Mỹ có thể cô lập Nga khỏi tài chính thế giới

Mỹ có thể sẽ đẩy Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.
Mỹ có thể sẽ đẩy Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.
Theo các cựu quan chức Chính phủ Mỹ và giới chuyên gia, đây là công cụ mạnh nhất Tổng thống Barrack Obama có thể dùng để đối phó với Nga.

Ngày 17/4, Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry sẽ họp bàn với quan chức Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) về tình hình tại miền đông Ukraine. Trước đó, một quan chức đã cảnh báo nếu cuộc nói chuyện này thất bại, Mỹ sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn, nhắm vào những người có liên quan đến của ông Putin và các cơ quan họ quản lý. Các lệnh trừng phạt từng ngành riêng biệt cũng có thể được cân nhắc. Theo giới chuyên gia, nếu được áp dụng, các lệnh này sẽ gây ra những hậu quả rất lớn.

"Vũ khí lớn nhất để trừng phạt sẽ tương tự những gì Mỹ đã làm tại Iran. Việc này căn bản sẽ loại Nga ra khỏi thị trường tài chính quốc tế. Người Nga sợ điều đó và sẽ phải cố gắng chống lại", William Pomeranz – Phó giám đốc Viện nghiên cứu Nga tại Trung tâm Woodrow Wilson cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn hôm qua trên CBS News, ông Obama từ chối cho biết chi tiết kế hoạch. Ông chỉ tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nếu ông Putin không ngừng hỗ trợ nhóm biểu tình đòi ly khai tại Ukraine và rút quân đội ra khỏi biên giới. "Quyết định của ông Putin không chỉ có hại cho Ukraine, mà về lâu dài còn ảnh hưởng tới Nga nữa", ông cho biết.

Bộ Tài chính Mỹ có đủ quyền lực để phong tỏa tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng và các giao dịch thanh toán của Nga. Việc này sẽ khiến Nga bị đẩy khỏi thị trường toàn cầu, Robert Kahn – nhà kinh tế học tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) cho biết.

Đến nay, cơ quan này đã nêu tên Bank Rossiya, hãng khí đốt Crimea - Chernomorneftegaz, một nhóm gồm các lãnh đạo Crimea và tài phiệt có liên quan đến ông Putin. Theo ông Douglas Jacobson – luật sư tại Jacobson Burton, trừng phạt một ngân hàng sẽ có ảnh hưởng lớn hơn một cá nhân hoặc công ty.

"Nó sẽ gây ra phản ứng phụ, do các ngân hàng lớn của châu Âu, Nhật Bản hay nhiều nước khác sẽ ngần ngại giao dịch với nhà băng bị Mỹ trừng phạt", ông nói. Tác động của việc này đã được chứng minh khi Mỹ tuyên bố đưa Bank Rossiya vào danh sách đen, hai hãng thẻ tín dụng MasterCard và Visa đã nhanh chóng cắt dịch vụ với nhà băng này.

Bloomberg cũng dẫn chứng tình hình tại Iran khi đến nay, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt tài chính rất mạnh với nước này. Họ phối hợp cùng châu Âu ngăn không cho Iran tiếp cận dịch vụ ngân hàng và giám sát chặt việc thực thi lệnh trừng phạt.

Tháng 6/2012, ngân hàng ING Groep NV đã phải nộp phạt 619 triệu USD do làm giả số liệu để lách luật làm ăn với Cuba và Iran. Cuối năm đó, HSBC cũng phải nộp gần 2 tỷ USD vì rửa tiền cho các nước bị trừng phạt.

Vì các tấm gương này, JPMorgan Chase thậm chí còn không dám thực hiện một giao dịch gần 5.000 USD cho một công ty Nga không thuộc danh sách trừng phạt. Đầu tháng này, họ mới thanh toán sau khi hỏi ý kiến giới chức Mỹ.

"Hiệu quả của các lệnh trừng phạt tài chính phụ thuộc vào các ngân hàng. Mà họ lại thường e ngại đến mức thực hiện ít giao dịch hơn được phép. Vì thế, các lệnh trừng phạt này sẽ gây ra tác động nghiêm trọng hơn dự tính. Đó chính xác là điều đang xảy ra tại Iran", Paul Pillar – cựu nhân viên CIA cho biết.

Theo Hà Thu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG