Lớp học tình thương vùng biên viễn

Thượng uý Giàng A Trú vừa là cậu, chỉnh lại trang phục cho anh em Khoa trước khi đến trường. Ảnh: Xuân Tùng.
Thượng uý Giàng A Trú vừa là cậu, chỉnh lại trang phục cho anh em Khoa trước khi đến trường. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Không chỉ làm nhiệm vụ canh giữ biên cương, các chiến sỹ biên phòng dạy học xoá mù chữ cho nhiều mảnh đời, cũng như mang hơi ấm gia đình, nâng cánh ước mơ đến trường của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Nuôi dưỡng trẻ mồ côi

Hơn một năm nay, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, Lào Cai) là mái ấm của hai anh em Ma Seo Khoa (9 tuổi) và Ma Seo Xuyên (8 tuổi). Cán bộ, chiến sỹ công tác tại Đồn là người thân. Nhìn cách anh em Khoa ríu rít giới thiệu phòng ngủ, góc học tập và những góc vui chơi thường ngày trong Đồn rất ra dáng “chủ nhà”. Nếp sinh hoạt giờ giấc cả hai đứa trẻ đều tăm tắp theo môi trường quân đội.

Khoa là con thứ ba và Xuyên là con út trong gia đình nghèo đông con ở bản Mông xã Dìn Chin. Bố mẹ Khoa kết hôn sớm, trong vòng 6-7 năm, 4 chị em Khoa nối tiếp ra đời khiến cái nghèo, cái đói thường trực vây quanh. Năm 2015, anh Ma Seo Dín - bố bọn trẻ ra đi vì lao lực để lại cho vợ 4 đứa con nheo nhóc, đến cái ăn, cái mặc còn chưa đủ, huống hồ chuyện đến trường. Tuy nhiên, giấc mơ đến trường của Khoa, Xuyên đã được cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu tiếp sức với chương trình “Nâng bước em tới trường”. Thượng uý Giàng Seo Trú (SN 1987) - Đội trưởng đội vận động quần chúng là người trực tiếp gặp gỡ trao đổi với gia đình và thuyết phục hai đứa trẻ về đơn vị để bộ đội nuôi dưỡng.

“Ban đầu các cháu nhất định không chịu xa mẹ. Để gia đình yên tâm và thuyết phục các cháu, tôi đã nhận là cậu ruột với lý lẽ: Cậu họ Giàng, mẹ cũng họ Giàng nên cậu là cậu ruột. Các con về ở với cậu, rồi đến trường đi học, hàng tuần lại về thăm mẹ”, anh Trú chia sẻ. Tại đồn, thượng úy Trú trực tiếp kèm cặp dạy dỗ, chăm sóc anh em Khoa. Hiện, anh em Khoa đã biết đọc biết viết, đạt được học lực khá, hạnh kiểm tốt trong năm học 2016-2017.

Không chỉ chăm sóc, dạy dỗ anh em Ma Seo Khoa, thượng uý Giàng A Trú với hơn 10 năm gắn bó với màu áo biên phòng đã tham gia đứng lớp xoá mù chữ và tái mù chữ cho đồng bào vùng biên cương, trong đó học viên trẻ nhất cũng 35 tuổi. Anh Trú chia sẻ, vận động đồng bào tham gia lớp học xoá mù chữ buổi tối khó hơn nhiều so với các công tác tuyên truyền khác, nhất là khi địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống như: Mông, Dáy, Phù Lá, Thu Lao, Nùng. Nhiều người nghĩ học xong không để làm gì; gặp phải sự ngăn cản của chồng; là lao động chính trong gia đình hoặc nếp sinh hoạt... Anh Trú kể, có lần đang dạy thì có học viên đứng lên xin thầy giáo về nhà để uống rượu; có trường hợp học viên nữ nghỉ học vì chồng hiểu lầm đi chơi buổi tối rồi chửi đánh...

“Để vận động được người dân chưa biết chữ đến lớp học, chúng tôi nhiều khi vừa tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc biết chữ vừa nói về tác hại của rượu, bạo lực trong gia đình. Cách tốt nhất phải làm cho đồng bào tin mình”, anh Trú chia sẻ. Anh cho rằng muốn đồng bào hiểu và nghe theo học cái chữ, phải dẫn ra những lợi ích trực tiếp liên quan đến cuộc sống, thay vì những điều quá xa vời.

Lớp học tình thương vùng biên viễn ảnh 1 Đại diện Trung Ương Hội LHTN VN và nhà tài trợ trao quà cho lớp học tình thương của thầy giáo Lê Văn Cường (người mặc quân phục). Ảnh: Ngoạc Trang.

Lớp học tình thương

Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh Lê Văn Cường nhận công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Công tác được một năm, anh mạnh dạn viết đơn tình nguyện khi biết tin có đợt tăng cường quân số các tỉnh phía Nam và được phân công về Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức (Long An) rồi bén duyên với lớp học tình thương. Đến nay, thượng uý Lê Văn Cường đã có hai năm trực tiếp đứng lớp tình thương với 22 học sinh. “Ngày đầu đứng lớp tôi rất run, không biết phải làm thế nào vì chưa bao giờ cầm phấn dạy học, cũng như chưa từng nghĩ đến một ngày mình sẽ là “thầy giáo mang quân hàm xanh”. Sau một thời gian, tôi cũng quen dần với việc đứng lớp để dạy, để chia sẻ cùng các em. Qua thời gian giảng dạy, tiếp xúc tôi càng hiểu, đồng cảm hơn với những hoàn cảnh khó khăn của các em”, anh Cường nói. 

Học sinh của thượng uý Cường có nhiều hoàn cảnh khác nhau, chủ yếu là con công nhân từ các tỉnh miền Tây lên sinh sống làm ăn, gia cảnh khó khăn nên cuộc sống tạm bợ, họ không có hộ khẩu, giấy tờ cho con em đến trường. Nhiều em sớm phải mưu sinh bán vé số dạo, phụ bán hàng ở chợ... để phụ giúp gia đình, thậm chí trở thành lao động chính. Để duy trì lớp học và vận động các em đến lớp đầy đủ, anh Cường thường xuyên gặp gỡ trao đổi, động viên phụ huynh và các em.

Anh Cường cho biết thêm, lớp học tình thương còn nhận được sự đồng hành những chiến sĩ khác trong đơn vị, cô giáo già đã về hưu tình nguyện dạy các cháu học bài, người chủ nhà tốt bụng cho mượn căn phòng làm lớp học… Các chiến sỹ còn thường xuyên trích tiền lương để mua bút, vở, bánh kẹo, tổ chức trò chơi cho các em sau mỗi buổi học. Có lẽ, vì tình cảm ấy, các trò lại có động lực để lên lớp đều đặn hơn. “Tôi mong muốn rằng sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa những lớp học tình thương, những lớp học xóa mù sẽ được mở ra ở những nơi còn khó khăn, nơi mà trẻ em vẫn chưa được đến trường để giúp đỡ một phần nào đó cho các em có được cái chữ làm hành trang bước vào đời” - Thượng úy Lê Văn Cường mong mỏi.

Trong chuyến đi thăm các thầy giáo quân hàm xanh và trao quà cho học sinh, ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, không giấu sự xúc động: “Đến tận nơi để chứng kiến những việc làm của các thầy, chúng tôi thực sự khâm phục. Những chiến sĩ ngoài làm nhiệm vụ chính trị còn đau đáu nỗi niềm được chắp cánh cho những ước mơ của trò nghèo. Hơn hết, chúng tôi tin rằng, những chiến sĩ giáo dục ấy xứng đáng được tôn vinh. Chắc chắn rằng những câu chuyện phi thường về tinh thần vượt khó và sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ giáo dục mang quân hàm xanh sẽ thổi bùng truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt”.

Thượng úy Giàng Seo Trú, thượng uý Lê Văn Cường là hai trong số những thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm tuyên dương những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng có đóng góp tiêu biểu trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ở biên giới, hải đảo. Lễ tuyên dương “Chiến sỹ quân hàm xanh nâng bước em đến trường” sẽ diễn ra tối 13/11, tại Hà Nội. 

MỚI - NÓNG