Ngăn chặn vỡ các hợp đồng dân sự

Ngăn chặn vỡ các hợp đồng dân sự
TP - Sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) sẽ tạo cơ chế pháp lý đầy đủ và rõ ràng hơn để đảm bảo tính ổn định cao của quan hệ thị trường, khắc phục tình trạng nhiều quan hệ hợp đồng bị các bên chấm dứt một cách tuỳ tiện hoặc bị Toà án tuyên bố vô hiệu một cách cứng nhắc...

> Phó Thủ tướng: Hạn chế can thiệp hành chính vào giao lưu dân sự

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (áo sẫm bên trái) đang tư vấn cho một trường hợp bị đơn phương phá vỡ hợp đồng dân sự
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (áo sẫm bên trái) đang tư vấn cho một trường hợp bị đơn phương phá vỡ hợp đồng dân sự.

TS. Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự- Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết như vậy, khi nói về sửa đổi BLDS năm 2005.

Hạn chế đơn phương chấm dứt hợp đồng

Ông Huệ cũng cho hay, một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của kinh tế thị trường là phải bảo đảm tính ổn định của các quan hệ phát sinh trong lưu thông hàng hóa. Vì vậy việc bảo đảm cho các quan hệ này không bị tuỳ tiện thay đổi hoặc hủy bỏ là một nhiệm vụ quan trọng của pháp luật tư nói chung và BLDS nói riêng. BLDS hiện hành chưa thực hiện tốt được yêu cầu trên.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn luật sư TP Hà Nội), thực tế hiện nay cho thấy rất nhiều hợp đồng dễ dàng bị một trong các bên tuyên bố hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt chỉ vì bên kia vi phạm một điều khoản nào đó của hợp đồng. Điều này gây nên sự bất ổn định cho các giao dịch và tốn kém khi mà một bên có thể sử dụng sự vi phạm không đáng kể của phía bên kia để chấm dứt hợp đồng.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 425 BLDS quy định về căn cứ hủy bỏ hợp đồng là “Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng...khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Theo ông Bách, Quy định như vậy vô hình trung pháp luật bảo vệ bên vi phạm hợp đồng. Bởi, khi một bên vi phạm hợp đồng, bên kia chỉ được hủy trong hai trường hợp: Trước đó trong hợp đồng có thoả thuận nếu bên nào vi phạm hợp đồng thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và pháp luật có quy định. Do đó, BLDS cần phải quy định rõ chỉ khi có những vi phạm nghiêm trọng, làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng không đạt được thì hợp đồng mới bị chấm dứt.

“Sẽ bổ sung khái niệm “vi phạm nghiêm trọng” hợp đồng và quy định rõ chỉ khi nào một bên có hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thì bên kia mới có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Sửa luật cũng sẽ hoàn thiện hơn nữa các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo hướng giảm thiểu tối đa các trường hợp hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Đồng thời hoàn thiện hơn nữa các quy định liên quan đến hình thức của hợp đồng và cách thức xử lý đối với hợp đồng có vi phạm về hình thức”- Ông Huệ cho biết.

Bỏ quy định về hộ gia đình?

“Về vấn đề chủ thể hộ gia đình, hiện đang có hai quan điểm trái ngược về việc BLDS có nên quy định hộ gia đình như một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự hay không?”- Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) nêu vấn đề.

 Qua thực tiễn khảo sát thi hành Bộ luật Dân sự và thực tiễn của Tòa án, nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định hộ gia đình là chủ thể trong các quan hệ dân sự.

Ông Dương Đăng Huệ

Quan điểm thứ nhất cho rằng chưa nên bỏ quy định về hộ gia đình trong BLDS vì sẽ dẫn tới những xáo trộn xã hội lớn. Hộ gia đình là chủ thể được nhà nước giao đất, giao rừng... Hộ gia đình là một chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự như hôn nhân gia đình, đất đai... Quan điểm thứ hai đề nghị nên bỏ khỏi BLDS, bởi hộ gia đình không phù hợp với điều kiện hiện tại, nó không phải là một chủ thể độc lập trong quan hệ dân sự có tính chất chung mà là chủ thể trong quan hệ hành chính, xã hội.

“Chúng tôi cho rằng, thực tế hiện nay trong quá trình giải quyết tranh chấp tại TAND khó xác định chủ thể là hộ gia đình. Trong khi đó pháp luật đã quy định đầy đủ để các thành viên hộ gia đình tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách là cá nhân”- Ông Cường nói, đồng thời đề nghị bỏ quy định về hộ gia đình trong BLDS.

“Qua thực tiễn khảo sát thi hành BLDS và thực tiễn của toà án, nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định hộ gia đình là chủ thể trong các quan hệ dân sự. Bởi quy định về thành viên của hộ gia đình thì ở trạng thái tĩnh, trong khi đó cơ cấu thành viên của hộ gia đình lại thường xuyên thay đổi. Trong thực tiễn áp dụng, hộ khẩu được sử dụng phổ biến làm căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình. Nhưng hộ khẩu được dùng để phục vụ hoạt động quản lý hành chính của nhà nước, không phải là căn cứ để xác định một cách chính xác các thành viên của gia đình”- Ông Dương Đăng Huệ cho biết thêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG