Máy bay trật đường băng: Kịch bản nào khi 2 sân bay lớn cải tạo, nâng cấp?

TP - Sự cố máy bay hạ cánh trượt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất khiến sân bay phải tạm đóng cửa, kéo theo nhiều chuyến bay bị hoãn, huỷ, nhiều sân bay bị ách tắc, dù mới chỉ mở cửa đường bay nội địa sau dịch COVID-19.

Dự kiến, cuối tháng 6 này, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) được triển khai, sẽ ảnh hưởng tới việc khai thác 2 sân bay lớn nhất nước khi mỗi sân bay phải tạm đóng cửa 1 đường băng, chỉ khai thác 1 đường băng. 

Sự cố ngoài ý muốn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, sự cố không ai mong muốn. Khi xảy ra sự cố, các bên liên quan cùng nỗ lực xử lý, để sớm đưa hoạt động bay trở lại bình thường, giảm thiểu thiệt hại, giảm ảnh hưởng tới hành khách. Hoạt động bay nội địa sau dịch COVID-19 mới được khởi động trở lại, thời gian tới ngành hàng không có thể mở 1 số đường bay quốc tế, khi đó sức ép là không nhỏ.

Tại đường băng xảy ra sự cố, phải tới 5h sáng hôm sau (15/6) tàu bay mới được kéo đi để sửa chữa và mở đường bay vào 8h30. Cũng may 1 đường băng được tạm đóng trước đó để khảo sát phục vụ nâng cấp, chưa khởi công sửa chữa nên được mở lại để thay thế đường băng gặp sự cố vào chiều tối 14/6.

Tới đây, khi sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải đóng cửa 1 đường băng/sân bay để sửa chữa, các phương án ứng phó sự cố, điều hành khai thác sẽ được tính tới cho mọi khả năng. Cục Hàng không điều tiết chung.

“Khi chỉ khai thác 1 đường băng, chắc chắn sẽ có rủi ro. Các sân bay dự bị cho sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng sẵn sàng phương án tiếp nhận máy bay chuyển hướng nếu sân bay chính gặp sự cố phải tạm dừng khai thác. Để các sân bay dự bị cũng không quá tải, hạn chế ảnh hưởng, cần sự phối hợp điều hành từ Cục Hàng không đối với các đơn vị, trong đó có đơn vị quản lý bay”, ông Phiệt nói.

Theo lãnh dạo ACV, các cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng sẵn sàng phương án, chuẩn bị nhân sự, thiết bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục sự cố nhanh nhất, nếu xảy ra.

Về phía điều hành bay, Tổng Giám đốc Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam (VATM) Đoàn Hữu Gia cho hay, khi 1 đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải tạm thời đóng cửa để phục vụ sửa chữa, nâng cấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động khai thác bay. Khi chỉ còn 1 đường băng hoạt động, nếu có sự cố, sân bay sẽ phải tạm đóng, tương tự như sân bay Tân Sơn Nhất phải tạm đóng cửa khi xảy ra sự cố hôm 14/6.

Dù vậy, theo ông Gia, VATM sẽ điều chỉnh hoạt động bay, những máy bay đã cất cánh có thể phải chuyển hướng hạ cánh ở sân bay dự bị hoặc quay trở lại sân bay xuất phát để đợi khắc phục sự cố, cách nào thuận lợi hơn cho khai thác sẽ được sử dụng. “Tuỳ tình hình thực tế, các đơn vị sẽ phối hợp để điều hành đảm bảo an toàn nhất, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng”, ông Gia nói.

Ðiều chỉnh khai thác phục vụ sửa chữa

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan về phương án khai thác sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài khi nhu cầu khai thác nội địa tăng và 1 đường băng phải đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp. Theo đó, với sân bay Nội Bài, Cục Hàng không yêu cầu đơn vị khai thác cảng nghiên cứu, bố trí tàu bay đỗ qua đêm tại đường cất hạ cánh 11R/29L trong thời gian đường băng này đóng cửa để thi công đường lăn S7B.

Máy bay trật đường băng: Kịch bản nào khi 2 sân bay lớn cải tạo, nâng cấp? ảnh 1

Hành khách ùn ứ tại nhà ga quốc nội sân bay Nội Bài chiều 14/6, do ảnh hưởng từ sự cố máy bay Vietjet, khiến sân bay Tân Sơn Nhất phải tạm đóng cửa Ảnh: Đình Thắng

Với sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị khai thác cần nghiên cứu phương án sử dụng linh hoạt một phần diện tích nhà ga hành khách quốc tế để khai thác các chuyến bay nội địa trong trường hợp quá tải nhà ga hành khách quốc nội. Cục Hàng không cũng yêu cầu ACV, VATM, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất cùng phối hợp đánh giá, xác định giới hạn khai thác tại 2 sân bay này khi 1 đường băng phải đóng cửa để nâng cấp, báo cáo Cục để điều phối chỗ đỗ cho phù hợp.

Với các hãng hàng không, Cục Hàng không yêu cầu cung cấp kế hoạch khai thác và nhu cầu đỗ máy bay qua đêm tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; phối hợp với các cảng hàng không xây dựng phương án đỗ tàu bay; nghiên cứu và triển khai tái cơ cấu mạng đường bay để hạn chế tăng số lượng máy bay đỗ qua đêm tại 2 sân bay này; tăng cường làm thủ tục hành khách qua hình thức onlines, các ki-ốt check-in để giảm tải lưu lượng hành khách tại các quầy thủ tục trực tiếp.

Theo Bộ GTVT, dự kiến sẽ khởi công 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 6 này, hoàn thành vào năm 2021. Trong quá trình thi công sửa chữa vẫn đảm bảo an toàn khai thác 2 sân bay.

Về sự cố máy bay hạ cánh trượt đường băng sân bay Tân Sơn Nhất trưa 14/6, Cục Hàng không cho hay, tới 5h sáng 15/6, chiếc máy bay gặp sự cố đã được kéo khỏi đường băng, đường băng được mở cửa hoạt động bình thường trở lại lúc 8h30 cùng ngày. Cục Hàng không đã lập tổ điều tra; tổ bay gồm 2 phi công người nước ngoài và 6 tiếp viên bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Cục Hàng không sẽ tiến hành giải mã hộp đen máy bay, đọc ghi âm buồng lái phi công và phân tích dữ liệu chuyến bay để xác định nguyên nhân, làm rõ sự cố.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng 9/6/2020. Theo đó, về việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 công bố các vùng, địa bàn an toàn để từng bước mở lại chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắc chắn, có hướng dẫn cụ thể việc cách ly đối tượng nhập cảnh.

Về các địa điểm mở lại chuyến bay, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, Y tế, GTVT cân nhắc cụ thể, trước mắt lựa chọn một số địa điểm để mở chuyến bay quốc tế sớm như: Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Lào… trên cơ sở tình hình chung, có phương thức quản lý cụ thể song không nên mở ồ ạt. Các chuyến bay này cũng phải thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.