Ngày hội văn hóa Chăm

Người Chăm An Giang dệt thổ cẩm.
Người Chăm An Giang dệt thổ cẩm.
TP - Ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 diễn ra từ 15/7 – 17/7  tại An Giang, với sự tham gia của 11 tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, điểm nhấn của ngày hội năm nay là giới thiệu những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Chăm theo đạo Islam tại An Giang. Đây là cơ hội để tỉnh có hướng đầu tư, phát triển du lịch văn hóa Chăm trong thời gian tới. Những tiết mục nghệ thuật của các tỉnh, thành phố khác cũng góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa Chăm trong ngày hội.

Độc đáo ẩm thực Chăm

Giám đốc Sở VH&TTDL An Giang Nguyễn Văn Lên giới thiệu, một hoạt động quan trọng của ngay hội là phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Chăm. Bởi, cộng đồng người Chăm tại An Giang có nhiều đặc sản như lạp xưởng bò và cà búa (cà ri) luôn được giới ẩm thực đánh giá cao. Bên cạnh đó, việc tổ chức triển lãm về văn hóa nghề truyền thống cũng là điểm nhấn thú vị để du khách và người dân tìm hiểu những nét khác biệt trong đời sống và tín ngưỡng của đồng bào Chăm trên mọi miền đất nước. Các nghệ nhân, diễn viên mang đến những tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Những bộ trang phục truyền thống Chăm, những lễ cưới vui tươi hay truyền thống đón Tết Roja cũng mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị.

Đồng bào Chăm An Giang có trên 15 ngàn người, chiếm 0,7% dân số của toàn tỉnh.         

Giữ gìn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch

Ngày 16/7, tại An Giang, diễn ra hội thảo “Văn hóa Đông bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Ông Nguyễn Ngọc Phu, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ VH&TTDL) cho biết, dân tộc Chăm với khoảng 170.600 người, sinh sống tại 35 huyện thị của 10 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ. Theo ông Phu, hiện nay đời sống đồng bào Chăm đã có bước phát triển rõ rệt trong dân tộc thiểu số, đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện về nhiều mặt. Cơ sở vật chất, các chương trình, dự án chính sách được quan tâm đầu tư mạnh. Cụ thể, 100% xã có điện, đường, trường trạm đến tận nông thôn phục vụ người dân.

Phó chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) Đoàn Bình Lâm cho biết, người Chăm ở huyện này nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm phục vụ du lịch, điển hình là làng Chăm Đa Phước. Đồng bào Chăm ý thức rõ những giá trị văn hóa riêng thể hiện qua hàng loạt lễ hội trong năm như lễ tạ ơn, cầu an, Roya… Bên cạnh những lễ hội mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng, người Chăm An Giang còn tổ chức lễ hội văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên, ngày hội văn hóa, du lịch đồng bào Chăm… để thu hút khách du lịch.

“Các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất trở thành nét đẹp, bản sắc dân tộc Chăm”, Thứ trưởng Bộ VH&TTDL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu.

MỚI - NÓNG