Muốn khởi nghiệp phải tự tin và bền bỉ

Bà Nguyễn Phương Anh tại một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Anh tại một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam.
TP - Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Phương Anh, nguyên Giám đốc điều hành Zalora Việt Nam, hiện là Giám đốc tiếp thị Google châu Á - Thái Bình Dương phụ trách thị trường Việt Nam về vấn đề khởi nghiệp đối với giới trẻ. 

Bà Phương Anh cho biết, khởi nghiệp đang là từ khóa được nhắc đến rất nhiều trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Việc giới trẻ khởi nghiệp không còn là vấn đề quá mới mẻ nhưng vẫn luôn được mọi người quan tâm.

Tự tin và bền bỉ

Quan điểm của bà về vấn đề khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam hiện nay?

Khi làm việc ở Việt Nam, tôi nhận ra có rất nhiều bạn trẻ có công việc riêng ở bên ngoài trong khi vẫn đang làm việc toàn thời gian ở một Cty nào đó. Người Việt trẻ cực kỳ đam mê tinh thần khởi nghiệp và sẵn sàng chịu khó để đạt được thành công. Tuy nhiên, tôi vẫn thường khuyên những doanh nhân trẻ hãy thật sự đánh giá thị trường, xác định nhu cầu đối với sản phẩm của mình và đặt sự cam kết vào đó khi đã chọn con đường khởi nghiệp.

Sản phẩm của bạn có thật sự mang giá trị cho người dùng không, liệu mô hình kinh doanh có thể nhân rộng không, vấn đề mà bạn đang cố gắng để giải quyết có đủ làm bạn phấn khích mỗi khi nói về nó trong 5-7 năm nữa? Những người trẻ thường bị hấp dẫn bởi những tiêu đề to lớn trên báo như khởi nghiệp nhận được đầu tư “khủng”, Cty vừa được mua lại… và thường chỉ nghĩ về điểm đến trong chặng hành trình mà quên đi quá trình cần phải đi qua nó như thế nào. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu tự tin trong việc đưa ra quyết định và tăng độ rủi ro. Tự tin là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, tự tin có thể giúp bạn thành công hoặc tự tin thái quá, huyễn hoặc khả năng cũng có thể làm bạn thất bại.

“Tôi nghĩ, một trong những yếu tố quan trọng người trẻ cần quan tâm đó là sự tự tin và bền bỉ. Với tư cách một nhà sáng lập, bạn sẽ phải đi khắp nơi kêu gọi mọi người đầu tư vào mình, phải chịu được áp lực cao khi nhận được đầu tư và sự tin tưởng từ nhà đầu tư. Một vài người có thể sẽ không đóng được một vòng đầu tư nào và bị từ chối hàng nghìn lần. Lúc đó, chỉ có bản thân bạn mới có thể thúc giục chính mình đừng bỏ cuộc và tiếp tục. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự tự tin”. 

Bà Nguyễn Phương Anh chia sẻ

Quan điểm của bà về việc cạnh tranh trong môi trường làm việc là gì?

Gần đây, tôi vừa đọc một cuốn sách về nhà sáng lập Intel nói rằng, toàn cầu hóa có nghĩa là mọi người không chỉ đang cạnh tranh với những người trong Cty mà cạnh tranh với tất cả mọi người trên thế giới. Trong bối cảnh của Việt Nam, điều này có ý nghĩa là: Nếu bạn muốn mình có khả năng cạnh tranh cho dù ở thị trường lao động Việt Nam thì bạn cũng cần đạt được những chuẩn mực của toàn cầu trước đã. Ví dụ, một người làm marketing tốt bởi vì bạn ấy hiểu thị trường nước ngoài và có thể áp dụng vào thị trường marketing Việt Nam.

Theo bà, muốn khởi nghiệp thành công có nên sao chép một mô hình kinh doanh ở nước ngoài về Việt Nam?

trước đây, khi Zalora mới vào Việt Nam, người ta nói sẽ chẳng ai mua hàng thời trang online đâu hoặc như khi Uber vào, nhiều người nói, taxi đầy đường, ai gọi taxi qua ứng dụng điện thoại, nhưng hiện nay tình hình thế nào thì hẳn mọi người đều thấy. Do vậy, theo tôi, mô hình nào cũng có thể áp dụng được cho Việt Nam nếu người lãnh đạo hiểu sâu sắc về thị trường và biết cách truyền thông cho sản phẩm của mình.

Trong khởi nghiệp, chuyện sao chép một mô hình kinh doanh là điều hết sức bình thường. Quan trọng hơn, ai hiểu khách hàng tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và giành được tình cảm từ họ, người đó chiến thắng. Hay nói cách khác: Đừng tập trung vào người khác nói gì. Đừng tập trung vào góc nhìn của nhà đầu tư. Hãy tập trung xem khách hàng của bạn muốn gì.

Không biết tiếng Anh bạn sẽ thất bại

Sự cần thiết của tiếng Anh trong môi trường khởi nghiệp hiện nay thế nào, thưa bà?

Một vài người có thể lập luận rằng nếu tôi chỉ tập trung cho thị trường Việt Nam thôi thì việc không rành rẽ tiếng Anh cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như bạn có thể nói, viết tốt bằng tiếng Anh. Điều đó có thể giúp bạn gọi vốn đầu tư hoặc mở rộng thị trường kinh doanh ra nước ngoài.

Không chỉ vậy, nếu bạn có tiếng Anh sẽ giúp bạn khai thác và đọc hiểu được những nguồn tài liệu quan trọng, kinh nghiệm khởi nghiệp hoặc có thể nói chuyện, chia sẻ được với những người khởi nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Nói tóm lại, nếu không thành thạo ngôn ngữ tiếng Anh thì đó là một thất bại của bạn rồi.

Để khởi nghiệp thành công, giới trẻ cần có những kỹ năng gì?

Một là, phải nắm lấy thách thức và tạo sự khác biệt. Dù nó là sản phẩm gì đi chăng nữa, vấn đề là bạn có làm nó khác biệt hay không. Nó có làm thay đổi cộng đồng hay không, không cần thiết là cả khu vực Đông Nam Á, hay châu Á - Thái Bình Dương, mà có thể chỉ là một thành phố ở Việt Nam. Làm gì đó khác biệt có thể làm bạn sợ hãi lúc đầu, nhưng chắc chắn bạn sẽ được đi trên con đường chưa ai từng đi.

Thứ hai, cần làm được những thứ mà mình thích. Những người thành công hiện nay đều đã phải chọn giữa một công việc được trả lương cao, ổn định với một công việc khác khó khăn hơn một chút nhưng ảnh hưởng mà nó tạo ra rất lớn.

Thứ ba là phải biết cách đặt câu hỏi. Trong khoảng 5 năm làm việc ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng mọi người không thích đặt câu hỏi. Họ được bảo gì làm nấy, không ai hỏi lại tôi rằng cách làm này có đúng không, làm sao để có cách làm tốt nhất. Ví dụ như tại Google các câu hỏi luôn được đặt ra, và mọi người tìm cách giải quyết vấn đề. Đó chính là cách Google đã được tạo ra.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.