Năm 2016, sẽ có kì thi chung cho THPT và CĐ-ĐH?

Năm 2016, ở Việt Nam có thể sẽ có 1 kì thi chung.
Năm 2016, ở Việt Nam có thể sẽ có 1 kì thi chung.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ đang xem xét để tiến tới có một kỳ thi chung, vừa làm cơ sở công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nhận xét về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng kỳ thi đổi mới là đúng hướng nhưng đáp ứng đúng yêu cầu mong muốn thì chưa.

Nói về tỉ lệ tốt nghiệp THPT hơn 99% của năm 2014, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp phần nào phản ánh kết quả học tập của học sinh phổ thông. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp này sát chất lượng hơn năm trước. Còn để nói kết quả có khách quan hay chưa thì có thể chưa thực sự 100%. Bộ sẽ phân tích kỳ thi một cách toàn diện để làm tốt hơn trong những năm sau”.

PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đánh giá: “Kỷ luật phòng thi, trường thi nghiêm túc hơn nhiều, tỉ lệ sử dụng “phao thi” mặc dù vẫn có nhưng đã giảm. Đề thi đã đáp ứng yêu cầu đổi mới theo hướng tăng câu hỏi mở, khơi dậy khả năng tích hợp kiến thức liên môn.

Thay vì trả lời câu hỏi theo khuôn mẫu có sẵn, học sinh phải giải quyết vấn đề theo năng lực của mình, trên cơ sở sáng tạo của mình, từ kiến thức biết gì sang sẽ làm được gì”. Theo ông Trinh, nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 an toàn, cơ bản nghiêm túc. Kết quả đáp ứng được yêu cầu đổi mới thi và đánh giá học sinh. 

Ông Hiển cũng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ chống tiêu cực quyết liệt hơn để kỳ thi diễn ra một cách công bằng, khách quan. Những cá nhân vi phạm, dung túng cho tiêu cực sẽ bị Bộ xử lý nghiêm. Ngoài ra, để hạn chế tiêu cực Bộ cũng sẽ ra đề theo hướng tăng cường câu hỏi mở nhằm tiến tới triệt tiêu nạn “phao thi”.

Trong buổi họp báo chiều 18/6, trước câu hỏi có nên bỏ kỳ thi này không, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời rằng sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sẽ không thi như hiện nay mà tiếp tục đổi mới để kỳ thi phản ánh đúng hơn, khách quan hơn và đơn giản đến mức độ nhất định, đỡ tốn kém nhất có thể.

Cũng vậy, ông Trinh khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ của các em để từ đó có giải pháp tác động lại người học. Nó có thể hiểu là đợt kiểm định chất lượng để xem chất lượng đào tạo thế nào, từ đó tăng dần chất lượng đào tạo.

Thứ trưởng Hiển cũng cho biết Bộ đang xem xét để tiến tới có một kỳ thi chung, vừa làm cơ sở công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ có thể dựa vào kết quả kỳ thi chung để làm căn cứ xét tuyển sinh một phần hoặc toàn bộ.

Kỳ thi chung này sẽ được tổ chức ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng tốt hơn, đánh giá năng lực học sinh sát hơn, phân hóa tốt hơn khi học lên. “Tiến tới một kỳ thi sát, tin cậy, được xã hội thừa nhận” - ông Hiển khẳng định.

“Hiện Bộ GD&ĐT đang lên lộ trình thực hiện kỳ thi chung, sau đó lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và trình Chính phủ. Bộ GD&ĐT dự kiến kỳ thi chung có thể thực hiện sau năm 2016”- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Còn ông Trinh cho rằng, bước đầu đổi mới kỳ thi còn nhiều điều cần phải hoàn thiện nhưng đã tác động đến quá trình dạy và học trong nhà trường, kỳ thi đã chạm tới việc đổi mới.

Theo Theo Nguoiduatin.vn
MỚI - NÓNG