Montenegro gia nhập NATO: Phản ứng trái chiều của Nga - Mỹ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic (trái). Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic (trái). Ảnh: Reuters
TPO - Sự kiện Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào hôm qua, 5/6 đã gây ra những phản ứng trái chiều từ Moscow và Washington.

Mỹ hoan nghênh

Trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic cam kết tới năm 2024, nước này sẽ đóng góp 2% GDP vào ngân sách quốc phòng như mục tiêu mà NATO đã đề ra.

Phó Tổng thống Pence cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Montenegro và nhấn mạnh rằng “các nước có quyền được tự do lựa chọn đồng minh mà không nên bị can thiệp với các nước thứ ba.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng việc Montenegro gia nhập NATO là tốt cho hoà bình và an ninh quốc tế, và “giúp gửi tín hiệu đến các quốc gia đang muốn trở thành thành viên NATO rằng nếu thực sự cải cách, thúc đẩy dân chủ, củng cố luật pháp, hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đóng góp vào công cuộc phòng thủ chung của NATO... thì đều có thể gia nhập liên minh”, ông Stoltenberg nhận định.

Với việc kết nạp thêm Montenegro, NATO sẽ hoàn tất sự hiện diện của mình ở vùng biển Adriatic sau khi Hy Lạp, Albania và Croatia đều đã là các nước thành viên của khối.

Mặc dù khả năng quân sự của Montenegro không mạnh, nhưng vị trí địa chiến lược cho phép liên minh quân sự này tăng cường kiểm soát khu vực Balkan.

Nga phản đối

Với quyết định gia nhập NATO, Montenegro lập tức vấp phải lời đe dọa trả đũa của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic có mặt ở Washington (Mỹ) để làm ký kết gia nhập NATO, điện Kremlin đã lên tiếng cảnh báo về việc sẽ đưa ra cách “hành động trả đũa”.

“Montenegro cần chịu trách nhiệm sau khi đồng hành cùng EU trong việc thực hiện biện pháp trừng phạt chống lại Nga vào năm 2014. Theo quan điểm chính trị, mọi hành động đều có những phản ứng ngược lại”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Mối quan hệ giữa Montenegro và Nga đã trở nên tồi tệ sau khi Montenegro tỏ ý muốn gia nhập NATO – liên minh được thành lập năm 1949 và được Moscow coi là một tổ chức chống Nga. Trước đó, Montenegro vốn là một nước thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ và được coi là thành trì của Nga.

Tháng 4/2017, Kremlin đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với rượu vang Montenegro vì lí do vệ sinh. Trước đó, trong năm 2016, Montenegro đã xuất khẩu 10 triệu chai rượu vang sang Nga.

Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic cho rằng động thái này của Moscow được thực hiện trong bối cảnh Montenegro sắp trở thành thành viên của NATO.

Nội bộ chia rẽ

Việc gia nhập NATO được Montenegro thực hiện chỉ 18 năm sau khi tổ chức này ném bom vào các mục tiêu ở Montenegro. Vụ ném bom khiến 500 người thiệt mạng và vẫn là một kí ức đau buồn đối với nhiều người dân nước này.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Montenegro luôn được củng cố chặt chẽ trong gần một thập kỷ sau khi Montenegro tách khỏi Serbia vào năm 2006.

Nhiều người dân Montenegro vẫn coi Nga là một người bạn truyền thống bởi Nga quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Montenegro vào năm 1711.

Hàng năm, có khoảng 200.000 người Nga ghé thăm Montenegro, tương đương gần 1/3 dân số nước này. Khoảng 80.000 người Nga đang sở hữu tài sản ở Montenegro, theo Financial Times.

Kết quả thăm dò hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy có 39,5% dân số Montenegro đồng ý gia nhập NATO và 39,7% dân số có quan điểm ngược lại, theo The Guardian.

Kể từ cuộc bầu cử vào tháng 10/2016 tại Montenegro, quốc gia này đã lâm vào những chia rẽ chính trị sâu sắc.

Một số nhà phân tích lo ngại rằng việc gia nhập NATO vào thời điểm này có thể làm gia tăng khủng hoảng trong nước, tạo ra sự chia rẽ sâu sắc lớn trong xã hội Montenegro.

Theo Theo Reuters, NBC, The Guardian, Financial Times
MỚI - NÓNG