New Delhi, Ấn Độ: Bạo loạn dữ dội

Lính cứu hỏa đang dập đám cháy tại một cửa hàng buôn bán lốp ô tô. Ảnh: Reuters
Lính cứu hỏa đang dập đám cháy tại một cửa hàng buôn bán lốp ô tô. Ảnh: Reuters
TP - Ít nhất 20 người thiệt mạng ở thủ đô Ấn Độ trong các cuộc đụng độ dữ dội giữa các nhóm Ấn giáo và Hồi giáo về một bộ luật công dân mới. Thủ tướng Narendra Modi đã phải lên tiếng kêu gọi vãn hồi trật tự.  

Có 20 người chết và 189 người bị thương”, một bác sĩ của Bệnh viện Guru Teg Bahadur nói với Reuters hôm qua.

Một quan chức tại Bệnh viện Al-Hind ở New Delhi nói cơ sở này đã điều trị hơn 200 người bị thương kể từ thứ Hai, nhiều người bị thương nặng.

Sau một số vụ bạo lực tồi tệ nhất ở thủ đô trong nhiều thập kỷ qua, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn khói, nhưng đã rất vất vả giải tán đám đông ném đá.

Hôm qua một phần khu vực bạo loạn đã trở nên vắng lặng, và một nhân chứng của Reuters đã thấy lực lượng bán quân sự và cảnh sát được triển khai với số lượng lớn hơn nhiều.

Các nhân chứng của Reuters đã nhìn thấy đám đông cầm gậy, ống thép và đá đi bộ trên đường phố ở khu vực phía đông bắc thủ đô Delhi hôm thứ Ba, giữa lúc liên tiếp xảy ra vụ đốt phá, cướp bóc và ném đá. Xe cứu hỏa liên tục di chuyển để khống chế các đám lửa. Người ta nghe thấy nhiều tiếng súng nổ, nhiều người bị thương vì súng, các quan chức bệnh viện cho biết.

Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào về bất kỳ cuộc đụng độ nào hôm qua. "Tình hình đã tốt hơn ngày hôm trước tại các khu vực bạo lực”, Atul Garg, giám đốc sở cứu hỏa Delhi nói với Reuters và cho biết thêm sở cứu hỏa đã huy động thêm xe và nhân lực tới khu vực xung đột.

“Không còn kẻ bạo loạn trên đường phố và xe của chúng tôi đã có thể đến khu vực này”, ông nói.

Nhưng ít nhất hai nhà thờ Hồi giáo ở phía đông bắc thủ đô New Delhi đã bị đốt cháy trong cuộc bạo loạn. Các nhân chứng của Reuters tại một bệnh viện địa phương đã nói chuyện với cả người Ấn giáo và Hồi giáo bị thương đang điều trị tại đây.

Hôm thứ Tư, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) nói trên Twitter rằng cơ quan này quan ngại trước các hành động bạo lực và thúc giục chính phủ Ấn Độ phải kiềm chế đám đông, và bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và những đối tượng khác trở thành mục tiêu tấn công trong đợt bạo lực lần này.

Bạo lực giáo phái, trùng với chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã nổ ra giữa hàng ngàn người biểu tình chia làm hai pheủng hộ và chống lại luật công dân mới được chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đề xuất.

Thủ đô của Ấn Độ đã trở thành tâm điểm của tình trạng bất ổn bắt nguồn từ việc phản đối Đạo luật Quyền công dânsửa đổi, có nội dung giúp những người không theo đạo Hồi từ một số quốc gia Hồi giáo láng giềng có được quyền công dân Ấn Độ dễ dàng hơn.

Phe chỉ trích cho rằng luật này không công bằng đối với người Hồi giáo và làm suy yếu hiến pháp thế tục của Ấn Độ. Đảng Bharatiya Janata của ông Modi phủ nhận rằng họ có bất kỳ sự kỳ thị nào đối với hơn 180 triệu người Hồi giáo ở Ấn Độ.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah, người chịu trách nhiệm trực tiếp về luật pháp và trật tự trong khu vực thủ đô, đã tổ chức nhiều cuộc họp cấp cao hôm thứ Ba để đánh giá tình hình và kêu gọi các chính trị gia tránh các bài phát biểu khiêu khích có thể thổi bùng căng thẳng. 

Hôm qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên tiếng kêu gọi vãn hồi trật tự và hòa bình tại Delhi. Trên Twitter, ông Modi nói điều quan trọng là sự yên bình được khôi phục lại tại thủ đô với hơn 18 triệu dân. ”Hòa bình và hòa hợp là cốt lõi đạo đức của chúng ta. Tôi kêu gọi các anh chị em của tôi ở Delhi duy trì hòa bình và tình huynh đệ mọi lúc mọi nơi”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.