Masan tính chi 1.700 tỷ đồng mua gọn Vinacafe Biên Hoà

TPO - Với việc chào mua công khai 31,5% cổ phần Vinacafe Biên Hoà còn lại đang thuộc nhóm cổ đông khác nắm giữ (một quỹ và một số cổ đông), Tập đoàn Masan dự tính sẽ bỏ khoảng 1700 tỷ để hoàn tất việc sở hữu 100% cổ phần doanh nghiệp này.

Trong một diễn biến bất ngờ, cuối chiều qua 5/12, CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã chính thức thông tin về việc Công ty TNHH Một thành viên Masan Beverage (MB), công ty con của CTCP Hàng tiêu dùng Masan sẽ chào mua công khai toàn bộ cổ phần của Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF). Mức giá Masan Beverage dự định chào mua là 202,000 đồng/cp nhằm tăng tỷ lệ sở hữu hiện có từ 68.5% lên 100%.

Đồng thời, HĐQT VCF cũng có nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức với mức 66,000 đồng/cổ phiếu, từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dự kiến khoảng 2,000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2017.

VCF hiện đang có gần 26.6 triệu cp đang lưu hành, như vậy ước tính Công ty sẽ chi ra khoảng hơn 1,750 tỷ đồng để thực hiện đợt tạm ứng cổ tức này. Trên sàn, giá cổ phiếu VCF đang giao dịch tại 215,000 đồng/cp (kết thúc phiên 05/12), tăng 340% so với thời điểm niêm yết và khoảng 27% trong 1 năm qua. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch bình quân của VCF không cao, chỉ 369 cp/phiên trong 1 năm qua.

Theo đại diện Masan, giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 1/2018 và thực hiện theo sự phê chuẩn của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc mua để tăng tỷ lệ sở hữu của Masan tại VCF được Masan thông tin cho hay dựa trên ý nghĩa chiến lược của ngành cà phê và cơ hội sinh lời cao cho cổ đông trong tương lai.

Dưới sự quản lý của Masan, doanh thu của VCF từ 2,115 tỷ đồng vào năm 2012 lên 3,308 tỷ đồng vào năm 2016. Với mức giá chào mua và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt này thì tỷ suất sinh lời cho cổ đông trong giai đoạn 2012–2017 từ khi Masan sở hữu cổ phần chi phối là 3.4 lần.

Những năm qua, Masan đã thể hiện quyết tâm rất lớn muốn "thâu tóm" doanh nghiệp này. Cách đây hơn 5 năm, ngày 9/11/2012, Masan đã mua vào và nắm giữ hơn 50,11% cổ phần của Vinacafe.  Việc hỗ trợ đầu tư vào các vùng nguyên liệu cà phê cũng được Masan tiến hành thông qua Vinacafe Biên Hoà (ví như xây dựng cả quỹ hỗ trợ hàng trăm tỷ để rót cho người dân tại Tây Nguyên tái canh, và xây dựng vùng nguyên liệu).

Việc nắm giữ Vinacafe không chỉ giúp Masan tiến sâu vào lĩnh vực đồ uống khó tính này tại Việt Nam mà hơn cả, sẽ là cơ hội lớn khi đi ra thế giới.

MỚI - NÓNG