Mỹ trừng phạt Huawei, nhưng nạn nhân là người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ

Huawei đã có các phương án dự phòng để đối phó với lệnh hạn chế của Mỹ.
Huawei đã có các phương án dự phòng để đối phó với lệnh hạn chế của Mỹ.
TPO - Tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei đã được chuẩn bị kỹ càng cho tình huống phải đối phó với hạn chế của Mỹ, do đó sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung này lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính các doanh nghiệp Mỹ, một chuyên gia tại Quỹ Liechtentein chuyên nghiên cứu về quản lý nhà nước cho biết.

Cơ quan Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ hồi tuần trước đã đưa Huawei và các chi nhánh của nó vào danh sách hạn chế mua bán hoặc chuyển nhượng công nghệ của Mỹ cho Huawei.

Tuy nhiên, công ty con chuyên cung cấp chip HiSilicon của Huawei đáp trả lại rằng, họ sẽ dùng các loại chip (vi mạch) dự phòng đang  phát triển độc lập để đối phó với lệnh cấm này.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập và Chủ tịch của tập đoàn Huawei ngày 21/5 cũng cho biết, lệnh cấm của Mỹ sẽ không tác động tới việc sản xuất các sản phẩm cao cấp như công nghệ 5G và bày tỏ tự tin rằng, các thành tựu tiên phong của Huawei trong lĩnh vực 5G sẽ không có đối thủ trong vòng hai hoặc ba năm nữa.

Trong một bài phỏng vấn với kênh truyền hình toàn cầu của Trung Quốc ( CGTN) ngày 20/5, ông Daniel Levin, thành viên của Hội đồng quản trị Quỹ Liechtenstein, đã trích dẫn các ví dụ từ tập đoàn công nghệ ZTE và tin rằng Huawei cũng sẽ có năng lực vượt qua khó khăn này.

Ông Levin nói: “ Huawei đã chuẩn bị tốt hơn cả ZTE khi bị chính quyền ông Trump đưa vào danh sách bị hạn chế hồi năm ngoái  chủ yếu là do họ đã thực hiện tốt hai điều. Thứ nhất, Huawei đã gia tăng  phát triển năng lực sản xuất chip trong nước và thứ hai là họ đã chuẩn bị kho dự trữ khổng lồ về chip và các linh kiện để sẵn sàng cho tình huống bị đưa vào danh sách đen. Vì thế, tôi tin rằng, Huawei sẽ thích nghi tốt hơn và đây sẽ không phải là “án tử hình” như trong tình huống với ZTE năm ngoái”.

Ông Nhậm Chính Phi không có ý định loại bỏ siêu chip của Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng, công ty đã có các linh kiện dự phòng trong trường hợp thiếu nguồn cung ứng và chỉ ra rằng, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực trong việc tự sản xuất chip của riêng mình.

Trong kế hoạch 5 năm từ 2013- 2017, tổng tỉ lệ tăng trưởng của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đã tăng 21%, nhanh gấp 5 lần so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu.

Điều này đã khiến cho Trung Quốc có thể đảm bảo một thị phần quan trọng trong thị phần  vi mạch toàn cầu. Các chip thiết bị đầu cuối cho các điện thoại thông minh của Trung Quốc chiếm hơn 20% doanh thu của thế giới, trong khi đó chip lõi TV của Trung Quốc chiếm tới 30%.

Trong một tuyên bố của mình hồi tuần trước, Huawei cho rằng, quyết định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ không có lợi cho bất kỳ ai và sẽ tác động tới chính nền kinh tế Mỹ và các công ty đang làm ăn với Huawei.

Chuyên gia Levin cho biết, sự leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung  sẽ làm tổn thương nghiêm trọng người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất của Mỹ.

Ông Levin nói thêm: “  Ngày nay, thương mại Mỹ và Trung Quốc cũng giống như  tất cả các cuộc xung đột khác, nghe thì có vẻ ngọt ngào và cổ động cho tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho tới khi xuất hiện những nạn nhân đầu tiên. Và trong trường hợp này, người tiêu dùng Mỹ, những người phải đóng thuế và các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ sẽ là nạn nhân”.

Bởi lẽ, Huawei mua hơn 11 tỷ USD tổng hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp Mỹ mỗi năm,trong đó 1/3 nhà cung cấp cốt lõi cho Huawei trong năm 2018 là các doanh nghiệp Mỹ.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.