Ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng ngay khi thanh tra, kiểm tra

0:00 / 0:00
0:00
AVG là vụ án điển hình trong việc thu hồi tài sản
AVG là vụ án điển hình trong việc thu hồi tài sản
TP - “Tại sao vụ AVG lại thu hồi được tài sản nhiều đến thế? Vì coi trọng thu hồi tài sản. Chính sách hình sự luôn coi trọng yếu tố thành khẩn, khắc phục hậu quả”, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) trao đổi với Tiền Phong.

Kiểm soát toàn bộ các giao dịch

Mặc dù tỷ lệ thu hồi tài sản tăng lên qua từng năm, nhưng trước khi Chỉ thị 04 của Ban Bí thư được ban hành, vấn đề thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn chưa được như kỳ vọng?

Gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã tăng lên đáng kể. Trước kia, với án hình sự, chỉ thu hồi được trên dưới 10%, nhưng gần đây đã tăng lên đến 60%. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi với loại án này, chỉ vài phần trăm thôi đã lớn rồi, nói gì đến vài chục phần trăm chưa thu hồi được như vậy.

Nguyên nhân thì nhiều, có thể do quy định pháp luật, hay do năng lực chỉ đạo, điều hành… Không phải ngẫu nhiên Chỉ thị 04 của Ban Bí thư lại nhấn mạnh đến vấn đề nhận thức trách nhiệm, coi việc thu hồi tài sản là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Vì thế, nếu không thu hồi ngay được cũng phải có giải pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Chúng ta vẫn chưa có biện pháp hiệu quả, hoặc có nhưng chưa kịp thời để khi xảy ra vụ việc, phải ngăn chặn ngay việc chuyển dịch, tẩu tán, hợp thức hóa, sang tên tài sản… Nghĩa là, về mặt luật pháp cũng có vấn đề, năng lực, trình độ của các cơ quan cũng có vấn đề, đặc biệt nhất là sự nhận thức về việc đó. Chỉ thị 04 của Ban Bí thư là một cú hích, một sự nhắc nhở, lưu ý.

Ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng ngay khi thanh tra, kiểm tra ảnh 1
TS. Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Vẫn cần cách thức nào đó để làm sao vừa ngăn chặn được tẩu tán tài sản, vừa đảm bảo quyền riêng tư về tài sản cá nhân?

Hiện chúng ta đã hình thành cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật cũng cho phép cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có những quyền hạn nhất định. Ví dụ, nếu thấy nghi ngờ về sự biến động tài sản của ai đó thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin. Việc này không dễ, chính vì vậy phải có quy định mới được. Như tổ chức ngân hàng, người ta có trách nhiệm bảo vệ bí mật của khách hàng, nhưng khi cơ quan có thẩm quyền đề nghị, anh không thể từ chối.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng có thể yêu cầu các tổ chức liên quan áp dụng biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản. Khi đối tượng nằm trong vòng xoáy tố tụng, lập tức yêu cầu phong tỏa, không cho rút, chuyển tài sản. Việc này mới bắt đầu từ năm 2018 và đã phát huy tác dụng. Chỉ thị 04 đã nhấn mạnh việc áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, tránh tẩu tán, chuyển dịch, hay hợp thức hóa tài sản tham nhũng.

Mặt khác, Chỉ thị của Ban Bí thư cũng đề cập đến việc quản lý các giao dịch, hạn chế tối đa các giao dịch tiền mặt, buộc phải thông qua tài khoản, như thế mới kiểm soát được. Giống như vụ án cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, bảo có đưa tiền cho con gái, nhưng con gái lại phủ nhận, thế thì bằng chứng ở đâu?

Các nước không có chuyện vác cả cục tiền đi được, anh buộc phải chuyển khoản, có ngày giờ, người chuyển, người nhận rõ ràng, tra cứu là ra hết. Nên chúng ta phải tạo ra thiết chế, kiểm soát được toàn bộ các giao dịch. Muốn vậy nền quản trị phải tốt, công nghệ, ngân hàng, cơ quan quản lý đất đai đều phải tốt và không có chuyện mua bán trao tay.

Ngăn tẩu tán tài sản ra nước ngoài

Theo ông, cần giải pháp nào để ngăn chặn hiệu quả việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài?

Chúng ta đã bước vào thời kỳ hội nhập toàn diện, thế giới phẳng, biên giới mềm, nên việc kiểm soát cũng phải theo kịp. Mọi thứ đã được quốc tế hóa, đương nhiên tham nhũng cũng được quốc tế hóa. Chúng ta buộc phải có biện pháp ngăn chặn rửa tiền, tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Mặt khác, cũng phải tăng cường hợp tác quốc tế bằng các cơ chế cũng như sự thỏa thuận của các bên. Vụ Giang Kim Đạt có thể làm được vì có sự hợp tác, cùng nỗ lực chung với cộng đồng quốc tế, phối hợp thu hồi tài sản theo nguyên tắc có đi có lại. Điều này cũng rất thích hợp, bởi công ước chúng ta tham gia có những quy định về sự hỗ trợ thông tin, tình báo, kiểm soát và hỗ trợ cả dẫn độ, xử lý tài sản.

Việc xử lý với các loại tài sản bất minh thì sao?

Trước đây, tài sản tham nhũng là tài sản của người tham nhũng, nếu chuyển cho người khác thì rất khó thu hồi. Nhưng bây giờ, tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc tham nhũng. Như câu chuyện ngôi biệt trên Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh rất điển hình, đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nếu chứng minh được quá trình hình thành tài sản đó do nguồn gốc tham nhũng, dù mang tên người khác vẫn có thể thu hồi. Đó là một sự thay đổi rất quan trọng. Trước đây có chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, chết là hết. Còn bây giờ không có chuyện đó. Người mất nhưng tài sản từ tham nhũng đi đâu vẫn làm được tiếp.

Về tài sản bất minh, một cán bộ quan chức lương bổng như thế, lại có tài sản lớn như vậy, các nước khuyến cáo đó là tội làm giàu bất chính. Nếu đầu vào quản lý chặt, tài sản thò ra, thụt vào đều biết hết. Phần tài sản tăng lên đáng kể đó, anh phải chứng minh được, nếu không sẽ bị quy vào tài sản bất minh, hay buôn lậu, trốn thuế… Tóm lại là làm giàu không chính đáng, vẫn bị tịch thu.

Hay như chuyện hối lộ, sao đến giờ còn tranh luận quà tặng hay hối lộ? Các nước không có chuyện tranh luận quà tặng sinh nhật quan chức tới vài chục nghìn đô. Trên cương vị bộ trưởng, ông phải hiểu đó không phải quà tặng đơn thuần. Các nước có cái gọi là triết lý pháp luật, tức không cần chứng minh, họ gọi đó là lẽ thường. Đưa triệu đô, không thể là quà tặng sinh nhật đơn thuần. Đó phải là sự trả giá cho một cái gì đó. Tôi không cần chứng minh, mà trách nhiệm ông phải thấy được điều đó.

Chỉ thị của Ban Bí thư nhấn mạnh việc kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Ông có thể phân tích thêm về yêu cầu này?

Đương nhiên các chính sách về hình sự rất quan trọng. Tại sao vụ AVG chúng ta lại thu hồi được nhiều đến thế? Vì coi trọng vấn đề thu hồi tài sản, nên chính sách hình sự coi trọng yếu tố thành khẩn, khắc phục hậu quả. Vụ AVG chưa thành án, chưa xử ai đã thu 100%, với hơn 8.000 tỷ, không sót một đồng nào.

Càng thừa nhận sớm sai phạm, nộp lại tài sản càng nhanh, càng được xem xét giảm nhẹ. Nếu đúng luật, tội đưa hối lộ mức án rất nặng. Nhưng không phải tự nhiên Phạm Nhật Vũ được áp dụng chính sách đặc biệt. Mục tiêu xử lý chỉ là mức hai, quan trọng nhất là lấy lại được tiền. AVG là vụ án điển hình. Trong mấy chục năm làm về thanh tra, tôi chưa thấy vụ nào thu nhanh, thu đủ, thu gọn như thế. Chính vì vậy, Chỉ thị của Ban Bí thư mới nhấn mạnh đến việc thu giữ, kê biên tài sản, đất đai ngay trong quá trình thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG