Mỹ, Nhật Bản nguy cơ mất lợi thế công nghệ quân sự trước Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Một tên lửa RIM-161 được phóng thử thành công ở California vào tháng 6/2015. (Ảnh: MDA)
Một tên lửa RIM-161 được phóng thử thành công ở California vào tháng 6/2015. (Ảnh: MDA)
TPO - Các nước như Mỹ và Nhật Bản có nguy cơ mất lợi thế công nghệ quân sự trước Trung Quốc, vì thế nên tăng cường hợp tác để giữ được vị thế vượt trội, một quan chức quốc phòng Nhật Bản phát biểu ngày 27/9.

Cảnh báo được ông Suzuki Atsuo, quan chức của cơ quan giám sát nghiên cứu và phát triển quân sự của Nhật Bản, đưa ra sau khi Washington thành lập liên minh an ninh AUKUS với Anh và Úc, bước đi được hiểu là nỗ lực nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

AUKUS tập trung vào những lĩnh vực liên quan đến quốc phòng như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, an ninh mạng và năng lực dưới nước. Ông Suzuki cho biết Tokyo cũng quan tâm đến những lĩnh vực này.

“Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ sẽ khiến các quốc gia như Nhật Bản và Mỹ đối mặt với nguy cơ mất vị trí vượt trội về công nghệ”, ông Suzuki phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide có cuộc họp với các lãnh đạo "Bộ tứ" khác tại Mỹ.

Gọi sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc là “một cuộc cách mạng công nghệ”, ông Suzuki cho rằng Bắc Kinh có được thành công này là nhờ tận dụng công nghệ dân sự, triển khai Kế hoạch Ngàn người tài...

Khi Nhật Bản đang đối mặt với “môi trường an ninh xấu đi”, ông Suzuki kêu gọi Mỹ và Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, triển khai các sáng kiến chung để củng cố các chuỗi cung ứng quốc phòng và thúc đẩy hợp tác để cùng phát triển công nghệ quân sự mới.

Các nhà thầu quân sự Mỹ và Nhật Bản vẫn đang hợp tác để chế tạo vũ khí hiện đại, như phiên bản mới nhất của RIM-161, hệ thống tên lửa đất-đối-không do hãng Raytheon Industries và Mitsubishi cùng chế tạo.

“Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp nối thành công này để tìm ra dự án hợp tác tham vọng tiếp theo”, ông Suzuki nói, đồng thời cho biết hai bên đang thảo luận nhưng chưa quyết định sẽ làm gì.

Quan chức này đề xuất triển khai một sáng kiến chung để Mỹ và Nhật Bản tìm ra các điểm yếu trong chuỗi cung ứng quốc phòng và chia sẻ thông tin để bù đắp cho thiếu sót của nhau.

Ông cho rằng nếu sáng kiến này thành công, Mỹ và Nhật Bản nên tính chuyện mở rộng thỏa thuận để mời “các quốc gia cùng chung tư tưởng” tham gia.

Nhật Bản là một trong những khách hàng mua vũ khí nhiều nhất của Mỹ. Đề xuất chi 23,1 tỷ USD để mua 105 tiêm kích F-35 của Mỹ trở thành hợp đồng mua vũ khí nước ngoài lớn nhất mà Nhật Bản từng thông qua.

Sách trắng quốc phòng được Nhật Bản công bố hồi tháng 7/2021 nâng cảnh báo rủi ro an ninh vì Trung Quốc tăng cường các chiến dịch tập trận nhằm vào đảo Đài Loan (Trung Quốc). Bắc Kinh tức giận trước bước đi này và cáo buộc Tokyo “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ” của Trung Quốc.

Trong khi làm sâu sắc hợp tác quân sự với Mỹ, Nhật Bản cũng đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Trong năm tài khóa tiếp theo, chính phủ Nhật đề xuất chi 320 tỷ yen (2,9 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng. Ông Suzuki nói rằng khoản đầu tư đó sẽ được chi vào các lĩnh vực giúp “thay đổi cuộc chơi” như không gian vũ trụ, không gian mạng, công nghệ liên quan đến điện từ, AI, hệ thống vi sóng cường độ cao và các loại vũ khí sử dụng công nghệ laser.

Theo AT
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".