Ngân hàng 'tố khổ' thu hồi nợ

Một nhà máy sản xuất thép thuộc tập đoàn Vạn Lợi đóng cửa im lìm và không thanh toán trả nợ được cho Vietcombank trong 4 năm qua.
Một nhà máy sản xuất thép thuộc tập đoàn Vạn Lợi đóng cửa im lìm và không thanh toán trả nợ được cho Vietcombank trong 4 năm qua.
TP - “Khi kí kết 1 hợp đồng tín dụng hai bên tay bắt mặt mừng nhưng khi khách không trả được khoản vay, ngân hàng phải đi thu nợ thì câu chuyện lại đến hồi khiến chúng tôi thổn thức”- Trưởng phòng thu hồi và xử lý nợ Vietcombank bà Chu Châu Hạnh kể trong nỗi niềm.

Chân dung “con nợ” giàu có

Ông Bùi Trần Mâng - Giám đốc Vietcombank  An Giang chia sẻ: “Xử lý nợ cái chính là của NH; nhưng sự phối hợp của cơ quan ban ngành khác rất quan trọng”. Nêu một ví dụ cụ thể, ông Mâng cho hay hiện chi nhánh Vietcombank An Giang đang vướng về thi hành án của công ty CP Xây dựng thương mại Ngọc Hầu. DN được cho vay và có tài sản đảm bảo theo đúng quy định; sau khi không trả nợ và qua rất nhiều đoạn trường xử lý, hiện đã có bản án và được cục thi hành án An giang quyết nhưng vướng là những tài sản của DN Ngọc Hầu là đất ở thành phố Châu đốc; khó nữa là khâu định giá do cơ quan thi hành án xử lý. “Họ có xu hướng thẩm định giá cao (một trong những chiêu được khách hàng áp dụng là yêu cầu thẩm định giá theo kỳ vọng để trì hoãn không bán được). Ví dụ giá chuyển nhượng lô đất có thể là 32 tỷ thì bán được nhưng họ định giá là 38 tỷ chúng tôi không đồng ý. Còn để giảm giá được 10% thì lúc đó lại phải chờ sự chấp thuận của khách hàng rất khó khăn, cứ thế vài lần tốn nhiều thời gian mới về mức giá thật”- ông Mâng cho biết. Ngoài ra, ông Mâng cũng kể ý thức hợp tác của “con nợ” luôn lẩn như trạch, rất tinh quái. Thậm chí không chỉ nhà lầu xe hơi, con nợ còn đang đi chiếc Hummer 2.

Tương tự, một đại diện chi nhánh Vietcombank Bắc Sài Gòn kể đang mắc kẹt với khách hàng là Công ty cổ phần Thương mại Hùng cường. “Ông chủ này có nhà lầu, xe hơi, đi đánh golf suốt ngày rồi con du học nước ngoài. Thực ra vốn vay NH so với tài sản của ông ý rất ít, thế nhưng ông ta vẫn chây ỳ không muốn thực thi bản án.  Thậm chí còn vận dụng các quan hệ để nhờ hỗ trợ làm sao không thi hành án được, chúng tôi rất mệt mỏi và bức xúc”.

Đại diện Vietcombank Thái Bình kể một câu chuyện còn dở khóc cười hơn về chiêu của con nợ. “Chúng tôi đã có thiện chí để khách hàng trả nợ nhưng DN này là một ông chủ tư nhân luôn có một đối tác tư vấn để đưa ra lý do trì hoãn không ra tòa. DN này có quan hệ với 5 NHTM đều khởi kiện. Khi ra tòa,  rồi thì ông ý có một bản khá dài phản tố coi hợp đồng tín dụng rành rành chúng tôi cho vay như một hợp đồng song vụ biến NH trở thành nhà đầu tư kinh doanh. Cứ như vậy lằng nhằng đến lúc tòa  xử sơ thẩm rồi phúc thẩm mất hết 3 năm, từ đó đến nay thêm 2 năm nữa là 5 năm chúng tôi vẫn chưa xử lý được. “Đến lúc này thì cơ quan thi hành án đã quyết định sẽ thực hiện và chọn Vietcombank làm đầu tiên vì hồ sơ  chúng tôi rất đầy đủ đẹp. Nói  ra tất cả những điều này, nguyên nhân ông chủ DN làm khó khăn “Chúng tôi nói ra những điều này chỉ mong dư luận xã hội có sự nhìn nhận, thấu hiểu và có cái công bằng với NH” - vị này nói.

Đại diện Vietcombank chi nhánh Hải Phòng cũng thở than nỗi niềm không kém khi nói về khoản vay của Tập đoàn thép Vạn Lợi vốn bao gồm 5 công ty. “Hiện chúng tôi rất vất vả khi DN không hợp tác ngay tại tòa án. Mời luật sư bào chữa rồi những người có liên quan ủy quyền vắng mặt 3-4 lần; sau khi trì hoãn tòa đã xử”.

Thu hồi nợ- cần nhìn nhận công bằng

Tại buổi tọa đàm “Vietcombank chia sẻ vướng mắc trong xử lý nợ xấu” vừa diễn ra tại Hải Phòng do Vietcombank tổ chức, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, người trực tiếp phụ trách mảng thu hồi nợ cũng cho rằng điều NH muốn chia sẻ với xã hội, đó là muốn làm sao để hoạt động NH lành mạnh, nợ xấu ít đi. Về lý do xảy ra nợ xấu, theo ông Thắng đã quá rõ khi bao gồm mấy khía cạnh: Do quá trình hoạt động của các DN có thể không hiệu quả, dẫn đến không trả được nợ; DN tính toán không khả thi cũng dẫn đến nợ xấu; NH bị cơ quan pháp luật bắt tạm giữ tạm giam cũng là từ không thu được khoản nợ; thời kỳ kinh tế khó khăn nợ xấu phát sinh rầm rộ hơn thời kỳ kinh tế phát triển (mức vi phạm thấp hơn). 

Đi vào vấn đề làm sao giải quyết được nợ xấu? Theo ông Thắng, khó khăn bắt đầu từ khi nợ bắt đầu chuyển nhóm 2 tức là nợ có vấn đề; khi đã chuyển sang nhóm 3 tức là có vi phạm để xử lý nợ xấu; NH xác định vấn đề (tài sản bảo đảm). Khi có vấn đề NH sẽ xem xét có thể cùng với DN cơ cấu lại các khoản. Nếu đánh giá không trả nợ được bắt buộc các NH phải đứng ra xử lý tài sản bảo đảm. “Luật pháp của ta luôn có tâm lý là người đi vay có khó khăn, tài sản đó của người ta, khi NH thu về thì NH gần như chiếm đoạt của người ta trong khi không nghĩ người ta đã vay NH. Việc NH thu hồi tài sản thậm chí có thể mang đến suy nghĩ tại sao lại đuổi người ta ra khỏi nhà. Cách hiểu và đặt vấn đề như thế chưa đúng vì tiền chúng tôi cho vay đó là tiền của người gửi tiền (dân) và các NH phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo quyền lợi người gửi tiền đó”.

Muôn bề cái khó được đội ngũ thu hồi xử lý nợ Vietcomnbank  “gút” lại đó là nếu NH xử lý làm không khéo thì hình ảnh sẽ bị xấu đi, rồi bên ngoài nhìn vào lầm tưởng NH đang dồn khó cho người dân. Trong khi ở đây vay mượn là thỏa thuận hai bên cùng ký. “Thu hồi nợ đó là nhiệm vụ NH buộc phải làm khi đã hết cách xử lý trong khi chúng tôi được ngồi ăn học trên ghế nhà trường chỉ toàn nghiệp vụ, rồi đi thu hồi nợ nhiều khi là cán bộ “chân yếu tay mềm” - bà Hạnh nói. Cùng đó khẳng định: Vấn đề là anh vay thì anh phải  trả. Phải làm sao cho cả xã hội nhìn nhận quy định thành luật chứ không để cho các đại gia vẫn có thể tiếp tục ngang nhiên không trả nợ hoặc vẫn có thể thành lập DN mới.

Cuối năm 2014 nợ xấu Vietcombank được xử lý thăng hoa với thành tích thu nợ ngoại bảng đạt 1.768 tỷ (chiếm 31% trong  tổng lợi nhuận 5.680 tỷ đồng). Không chỉ đóng góp rất nhiều cho kết quả kinh doanh, mà việc rốt ráo đến cùng trong xử lý nợ xấu của Vietcombank còn được Ngân hàng Nhà nước xem là “tấm gương sáng” về thành tích “tự xử” nợ xấu của ngành.

MỚI - NÓNG