây trường ông ở tình trạng tuyển đủ hoặc gần đủ, thậm chí năm ngoái tuyển vượt 10%.

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐHDL Phương Đông cho biết, trường này được tuyển 2.460 chỉ tiêu song có đến hơn 1.500 chỉ tiêu thuộc diện “ngồi cầu may” hy vọng thí sinh đến học. Mặc dù đã qua nhiều năm, trường cũng bắt đầu khẳng định được thương hiệu...

Kích cầu tuyển sinh

Ông Lê Văn Một, Hiệu trưởng trường ĐHDL Thăng Long cho rằng, bất luận thế nào cũng không cần 2 điểm sàn. Các trường ĐHDL mới ra đời chắc chắn sẽ gặp khó khăn và phải mất nhiều năm để khẳng định mình. Tuy nhiên, theo ông Một, cần tìm giải pháp để phân luồng thí sinh mới tránh lãng phí cho xã hội. Theo đó, cần tổ chức thi tốt nghiệp nghiêm túc, tránh tình trạng thi tốt nghiệp thí sinh đạt 8 - 9 điểm toán nhưng khi đi thi chỉ làm được 1-2 câu của đề thi. “Từ đó để định hướng thi ĐH, bao nhiêu điểm thì được thi ĐH, bao nhiêu điểm thì đi thi CĐ, trung cấp nghề…”. Ông Đặng Kim Vui, giám đốc đại học (ĐH) Thái Nguyên phân tích, điều 33 của Quy chế Tuyển sinh đang áp dụng cho các trường khối nông-lâm-ngư chứ không thể áp dụng cho tất cả các trường hoặc các khối ngành. Vì hiện nay các trường dân lập (DL) và trường ĐH địa phương mở ra khá nhiều, nếu áp dụng ồ ạt thì chả khác nào thả nổi chất lượng. Theo ông Vui, những trường ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn; với những ngành không hấp dẫn nhưng lại cần thiết cho nền kinh tế thì Nhà nước phải sử dụng chính sách riêng để kích cầu.

Các nhà tuyển sinh dự báo một số trường ĐHDL phía Nam và ĐH địa phương mới thực sự dài cổ chờ thí sinh tới học mặc dù Bộ GD&ĐT khẳng định nguồn tuyển rất dư dả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG