Mọi rợ

TP - Rời sân vận động trên băng ca với mảng đùi đẫm máu là bi kịch của một cổ động viên nữ Hà Nội, còn những kẻ gây ra thảm cảnh đó, bằng cung cách đó- bắn pháo sáng từ khán đài này sang thẳng khán đài kia gây nát đùi, bỏng rẫy, chỉ có thể nói là mọi rợ.

Trận đấu trên sân Hàng Đẫy tối 11/9 đâu chỉ có “điểm nhấn” là vụ chị Huyền Anh bị bỏng đến tận xương. Trước đó nhiều cổ động viên khán đài B đã có khoái cảm đốt pháo sáng để tỏ thái độ, thế rồi sau biến cố Huyền Anh, một số hooligan vẫn tiếp tục đốt pháo. Có thêm hai quả bắn ra nhưng may mắn rơi nóc khán đài, không trúng người. Một khán giả đưa hình ảnh đội trưởng Văn Quyết đang trả lời phỏng vấn sau trận đấu, bị pháo sáng khiêu khích ngay trên đầu.

Tổng kết trận đấu nảy lửa theo cả nghĩa đen nghĩa bóng, có người bình nghe thú vị: “Thua đậm 1-6, cổ động viên Nam Định hạ gục cổ động viên Hà Nội”!

Pháo sáng có giá không hề rẻ, vài trăm nghìn/quả, được dùng chủ yếu cho công tác cứu hộ trên biển. Vì thế nó được bán công khai, mua dễ dàng. Một quả pháo sáng có thể bắn xa 300 mét (thì mới đánh tín hiệu cứu hộ được). Những người thủ món hàng nguy hiểm này vào sân, qua mắt lực lượng an ninh, đã quyết định không chỉ bắn, đốt tiền cho vui để gây thanh thế, mà còn quyết tạo sự kiện chấn động, cho nên thay vì cho nó thăng thiên thì họ nhằm thẳng mục tiêu “đáng ghét” bên kia khán đài.

Từ lúc bắn ra cho đến lúc phát nổ chỉ 2 giây, thành ra không ai kịp trở tay, kịp tránh. Vả lại chắc chẳng ai ngờ có kẻ dám công nhiên hại chết người khác như vậy với tư cách một fan bóng đá. Có clip nọ cận cảnh một phụ nữ khán đài A hoảng loạn vì màn câu pháo. Hành xử mọi rợ thì ai chẳng sợ. Nếu muốn dằn mặt người khác, thì những kẻ kia đã làm được rồi đấy. Có khi còn cạch chả bao giờ dám bén mảng đến sân vận động.

Trên đời này còn sợ gì hơn là bỏng, bị thương hoặc chết vì bỏng. Cổ động viên Huyền Anh phải mổ cấp cứu trong đêm để tẩy độc chất lưu huỳnh làm ra pháo. Sau đó mấy ngày sẽ mổ ghép da, vết thương dài 30 cm, rộng 15 cm. Hai cuộc đại phẫu. Trả lời một báo, Huyền Anh cho biết giờ phút này không nghĩ gì, nhất là không nghĩ đến bóng bánh. Khổ thân cô gái, hôm đó mặc váy ngắn khiến độ sát thương càng cao. Và da quá trắng thành ra những vệt máu trông càng đáng sợ.

Bóng đá nội vốn đã “hoàn cảnh”, gặp khó từ việc gọi tài trợ trở đi. Ngoài chất lượng thi đấu thì còn các vấn đề về trọng tài, bạo lực sân cỏ, cổ động viên thiếu văn hóa…

V-League gần tới khai mạc mới ký được hợp đồng tài trợ chính. Nhà tài trợ mong bóng đá sạch cả trên sân và khán đài mới xem xét tài trợ tiếp hay không. Đội nào cũng có khúc mắc, cấn cá. Riêng Nam Định năm ngoái lao đao, cầu thủ đình công vì nợ lương, một số mạnh thường quân và cổ động viên phải góp tiền thay CLB trả lương cầu thủ. Năm nay may Dược Nam Hà tài trợ mới dễ thở một tí. Thì lại “nổi tiếng” vì bê bối này.

Thử hình dung những kẻ quá khích, không phân biệt từ đâu tới, ngồi khán đài B sân Mỹ Đình ung dung chơi pháo sáng sang các khán đài khác, kể cả khán đài VIP, xoẹt một cái, khi đội tuyển đá, thì sẽ thế nào. Đã gọi là quá khích thì hễ không phải đội nhà đều đáng trừng phạt cả? Cổ động viên Hải Phòng cũng máu mê pháo phiếc lắm, tiếng dữ đồn xa khiến nước bạn run như giẽ, van nài rằng đừng mang sang nước chúng tôi nhé!

Xung quanh vụ việc tày trời vừa qua, được biết các cơ quan hữu trách đang ban qua ban lại quả bóng trách nhiệm cho nhau. Phạt Hà Nội FC 85 triệu đồng và đá trên sân không khán giả 2 trận, phạt Nam Định cũng bằng ấy tiền- có khi chưa là gì đâu, chưa làm nguội những cái đầu nóng, quen hành xử mọi rợ. Một trận bóng, lẽ ra chai nước cũng không được xuất hiện trên sân, đằng này cảnh sát cơ động chạy nháo nhào dập lửa, dập xong ngước nhìn khán đài với cái nhìn bàng hoàng, khó hiểu. Không coi cháy nhà chết người ra mùi mẽ gì, liệu có phải họ muốn một bi kịch kiểu Juventus gặp Liverpool năm 1985 ở cúp UFFA khiến 39 người bỏ mạng, mới tởn?

MỚI - NÓNG