Nghệ sĩ 'rao hàng'

Nghệ sĩ Thanh Hương
Nghệ sĩ Thanh Hương
Nghệ sĩ Thanh Hương
Nghệ sĩ Thanh Hương. Ảnh: Xuân Phú


“Nếu dễ thì đã lắm người làm!”

Thường thì khán giả vẫn nghĩ đọc quảng cáo không khó, vài câu ngăn ngắn, đọc vèo là xong. Nhưng người trong cuộc lại không thấy vậy. Ý kiến của đạo diễn sân khấu Trung Kiên: “Đọc quảng cáo chỉ khoảng 30 giây. Làm sao truyền tải được mặt mạnh của sản phẩm, gây được sự chú ý đến người nghe quảng cáo. Thế là hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng đọc quảng cáo hay không dễ. Nếu dễ thì đã nhiều người làm”.

Anh tiết lộ ở ngoài Bắc quanh quẩn chỉ thấy vài giọng đọc: Xuân Vinh, Thanh Hương, thỉnh thoảng là Trung Hiếu, Công Lý… và Trung Kiên nữa. Tiêu biểu nhất là NSƯT Xuân Vinh, giọng ca vàng của cải lương đất Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương T.Ư. Chất giọng trời cho của anh không chỉ gắn với những câu ca ngọt ngào mà còn gắn liền với nhiều thương hiệu sản phẩm.

Đóng quảng cáo là nghề hái ra tiền với những ngôi sao nổi tiếng. Còn đọc quảng cáo thì sao? Nghệ sỹ Xuân Vinh cho hay: “Không thể bì với các ngôi sao đóng quảng cáo được. Nhưng cát-sê cũng đáng kể”.

Hóa ra đọc quảng cáo truyền hình - kiểu rao hàng thời hiện đại - là thứ nghề tay trái của không ít nghệ sỹ. 

Quảng cáo đầu tiên Xuân Vinh nhận đọc chính là tôn Austnam. Anh đến với nghề tình cờ. Một người bạn ít tuổi hơn Xuân Vinh vốn là dân nhạc, thường làm nhạc cho quảng cáo, gạ anh: “Anh đọc cho em một slogan quảng cáo đi”. Lý do chàng nhạc công gạ nghệ sỹ cải lương vì: “Giọng anh là giọng bẩm sinh có độ vang”.

Ban đầu, Xuân Vinh từ chối: “Có biết gì đâu mà đọc, tham gia kịch truyền thanh, diễn cải lương thì được, còn đọc quảng cáo thì…”. Nể bạn, cuối cùng anh tham gia. Hóa ra thật vất vả, đánh vật cả tiếng đồng hồ chỉ với vài từ “Austnam, mái bền nhà đẹp”. Nhưng được đánh giá là đầy ấn tượng. Từ đây, đọc quảng cáo chính thức trở thành nghề tay trái của nghệ sỹ cải lương Xuân Vinh.

Sản phẩm thứ hai anh chinh phục chính là bia Hà Nội. Ngoài đời, vì nghiệp đàn ca anh kiêng bia, rượu, thuốc lá, làm thế nào để đọc cho ra chất bia Hà Nội là điều không đơn giản. Và cái giọng bất cần, hơi ngầu như kẻ vừa uống bia xong đã được Xuân Vinh lựa chọn cho slogan “Bia Hà Nội- Bia của những khát khao”. Đến bây giờ gần chục năm gắn bó với nghề, anh không nhớ hết những quảng cáo đã đọc. Nhưng không thể quên là quảng cáo về “Chevrolet Captival - một chiếc xe năng động”, “Honda Việt Nam nỗ lực hết mình vì sự an toàn của bạn”, hoặc “Phân lân Ninh Bình - người bạn của nhà nông”…

Nói cả nước nghe

Hào hứng và thành tâm say nghề tay trái như Xuân Vinh là dạng hiếm. Hỏi vài nghệ sỹ kịch nói về thứ nghề tay trái này, họ đều trả lời cho qua: “Ừ, thì có người mời đọc là đọc thôi” và chẳng muốn luận bàn gì thêm. Đạo diễn Trung Kiên đọc quảng cáo được vài năm nay, hỏi anh đã đọc những quảng cáo nào, anh chỉ cười: “Không nhớ nữa”. Nghệ sỹ Thanh Hương của Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng gắn bó gần chục năm với nghề đọc quảng cáo. Chị coi nghề này giống như nghề phát thanh viên.

Thanh Hương đã đọc rất nhiều quảng cáo, không thể nhớ hết. Gần đây chị đọc quảng cáo mì, chè sen bát bảo… Chị cũng cho rằng đọc quảng cáo truyền hình không đơn giản: “Bởi vì nếu diễn trên sân khấu chỉ có một số khán giả xem, còn đọc quảng cáo thì gần như cả nước nghe. Tôi muốn làm thật tốt. Cái khó là, quảng cáo rất ngắn, truyền tải được thông tin hấp dẫn nhất đến với người nghe quả là câu đố không dễ tìm lời giải”.

Đạo diễn Trung Kiên
Đạo diễn Trung Kiên.
"Thực ra đọc quảng cáo không phải cái tâm huyết lớn nhất của mình. Thành ra mình làm đúng bổn phận, làm tốt, xong là quên đi”

Nghề đọc quảng cáo truyền hình ở ta hiện nay không được đào tạo bài bản. Họ thường là những nghệ sỹ sân khấu rẽ sang.

Theo nghệ sỹ Xuân Vinh, ở khía cạnh nào đó đọc quảng cáo truyền hình có vẻ gần gũi hơn với các nghệ sỹ kịch nói. Bởi quảng cáo là những slogan đòi hỏi tiết tấu nhanh, mà tiết tấu của những vở cải lương bao giờ cũng trì trệ. Nhưng nghệ sỹ cải lương lại có ưu thế nhạy cảm với âm nhạc, những từ cần ngân nga, luyến láy họ sẽ làm tốt hơn. Song lợi thế sẽ biến thành bất lợi nếu các nghệ sỹ không biết tiết chế.

Đạo diễn Trung Kiên nói: “Đọc quảng cáo không giống cách nói trên sân khấu, cho nên người đọc phải điều khiển, phải biết phân biệt rạch ròi hai công việc. Âm sắc của quảng cáo phải gần gũi khán giả, phải đời thường”. Để đọc quảng cáo hay, ngoài năng khiếu, bản thân mỗi nghệ sỹ phải tự rèn luyện.

Xuân Vinh tâm sự, anh đã xem và nghiền ngẫm rất nhiều phóng sự tài liệu qua giọng đọc của các nghệ sỹ dày dạn như Trần Đức, Kim Tiến, Lê Chức, Minh Trí… Anh kể chuyện bếp núc trong nghề: “Chỉ một câu đơn giản như “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, nếu ở chữ cuối “dùng” người đọc khép miệng ngay, âm sẽ cụt. Nếu slogan “Honda Việt Nam nỗ lực hết mình vì sự an toàn của bạn” đọc bình thường không nhấn nhá mạnh, nhẹ, cao, thấp, sẽ không tạo ra hiệu ứng cần thiết là: Nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng không cứng nhắc”.

Lắt léo chuyện nghề

NSƯT Xuân Vinh phàn nàn: “ Dạo này trên truyền hình có những quảng cáo phản cảm, đọc nhanh quá, khán giả gắng tai mà không nghe kịp”. Đạo diễn Trung Kiên giãi bày: “Nghề này đôi khi gặp những đòi hỏi “quái dị” của “đối tác” (như hãng thuốc chẳng hạn), trong khi mình đọc nghệ thuật thì người ta không ưng, lại cứ đòi đọc rất nhanh, đọc không cần tình cảm, những lúc ấy mình cũng bức xúc”.

Hai bên không hiểu ý nhau cũng là chuyện thường ngày. “Bởi vì đa số những người làm công việc “đặt hàng” quảng cáo là những bạn trẻ, vốn hiểu biết về nghệ thuật không nhiều, nên họ đưa ra những yêu cầu khiến mình không hiểu. Vì không hiểu họ muốn gì nên mình cứ làm theo cách của mình. Cũng có lần họ đồng ý, có lần họ bắt sửa”, Trung Kiên vừa nói vừa cười vui vẻ.

Nghệ sỹ Thanh Hương góp câu chuyện: “Đọc quảng cáo mất nhiều hay ít thời gian còn tuỳ khách hàng khó tính hay dễ tính. Có những khách hàng đưa ra những yêu cầu rất mâu thuẫn với nhau, ví dụ, họ yêu cầu nói như reo lên nhưng lại phải thủ thỉ tâm tình. Reo lên thì làm sao thủ thỉ được, mà thủ thỉ làm sao reo lên được? Rất là vô lý. Mấy dòng thôi mà mệt mỏi, mình sốt ruột phải bảo: Nếu cứ như thế này không thể cộng tác với nhau được. Tôi đã làm hết khả năng rồi”. Nghệ sỹ cải lương có ưu thế nói được cả giọng Nam, giọng Bắc, nhưng nhiều lúc họ vẫn phải “alô” hỏi bạn bè miền trong cách phát âm một số từ cho chuẩn.

Nghệ sĩ Xuân Vinh
Nghệ sĩ Xuân Vinh.
Hỏi Xuân Vinh: “Đến bây giờ gần chục năm trong nghề anh đã thấy đọc quảng cáo dễ chưa?”. Anh nói ngay: “Vẫn không dễ. Mỗi lần mỗi khác. Đừng tưởng ít chữ thì dễ". 

Các nghệ sỹ đọc quảng cáo thường không “kèo” chuyện cát-sê, đưa bao nhiêu nhận bằng đó, như Thanh Hương nói: “Có mức giá chung rồi”.

Trung Kiên lại cho rằng: “Cát-sê ở ngoài Bắc không như trong Nam. Trong Nam cần một thương hiệu, một tên tuổi nào đấy càng nhiều người biết càng tốt, họ đặt chất giọng, khả năng xuống hàng thứ yếu, đề cao thương hiệu của người đọc trên hết. Còn ngoài Bắc nặng về hiệu quả của giọng đọc”.

Đôi khi ngoài cát-sê nghệ sỹ cũng được nhà quảng cáo tặng sản phẩm song “chưa từng được tặng ô tô, xe máy bao giờ ”, Xuân Vinh cười hóm hỉnh. Cũng có lời mời giọng ca vàng đọc phóng sự tài liệu nhưng anh thú nhận: “Khoản này thì chịu. Mình đọc cái gì cũng ra… đọc quảng cáo thôi”. Có tháng Xuân Vinh nhận tới 15 “sô” đọc quảng cáo truyền hình, có thể liệt anh vào hàng đắt “sô” bậc nhất hiện nay.

Anh thích đọc sản phẩm sắt, thép, ô tô, đòi hỏi giọng mạnh, khỏe, dày. Nhưng nhiều người khen anh đọc quảng cáo thuốc cũng hay: “Hoàng tiên đan - tiêu tan nỗi lo bệnh gút”, “Thiên chí đan - Minh mẫn trí tuệ, sảng khoái tinh thần”, nghe một lần khó có thể quên.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.