Nghề điêu khắc than đá ở Quảng Ninh

Đôi bàn tay bám đầy than là hình ảnh thường thấy của những thợ thủ công mỹ nghệ than đá ở đất mỏ.
Đôi bàn tay bám đầy than là hình ảnh thường thấy của những thợ thủ công mỹ nghệ than đá ở đất mỏ.
Tiếng đục, đẽo, cưa… nhộn nhịp giữa đông lạnh giá. Những người thợ điêu khắc than đá đất mỏ (Quảng Ninh), vẫn cần mẫn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.

Nằm sâu trong ngõ nhỏ cách quốc lộ 18A khoảng 100 m, thuộc khu 8, phường Hồng Hải (TP Hạ Long, Quảng Ninh), xưởng điêu khắc than đá mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Tiến Quyết (42 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thanh Bình (39 tuổi) hàng ngày vang lên tiếng cưa, tiếng mài đục, xen lẫn tiếng cười nói của thợ.

Xưởng nhà anh Quyết rộng chừng 30 m2 với 6 thợ điêu khắc (3 nam, 3 nữ). Xung quanh nhiều hòn than kíp-lê (altraxit) to nhỏ màu đen xám và màu ánh kim nằm thành đống ngổn ngang, cùng với đó là những dụng cụ đơn giản như: chiếc cưa tay, vài cái đục, dao gọt, máy hỗ trợ đánh ráp.

Làm quen với điêu khắc than đá từ bé, biết rằng sẽ bụi bẩn, độc hại, thu nhập không cao, nhưng duyên nợ gắn anh với nghề. "Làm ra một tác phẩm điêu khắc rất đơn giản, người có chút tay nghề có thể làm. Nhưng để sản phẩm mang cái hồn thì không chỉ ngày một ngày hai là làm được. Nó đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ, biến những hòn than vô tri vô giác thành sản phẩm đầy tính nghệ thuật, có hồn như: sư tử, ngựa, cá chép, hòn Trống Mái…", anh Quyết chia sẻ.

Nghề điêu khắc than đá ở Quảng Ninh ảnh 1

Trên địa bàn Quảng Ninh chỉ còn gần chục gia đình theo nghề này. Ảnh: Minh Cương

Người thợ 30 gắn bó với nghề cho biết, than dùng để chế tác phải là loại khối lớn có chất lượng tốt, độ đen đặc, bề mặt không có đường vân, mạch đứt gãy xuyên ngang dọc, được mua trực tiếp tại khai trường hoặc thương lái. Sau đó, thợ sẽ xẻ than thành từng khối theo yêu cầu, hình dạng và kích cỡ chế tác. 

Công đoạn tiếp theo là dựa vào hình dạng khối than mà căn hình, tạo hình trên bề mặt, rồi đục đẽo, gọt tỉa thành các hình thù. Cuối cùng là công đoạn đánh giấy ráp và mài bóng sản phẩm. Khâu khó nhất là căn chỉnh tạo hình trên bề mặt than bởi nếu không khéo thì sẽ bị sứt, vỡ hoặc lệch hình.

Lấy chồng gần 20 năm là từng đó năm chị Nguyễn Thị Thanh Bình theo nghề của nhà chồng. Nghề điêu khắc than đá lúc nào cũng nhem nhuốc bởi bụi than, thu nhập chỉ khoảng 4-6 triệu/tháng. Năm 2007, thành phố Hạ Long có dự án và đã thành lập Hội hàng thủ công mỹ nghệ TP Hạ Long, thu hút được hàng chục hộ làm nghề tham gia, nhưng 3 năm sau thì giải thể, bởi không có sự đầu tư, thị trường đầu ra không ổn định.

"Một số hộ đã bỏ nghề kiếm việc khác nhưng gia đình tôi vẫn hy vọng và tiếp tục theo nghề tới bây giờ", chị Bình nói và cho rằng nghề điêu khắc than đá trở thành nét đặc trưng của vùng mỏ. Sản phẩm làm ra dùng để trang trí, làm quà tặng, bán cho khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu chẳng may nghề mất đi thì "thật đáng tiếc".

Ngồi lỏm thỏm ở góc xưởng, với bộ quần áo phủ kín một màu đen, Trần Thị Nhung (24 tuổi, quê Bắc Giang) theo nghề điêu khắc than đá được một tháng nay. "Quê em nghèo, không có việc làm nên em ra đây học nghề theo giới thiệu của người thân. Em thấy nghề này cũng dễ học, chỉ cần kiên trì, chịu khó học hỏi sẽ sớm thạo nghề. Khi đó tự tay mình có thể làm ra những sản phẩm độc đáo theo ý tưởng riêng, em cảm thấy rất vui", Nhung tươi cười nói.

Nghề điêu khắc than đá ở Quảng Ninh ảnh 2

Rời quê nghèo ra đất mỏ, Nguyễn Thị Nhung nuôi ước mơ trở thành nghệ nhân điêu khắc than đá. Ảnh: Minh Cương

Nghề chế tác mỹ nghệ than đá xuất hiện tại vùng mỏ Quảng Ninh từ cuối thế kỷ 19 do người Pháp du nhập vào. Trước năm 1986, những người thợ tham gia vào Hợp tác xã Hồng Gai chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá. Sau khi hoạt động không hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên Hợp tác xã bị giải thể năm 1986 và những người làm nghề tách riêng ra để kiếm kế sinh nhai. Đến nay cả tỉnh Quảng Ninh còn gần 10 hộ gia đình còn làm nghề này.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG