Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Theo đại úy Nguyễn Mạnh Ninh, cán bộ, sĩ quan trẻ phải có lối sống lành mạnh để làm gương cho chiến sĩ, góp phần xây dựng mối quan hệ cán - binh đoàn kết. Ảnh: Nguyễn Minh.
Theo đại úy Nguyễn Mạnh Ninh, cán bộ, sĩ quan trẻ phải có lối sống lành mạnh để làm gương cho chiến sĩ, góp phần xây dựng mối quan hệ cán - binh đoàn kết. Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - Tại hai cuộc tọa đàm ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Binh chủng Đặc công, nhiều vấn đề “nóng”, nổi cộm đã được những quân nhân trẻ mạnh dạn đề cập, đưa ra giải pháp khắc phục nhằm góp phần rèn luyện ĐVTN trong môi trường quân ngũ.

Giỏi ngoại ngữ để tiếp cận cách mạng 4.0

Theo thượng tá Nguyễn Bá Quốc, Trưởng ban Thanh niên Trường Sĩ quan Lục quân 1, chiếm tỷ lệ hơn 69,22% tổng quân số cán bộ, đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ (CB, SQT) là lực lượng quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với CB, SQT trong học tập, nâng cao trình độ năng lực, nghiên cứu khoa học công nghệ và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Nói về vấn đề này, trung úy Lê Thị Hòa, giảng viên khoa Ngoại ngữ- Tiếng Việt nhận định, bên cạnh những điểm nhấn tích cực, đội ngũ CB, SQT còn thiếu kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu khoa học đúng đắn, tiên tiến. Điển hình như trong khai thác cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ nghiên cứu, phần lớn các cán bộ trẻ cho biết chưa từng khai thác các cơ sở dữ liệu điện tử như Proquest, Emeral, Econlit... hoặc sử dụng rất ít. Các cán bộ trẻ thường xuyên sử dụng tài liệu nước ngoài để nghiên cứu chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trình độ tiếng Anh của đa số đội ngũ CB, SQT nhà trường chưa tương xứng với yêu cầu chuẩn ngoại ngữ trong thời đại hội nhập hiện nay, khiến cho việc giao tiếp, mở rộng tri thức còn hạn chế, gây cản trở lớn để hòa nhập với CMCN 4.0.

Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp được trung úy Lê Thị Hòa đưa ra là mỗi CB, SQT cần chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh - chìa khóa giúp tiếp cận với những thành tựu công nghệ trên thế giới nhằm cập nhật những kiến thức khoa học công nghệ mới, phục vụ hữu ích cho công tác giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy cần tạo điều kiện cho CB, SQT được tiếp tục học tập, nghiên cứu chuyên sâu, từ đó tạo ra lực lượng trẻ có trình độ cao, trực tiếp nghiên cứu và tham gia công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của nhà trường.

Xây dựng quan hệ cán - binh gắn bó

Dưới góc nhìn của một cán bộ chính trị trẻ tâm huyết, đại úy Nguyễn Mạnh Ninh, Chính trị viên phó Đại đội Thông tin 17, Bộ Tham mưu Binh chủng Đặc công thẳng thắn nêu thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, sĩ quan trong quân đội (trong đó có CB, SQT do thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh) thoái hóa biến chất, chạy theo giá trị đồng tiền nên đã có những hành động không đúng như bắt chiến sĩ tăng gia sản xuất, lao động và làm một số việc khác để lấy tiền bỏ túi cá nhân. Có cán bộ ham mê cờ bạc dẫn đến nợ nần, thường xuyên vay mượn tiền của chiến sĩ nhưng không trả. Đây chính là những gương xấu về nhân cách, khiến cho chiến sĩ thiếu tôn trọng cán bộ chỉ huy.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của điện thoại thông minh dẫn đến việc nhiều cán bộ, chiến sĩ “sống ảo”, ít có sự tương tác, quan tâm, nói chuyện với nhau.  Một số cán bộ lười rèn luyện, trong công việc thì quan liêu, gia trưởng, có những suy nghĩ lệch lạc như phải sử dụng bạo lực thì mới điều hành, chỉ huy được chiến sĩ làm cho cấp dưới không phục. Cá biệt có những trường hợp chiến sĩ bị đánh dẫn đến uất ức, dồn nén trong một thời gian dài nên nảy sinh mâu thuẫn, nảy sinh hành động không phục tùng mệnh lệnh cấp trên, thậm chí đánh trả gây hậu quả nghiêm trọng… Chính những nguyên nhân trên góp phần làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đoàn kết cán - binh.

Để chấm dứt tình trạng này, theo đại úy Ninh, đội ngũ CB, SQT phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lối sống trong sáng lành mạnh, có năng lực, phương pháp, tác phong công tác tốt. Trong công việc phải luôn nghiêm túc nhưng chân thành, gần gũi, cởi mở với bộ đội, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, biết thông cảm và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chiến sĩ. Đồng thời tích cực, nhiệt tình trong huấn luyện, lao động cũng như sinh hoạt thường ngày, tránh quan liêu, quan cách, không để xảy ra hiện tượng chiến sĩ huấn luyện, lao động mệt nhọc dưới nắng nóng nhưng cán bộ lại “ngồi mát chỉ trỏ”. Đặc biệt là không sử dụng các hình phạt có tính chất làm nhục cấp dưới, không dùng lời nói miệt thị xúc phạm và dùng bạo lực với chiến sĩ. Nếu phải xử phạt thì nên dùng các biện pháp có tính chất giáo dục theo đúng điều lệnh, điều lệ Quân đội.

“Bản chất mối quan hệ đoàn kết cán - binh là bình đẳng về chính trị giữa cán bộ và chiến sĩ, được tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự, quyền làm chủ của công dân, quyền lợi và nghĩa vụ quân nhân. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định về chất lượng của mối quan hệ này”, đại úy Ninh chia sẻ.

Nhiều yêu cầu mới cao hơn về bản lĩnh, trí tuệ

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm tại hai cuộc tọa đàm là vai trò của CB, SQT trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội. Đại úy Nguyễn Huyền Trang, giảng viên khoa Công tác Đảng - Công tác chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho rằng, hình thức đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái trên mạng xã hội cần được tổ chức thực hiện theo hướng đa dạng, phong phú. Việc đấu tranh phản bác tiến hành theo phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”…

 “Khi có các thông tin cần đấu tranh trên mạng xã hội, lực lượng sĩ quan trẻ tham gia đấu tranh sẽ trực tiếp đăng bài, chia sẻ, tham gia bình luận phản bác vào các trang Facebook, Zalo... có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ. Những bài viết sử dụng cho việc đấu tranh đều ngắn gọn, rút tít hay, có sức ảnh hưởng lớn, dẫn dắt vấn đề, phù hợp với từng trình độ cần phản bác, dẫn chứng một cách khoa học và chân thật, ngôn từ có văn hóa, lý luận sắc bén, đánh đúng điểm yếu của những luận điệu vu khống, bịa đặt”, đại úy Trang nói.

Theo đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Đặc công, những năm tới dự báo nhiệm vụ của binh chủng sẽ đòi hỏi ngày càng cao, nhất là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống biểu tình, bạo loạn lật đổ, chống khủng bố và tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong khi đó, các mặt bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ và đời sống bộ đội vẫn còn những khó khăn nhất định. Đồng thời, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, nhất là công nghệ thông tin và sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặt ra cho đội ngũ CB, SQT trong binh chủng hiện nay những yêu cầu mới cao hơn về bản lĩnh, trí tuệ, tính xung kích và tinh thần quyết thắng trong suy nghĩ và hành động. 

“Qua tọa đàm giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp hiểu rõ thực trạng, thái độ, động cơ phấn đấu của CB, SQT. Từ đó đề ra những chủ trương, biện pháp xây dựng đội ngũ CB, SQT ngày càng phát triển, trưởng thành”.

Thượng tá NGUYỄN BÁ QUỐC, Trưởng ban Thanh niên Trường Sĩ quan Lục quân 1

MỚI - NÓNG