Mặt nạ vàng cổ đại phát hiện tại Peru được sơn bằng máu người

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Live Science
Ảnh: Live Science
TPO - Chiếc mặt nạ 1.000 năm tuổi trên đầu của một bộ xương cổ đại tìm thấy ở Peru được sơn bằng máu người, theo nghiên cứu mới công bố.

Các nhà khảo cổ học thuộc Dự án Khảo cổ học Sicán đã khai quật được chiếc mặt nạ bằng vàng khi đang khai quật một ngôi mộ cổ ở Peru. Ngôi mộ có niên đại khoảng năm 1000 sau Công nguyên, thuộc về một người đàn ông trung niên thuộc nền văn hóa Sicán cổ đại, sinh sống ở bờ biển phía bắc Peru từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14.

Bộ xương sơn màu đỏ tươi như chiếc mặt nạ, được phát hiện trong tư thế ngồi lộn ngược và không có đầu giữa một ngôi mộ hình vuông sâu 12 mét.

Phần đầu tách ra một cách có chủ ý khỏi bộ xương, được đặt ngay phía bên trên ngôi mộ và che bằng một chiếc mặt nạ sơn đỏ. Bên trong lăng mộ, các nhà khảo cổ phát hiện 1,1 tấn kho báu và bộ xương của bốn người khác: hai phụ nữ trẻ được sắp xếp ở vị trí của bà đỡ và một phụ nữ sinh con, và hai đứa trẻ được sắp xếp ở vị trí cao hơn.

Tại thời điểm khai quật, các nhà khoa học xác định sắc tố đỏ trên mặt nạ là chu sa, một loại khoáng chất có màu đỏ tươi được tạo thành từ thủy ngân và lưu huỳnh. Dù bị chôn sâu dưới lòng đất hàng nghìn năm, bằng cách nào đó, lớp sơn đỏ - dày từ 1 đến 2 mm - vẫn bám chặt trên mặt nạ. Các tác giả viết rằng: "Danh tính của vật liệu kết dính giúp lớp sơn đỏ tồn tại lâu như vậy vẫn còn là một bí ẩn".

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã phân tích một mẫu nhỏ sơn đỏ để xem liệu họ có thể tìm ra câu trả lời cho bí ẩn này hay không.

Đầu tiên, với kỹ thuật quang phổ hồng ngoại sử dụng ánh sáng hồng ngoại để xác định các thành phần của vật liệu, họ phát hiện rằng có các protein trong lớp sơn màu đỏ. Sau đó, họ sử dụng khối phổ, một phương pháp có thể phân loại các ion khác nhau trong vật liệu dựa trên điện tích và khối lượng của chúng, để xác định các protein cụ thể.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lớp sơn màu đỏ có chứa sáu loại protein được tìm thấy trong máu người. Sơn cũng chứa các protein có nguồn gốc từ lòng trắng trứng. Các protein đã bị phân hủy mạnh, vì vậy khó có thể xác định trứng đến từ loài chim nào, nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng đó có thể là vịt Muscovy (Cairina moschata), theo một tuyên bố.

Các tác giả viết trong nghiên cứu: “Sơn làm từ chu sa thường được sử dụng trong bối cảnh của giới tinh hoa xã hội và các vật dụng quan trọng về mặt nghi lễ”. Trong khi chu sa bị hạn chế và chỉ dành cho giới thượng lưu, những người không phải giới thượng lưu đã sử dụng một loại sơn khác làm từ đất son để sơn lên các đồ vật.

Các nhà khảo cổ trước đó đã đưa ra giả thuyết rằng cách sắp xếp các bộ xương trong lăng mộ đại diện cho mong muốn "tái sinh" nhà lãnh đạo Sicán đã qua đời, theo tuyên bố. Để sự tái sinh này diễn ra, người cổ đại có thể đã phủ toàn bộ bộ xương trong lớp sơn đỏ tươi này, có lẽ để tượng trưng cho máu hay "sinh lực", theo các tác giả viết.

Một phân tích gần đây cho thấy người Sicán đã hiến tế người sống bằng cách cắt cổ và phần trên của ngực để tối đa hóa lượng máu chảy ra. Vì vậy, "từ góc độ khảo cổ học, việc sử dụng máu người trong sơn không có gì là đáng ngạc nhiên".

Theo Live Science
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.