Mộ gió Trường Sa

Quây quần mộ gió Trường Sa nơi Nghĩa trang liệt sĩ Đà Nẵng
Quây quần mộ gió Trường Sa nơi Nghĩa trang liệt sĩ Đà Nẵng
TP - Ít ai biết Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng hiện có 6 trong số 7 ngôi mộ gió của những liệt sĩ Trường Sa hy sinh năm 1988 khi bảo vệ đảo chìm Gạc Ma. Có người mẹ già cứ đến ngày giỗ chung 14-3 lại mặc lên mình chiếc áo hải quân ngày nào của con để lên thăm mộ.

> Bài 2: 40 năm mơ các con về
> Bài 1: Kỷ vật cuối cùng 

Quây quần mộ gió Trường Sa nơi Nghĩa trang liệt sĩ Đà Nẵng
Quây quần mộ gió Trường Sa nơi Nghĩa trang liệt sĩ Đà Nẵng .

Linh thiêng mộ gió

Những ngôi mộ đều tăm tắp ốp đá granito nơi nghĩa trang thành phố sáng bừng trong nắng gió. Dưới gốc cây lớn nhất nghĩa trang sau lưng tượng đài có một chùm ngôi mộ quây quần, mà nếu không đọc tên liệt sĩ và ngày hy sinh, sẽ không biết đó là mộ gió của những người lính hải quân ngã xuống đảo chìm Gạc Ma – Trường Sa 23 năm về trước.

Ngay người quản trang Phan Văn Nuôi cũng tỏ ra hơi bất ngờ về chuyện ấy, khi tôi cùng ông ra thăm mộ. Đã có những vòng hoa tươi của nhiều cơ quan doanh nghiệp, có lẽ đoàn viếng từ lúc sáng.

Ra đảo nhỏ Lý Sơn (Quảng Ngãi), từng gặp hàng trăm mộ gió của những người lính Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước. Giờ là mộ gió Trường Sa. Sáu dòng tên: Phan Văn Sự, Trương Quốc Hùng, Lê Văn Xanh, Trần Tài, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Lợi, khác nhau năm sinh tháng đẻ, nhưng cùng là người Đà Nẵng, cùng hy sinh một ngày 14-3-1988. Và cùng để lại xương thịt nơi biển khơi.

Nhớ câu chuyện lúc sáng với mẹ Huỳnh Thị Kế (80 tuổi) trong ngôi nhà thấp bé, đồ đạc tuềnh toàng khuất sâu trong con hẻm nhỏ đường Núi Thành (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). Con mẹ, liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, lúc trước cũng được thành phố lập mộ gió tại đây, là ngôi mộ thứ 7. Nhưng sau rồi vợ chồng tuổi già đau yếu, neo đơn, mẹ xin di dời con trai về quê nhà nơi nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) để gần bớt một đỗi đường.

Mộ gió, di dời thì vẫn chỉ là mộ gió. Nhưng dù chỉ là nắm đất mang từ nơi này đến nơi khác, vẫn chất chứa trong đó phần tâm linh – sợi dây liên lạc giữa người đã khuất và người còn sống. Trong số 7 liệt sĩ Trường Sa lập mộ gió nơi đây, chỉ duy nhất gia đình liệt sĩ Lê Văn Xanh nặn hình nhân thế xác. Ông Lê Văn Xuân (ở đường Nguyễn Thành Ý, phường Hòa Cường Nam), cha liệt sĩ Xanh, bùi ngùi: Cháu nó là con đầu trong 8 anh em, đàn giỏi, hát hay, tính tình sôi nổi. Không biết có quá tâm linh không, nhưng có những chuyện không thể không nghĩ.

Mấy năm sau ngày Xanh hy sinh, thì em gái út sinh năm 1983 cũng chết đuối ở sông Đò Xu gần nhà cũ. Nhiều người bảo Xanh thấy đứa em gái mình thương yêu nhất nhà, lại bị bệnh về thần kinh rất khổ tâm, nên đã về dẫn em đi, giờ hai anh em đang vui đùa bên nhau. Hay như người yêu, mấy năm sau ngày Xanh hy sinh đã đi lấy chồng. Nhưng cuộc hôn nhân không thành, cô ấy, nghe nói, đã lên chùa …

Hằng năm, cứ đến ngày giỗ chung 14-3 (26 tháng giêng âm lịch), ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27-7, và dịp tảo mộ, những người cha mẹ già lại gặp nhau bên mộ gió linh thiêng của những đứa con.

Mẹ Lê Thị Muộn với chiếc áo mang hơi ấm đứa con trai Ảnh: Tr.T
Mẹ Lê Thị Muộn với chiếc áo mang hơi ấm đứa con trai. Ảnh: Tr.T .
 

Mẹ vẫn mặc tấm áo của con

Riêng với mẹ Lê Thị Muộn (ở đường Hàn Thuyên, phường Hòa Cường Bắc), mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, thì ngày 14-3 cũng chính là ngày giỗ của chồng, ông Phan Văn Bé. Mẹ kể: 5 giờ sáng ngày hôm ấy, nghe tin trên đài báo tin đảo của ta bị tấn công, nhiều chiến sĩ hy sinh. Ông Bé lúc ấy đang ốm nặng, linh cảm về chuyện chẳng lành xảy đến với con trai khiến ông lịm đi. Đến 3 giờ chiều ông mất.

Đến nhà khi mẹ vừa đi dự gặp mặt ngày thương binh liệt sĩ ở quận Hải Châu về. Mẹ kể không hiểu sao từ đầu tháng 7 này, mẹ bỗng khỏe ra, đi lại được nhiều. Chứ thường ngày cái tuổi 80 khiến mẹ đau yếu, khó nhúc nhắc chân tay. Nhắc đến kỷ vật, mẹ lấy ra cái áo khoác bằng vải kaki trắng cổ khoét tròn trông lạ mắt.

Thì ra sau ngày Sự hy sinh, đồng đội gửi về bộ quân phục hải quân, mẹ đã tự tay tháo ra may lại thành cái áo khoác cho mình để mặc mỗi khi lên mộ thăm con, và những dịp gặp mặt 27-7 hàng năm. Còn cổ áo và viền tay sọc ngang kiểu hải quân thì mẹ cất kỹ trong tủ. Rồi như mọi lần, mẹ lặng lẽ mặc hơi ấm của đứa con lên người, đôi tay run run cài từng hột nút.

Mẹ kể, mấy năm trước đơn vị cũ của con tìm về gia đình lấy mẫu máu và ADN của người trong gia đình. Bởi trước đó tìm được một số xương cốt quanh khu vực anh em hy sinh. Nhưng sau đó không có hồi âm, cũng có nghĩa không phải di thể của những liệt sĩ Đà Nẵng, của con mẹ. Để rồi những ngôi mộ gió vẫn nguyên vẹn là những ngôi mộ gió.

Trưa, ghé thăm nhà mẹ Huỳnh Thị Kế, khi mẹ đang xúc cơm cho chồng bị tai biến. Ngồi một lúc, mẹ lặng lẽ ra thắp nhang nơi ban thờ ngoài sân. “Con ơi, Đoàn ơi! Sáng nay quận mời mẹ lên gặp mặt để nhớ tới con. Nhiều người hỏi thăm con. Mẹ cũng soạn sửa rồi, ngày mai mẹ về mộ thăm con...”. Người mẹ tuổi 80 đầu tóc bạc phơ, gương mặt trầm mặc lầm rầm nói chuyện hồi lâu với đứa con trai.

Hỏi mẹ sao thờ con trai ở ngoài sân, mẹ bảo: “Cái chết của nó thiêng liêng lắm, trở thành “nhân thần” rồi, mẹ nghe người ta nói vậy, và bày cho mẹ thờ ngoài này”. Thời gian dằng dặc, chiếc áo hải quân ngấm biển mặn Trường Sa đồng đội con mẹ gửi về, nay đã mục nát. Trong căn nhà cũ kỹ, mẹ cũng chẳng còn chút gì di vật của con, ngoài tấm ảnh để thờ.

Qua di ảnh, chàng trai Nguyễn Phú Đoàn trẻ trung, mạnh mẽ trong quân phục hải quân. Mẹ bảo ảnh gốc nó có đeo súng, nhưng ảnh cũng bị nhòe mờ, mẹ đưa thợ ảnh sửa lại, chỉ giữ lại được khuôn mặt, còn khẩu súng thì không. Giờ đây, mẹ chỉ còn biết giữ hình ảnh con trong tâm tưởng.

Ông Lê Văn Xuân với di vật thấm đẫm muối và máu mặn Trường Sa
Ông Lê Văn Xuân với di vật thấm đẫm muối và máu mặn Trường Sa .

Ông Lê Văn Xuân chỉ giữ lại được tấm yếm hải quân của con trai Lê Văn Xanh, nay cũng đã mục rách nhiều chỗ do ngấm nước biển. Có mấy lá thư ngày ấy Xanh gửi về nhà, thì bên quân khu vừa mượn về để quay phim tư liệu. Ông bảo, sáng mai, ngày 27-7, ủy ban phường Hòa Cường Nam tổ chức xe đưa ông và thân nhân các liệt sĩ tại địa phương lên Nghĩa trang liệt sĩ thành phố để dự lễ tưởng niệm.

Xung quanh những ngôi mộ gió Trường Sa nơi đồi núi Hòa Khương (huyện Hòa Vang), lại là cuộc gặp lại của những người cha, người mẹ tuổi tác đã run rẩy với thời gian. Lại là những lời thầm thì, những giọt nước mắt, những câu chuyện mới về làng xóm, bạn bè với những đứa con mà xác thân đã gửi lại nơi trùng xa biển đảo quê hương…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG