Lũ lụt lịch sử tại Quảng Ninh: 'Điểm nóng' Mông Dương

Lũ bùn đã chôn vùi nhiều nhà cửa tài sản của người dân ở phường Mông Dương. Ảnh: Như Ý.
Lũ bùn đã chôn vùi nhiều nhà cửa tài sản của người dân ở phường Mông Dương. Ảnh: Như Ý.
TP - Gần 200 hộ dân tháo chạy trong đêm tối để thoát khỏi dòng lũ bùn kinh hoàng cuồn cuộn ập về trong chớp mắt. Ám ảnh về trận lũ kinh hoàng, nhiều hộ dân không dám quay trở về nhà do nguy cơ vỡ đập chắn khu đổ xỉ thải ở Mông Dương đang thường trực.

Đêm kinh hoàng

Ánh mắt thất thần của bà Ngô Thị Dinh (59 tuổi, người dân tổ 2, khu 4, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả), khiến người đối diện không khỏi đau xót, khi kể lại đêm kinh hoàng mà cả gia đình phải đạp cửa bỏ chạy để thoát khỏi dòng lũ bùn khổng lồ đổ sập từ trên cao xuống khu vực nhà bà Dinh và hàng xóm đang sinh sống. Là người làm ở các mỏ than thâm niên tới 30 năm nhưng chưa bao giờ bà Dinh chứng kiến cảnh tượng lũ bùn kinh hoàng đến như vậy.

“Cả cuộc đời gắn bó với ngành than, hai vợ chồng tích cóp hàng chục năm, xây được căn nhà hai tầng, sắm được số đồ dùng gia đình khá tiện nghi nhưng trận lũ kinh hoàng đêm 28/7 đã chôn vùi tất cả. Trong đêm tối tôi chỉ biết hét lớn gọi hàng xóm cùng lao ra khỏi nhà để tránh dòng lũ bùn cao hơn nóc nhà từ độ cao hàng chục mét sầm sập xuống khu dân cư chúng tôi đang sống”, bà Dinh ứa nước mắt nói.

Sau trận lũ bùn, bà Nguyễn Thị Hiền (tổ 4 khu 3, phường Mông Dương) sụt 2 kg. “Giờ nhớ lại cảnh dòng lũ bùn như con trăn khổng lồ cao cả chục mét từ từ, trong đêm tối, tiến vào khu dân cư, nuốt chửng từng căn nhà trong tiếng đổ vỡ, tiếng kêu thét của người già, trẻ nhỏ mà tôi vẫn còn chưa hết bủn rủn chân tay”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, phần lớn người dân ở khu vực phường Mông Dương đều là công nhân hoặc đã từng là công nhân của Cty CP Than Mông Dương. Trận lũ bùn do mưa lớn gây ra đêm 28/7 tràn qua đập 790 của bãi đổ xỉ thải cuốn theo toàn bộ cơ nghiệp của người dân ở đây. Những kỷ niệm, thành quả lao động cả đời của người công nhân mỏ giờ chỉ còn là quá khứ. Tài sản giá trị duy nhất của họ chính là bộ quần áo mặc trên người.

“Từ hai ngày nay, nhà cửa không còn, gia đình tôi phải sống nương nhờ ở Nhà văn hóa của Cty CP Than Mông Dương-Vinacomin cùng 64 hộ dân khác trong khu phố. Đây giờ là ngôi nhà chung của hơn 200 khẩu. Cty hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Lãnh đạo Cty Mông Dương và Khe Chàm hàng ngày động viên và cung cấp thực phẩm cho chúng tôi ăn trưa, ăn tối. Nhiều nhóm từ thiện khác đến nấu cơm, cháo hỗ trợ chúng tôi những ngày qua khiến chúng tôi thấy được an ủi nhiều”, bà Hiền nói.

Rời nghề mỏ chừng 6 năm, bà Vũ Thị Tơ (tổ 4, phường Mông Dương) tưởng chừng được an nhàn bên người con trai duy nhất hiện là công nhân cơ điện lò của Than Mông Dương (chồng bà Tơ đã mất). Tuy nhiên, đêm định mệnh đã xóa tan mọi thành quả mà gia đình đã xây dựng được sau cả cuộc đời làm công nhân mỏ. Nữ cựu công nhân mỏ và con trai phải di dời đến sống tá túc trong căn nhà cấp 4 của người em trai, cũng làm công nhân mỏ, ở gần đó.

“Đến giờ tôi vẫn còn sợ. Không dám về nhìn lại chỗ đó. Đêm đó thật đáng sợ. Quần áo cũng không kịp rút. Chúng tôi chỉ biết chạy khỏi nhà đến khi thấy an toàn mới dám dừng lại. Giờ tuổi cao sức yếu, tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo xem xét cho chúng tôi được ổn định chỗ ăn ở, ổn định cuộc sống để làm lại từ đầu”, bà Tơ xúc động.

Dồn sức giải cứu mỏ Mông Dương

Liên tục trong hai ngày qua, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) huy động hàng trăm phương tiện cùng công nhân của các công ty mỏ và lực lượng chức năng liên tục gia cố, sửa chữa con đường dẫn vào và gia cố thân đập 790 đề phòng nước lũ, bùn tràn qua phá vỡ đập. Từ trên cao, khu nhà của hàng chục hộ dân khu H10 (phường Mông Dương) chìm lỉm trong dòng lũ bùn. Những ngôi nhà cấp 4 bùn ngập tận nóc.

Khu nhà điều hành của Cty CP Than Mông Dương thành tổng hành dinh với những cuộc họp, làm việc liên tiếp của lãnh đạo tỉnh, thành phố với công ty. Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Cty CP Than Mông Dương cho biết, mưa lớn kéo dài khiến tình hình ở khu mỏ khá nguy. Lượng nước tràn vào các đường lò của công ty chủ yếu xuất phát từ các moong lộ thiên đang đầy nước do mưa lũ.

“Khu mỏ có 3 máy bơm với công suất bơm 6.000m3/h, đủ đảm bảo bơm nước khỏi mỏ. Tuy nhiên, lũ về lớn đã làm hỏng một máy bơm từ ngày 29/7. Tập đoàn đã chỉ đạo bên Khe Chàm chi viện 2 máy bơm công suất 1.200m3/chiếc để bơm nước ở độ sâu -79,5m. Đáng lo ngại nhất hiện nay, nước chảy về lò với lượng lên tới 7.100m3/h. Chúng tôi đang cố duy trì cầm cự bơm nước khỏi lò để bảo vệ tầng khai thác từ -79,5m đến -250m. Nếu tình hình không có thay đổi, trong những ngày tới, trong trường hợp xấu nhất, để mất mỏ thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Mất tầng này tương đương sản lượng khai thác 1,5 triệu tấn than/năm. Hiện Cty đã đầu tư vào mỏ 2.000 tỷ đồng. Đây sẽ là thiệt hại rất lớn, không thể ước tính được”, ông Tuấn cho biết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản và Cty phải làm hết biện pháp để bảo vệ cho mỏ. Thành phố và địa phương phải tập trung lo ổn định đời sống cho người dân. “Nếu nước lũ vẫn lớn thì phải tính tới phương án chấp nhận xả nước bơm ra sông Mông Dương. Cần thiết, sẽ tiếp tục tiến hành di dời dân hai bên bờ sông Mông Dương. Bằng mọi cách không để nước lũ tràn ra vỡ đập, gây phá trạm biến áp 110kV. Khi đó mọi việc sẽ rất kinh khủng”, ông Hậu yêu cầu.

Chiều 30/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu và Đại tá Nguyễn Bảo Anh, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Đông Bắc thăm, tặng quà cho gần 70 dân phải di dời ở phường Mông Dương chiều 30/7. Phó Chủ tịch Đặng Huy Hậu cho biết sẽ làm việc với Vinacomin và Cty than để lên phương án ổn định đời sống cho người dân. “Nguyện vọng của bà con là di dời khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bãi đổ xỉ thải, có nhà mới để ở. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đáp ứng nguyện vọng của bà con”, ông Hậu nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.