Nâng cao chất lượng bình đẳng giới trong nhà trường Quân đội

Ảnh: Nguyễn Minh
Ảnh: Nguyễn Minh
TPO - Sáng nay (21/6), tại Bắc Ninh, Ban Phụ nữ Quân đội phối hợp với Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu và Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ngoại khóa nội dung nhận thức giới trong các nhà trường Quân đội”.

Bình đẳng giới để phụ nữ phát triển

Thượng tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội khẳng định: “Cuộc tọa đàm được tổ chức với mong muốn từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cần thiết và các cách tiếp cận có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ngoại khóa về bình đẳng giới trong các nhà trường Quân đội”.

Trên cơ sở đó, nắm bắt tình hình thực tế của đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới trong thời gian tới, góp phần thực hiện có hiệu quả một trong hai khâu đột phá của kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội giai đoạn 2016-2020.

Nâng cao chất lượng bình đẳng giới trong nhà trường Quân đội ảnh 1 Tham dự tọa đàm có lãnh đạo, đại biểu nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội. Ảnh: Nguyễn Minh

Theo thượng tá Phùng Thị Phú, những năm qua, Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được triển khai rộng khắp ở các đơn vị, học viện, nhà trường và cơ quan thông tin, báo chí quân đội bằng nhiều hình thức phong phú, gắn kết chặt chẽ với hoạt động thi đua khen thưởng đã tạo cho công tác tuyên truyền, giáo dục trong phụ nữ toàn quân sức sống, sức lan tỏa sâu rộng.

Nâng cao chất lượng bình đẳng giới trong nhà trường Quân đội ảnh 2 Theo Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, từ phong trào “Phụ nữ Quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc” của giai đoạn trước, và hiện nay là phong trào “Phụ nữ Quân đội đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã được hội phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân hưởng ứng tích cực bằng nhiều mô hình hoạt động cụ thể, thiết thực, lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực.

Giáo dục chính quy kết hợp ngoại khóa

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và các vấn đề xã hội - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV), ĐH Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong giáo dục và đào tạo về bình đẳng giới ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo ông Thịnh, Trường ĐH KHXHN đã có một phần tư thế kỷ đào tạo, giáo dục về bình đẳng giới. Sinh viên và học viên sau đại học được tiếp thu kiến thức liên quan đến bình đẳng giới qua các học phần: Giới và phát triển; Xã hội học về Giới; Gia đình học.

Nâng cao chất lượng bình đẳng giới trong nhà trường Quân đội ảnh 3 GS.TS Hoàng Bá thịnh cho biết, bên cạnh những kênh truyền tải kiến thức trong các lớp học chính quy, còn có những hoạt động ngoại khóa khác như hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên của nhà trường, với các chủ đề về nữ sinh viên, về bình đẳng giới vào các dịp 8/3, 26/3 và 20/10...

“Giáo dục chính quy kết hợp với các hoạt động ngoại khóa là phương thức giáo dục bình đẳng giới có hiệu quả. Với việc sử dụng linh hoạt các hình thức giáo dục phù hợp với đối tượng người học, cùng với môi trường giáo dục nhân văn, thân thiện và không phân biệt đối xử, chúng tôi đã tạo dựng được phong trào học tập, nghiên cứu và truyền thông về bình đẳng giới cho các thế hệ sinh viên, học viên sau đại học”, GS.TS Hoàng Bá Thịnh nói.

Với tham luận “Một số kiến nghị từ thực tiễn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bình đẳng giới tại Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS)”, đại tá Cao Trung Hà, Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện KTQS cho biết, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong học viện đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cán bộ, nhân viên, học viên, sinh viên, chiến sĩ nhà trường và góp phần thực hiện bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Nâng cao chất lượng bình đẳng giới trong nhà trường Quân đội ảnh 4  Đại biểu phụ nữ các đơn vị về dự tọa đàm, sáng 21/6

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới ở Học viện KTQS nói riêng và trong các nhà trường quân đội nói chung, đại tá Cao Trung Hà kiến nghị một số giải pháp thiết thực. 

Điển hình là cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung thêm chuyên đề về quyền con người trong chương trình các môn học Nhà nước và pháp luật, Pháp luật đại cương, Quản lý hành chính nhà nước.

Trong đó, nội dung về quyền bình đẳng giới phải quy định rõ hơn về thời lượng nội dung giảng dạy; đồng thời tăng cường phương tiện, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bình đẳng giới bằng cách tập huấn, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, tuyên truyền viên, bổ sung tư liệu, tài liệu tham khảo về bình đẳng giới cho thư viện, tủ sách pháp luật… biên soạn và cấp phát rộng rãi các tài liệu phổ biến pháp luật (sổ tay phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tài liệu giáo dục an toàn giao thông, tài liệu giáo dục giới tính…).

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.