Làng Văn hóa - Du lịch không làm du lịch?

Hiện tại, Làng Văn hóa-Du lịch lại không hướng đến du lịch. Ảnh: Hà Tuấn
Hiện tại, Làng Văn hóa-Du lịch lại không hướng đến du lịch. Ảnh: Hà Tuấn
TP - Đại diện một công ty du lịch than Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội quá hiu quạnh, đưa khách đến họ chẳng muốn vào. Đây là một trong số ý kiến nhân hội thảo xây dựng đề án tổ chức các sự kiện thường niên, diễn ra sáng 17/4 tại Bộ VH-TT&DL.

Chỉ khai thác cục bộ

Trong cuộc họp tuần trước, Ban quản lý (BQL) Làng cho biết, mỗi tháng đón 25-30 nghìn khách. Tuy nhiên, số tiền du khách chi tiêu gần như không đáng kể: Làng chưa thu phí tham quan; dịch vụ thiếu thốn. Thực phẩm phải chở từ trung tâm Hà Nội lên, không đủ nhu cầu mỗi khi có sự kiện lớn. Tên là Làng Văn hóa-Du lịch, thực chất lại không để làm du lịch?

Ông Lưu Nhân Vinh, TGĐ Cty CP Du lịch Việt Nam, nói thẳng, đưa khách lên cũng khó, vì không khí vắng vẻ không mang lại sự hứng khởi. “Bảo tàng Dân tộc học làm du lịch rất tốt, thành điểm đến không thể thiếu với du khách quốc tế và công ty lữ hành. Còn Làng có không gian rộng, như bảo tàng ngoài trời về 54 dân tộc nhưng biến nó trở thành sản phẩm du lịch là cả chặng đường. Cần sự phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm, trước mắt là có bộ phận chuyên trách du lịch hội nghị hội thảo”, ông Vinh nói.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn kể, khi còn ở BQL Làng, ông từng đề nghị Chính phủ cho xây sòng bạc để kêu gọi nhà đầu tư lớn, biến nơi này thành mô hình kinh tế-văn hóa. “Các bộ ngành đưa ra bàn thảo, có ý kiến rằng ông muốn làm kinh tế thì về Hà Tây, các khu công nghiệp mà làm”, ông Hồ Anh Tuấn nói.

Làng khai trương năm 2010 nhưng được đặt trong bối cảnh khai thác cục bộ. “Hiện chúng tôi không ưu tiên phục vụ du lịch, mà ưu tiên hoàn thành hạ tầng. Nhiệm vụ ưu tiên là thông qua hoạt động ở đây để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”, ông Hồ Anh Tuấn phân trần.

Ông cũng đồng tình với các đề xuất của các đại biểu về xây dựng sản phẩm du lịch, biến diện tích gần 1.540 ha hướng đến phục vụ đại trà, trở thành “điểm đến du lịch hấp dẫn”, tuy nhiên lộ trình được Chính phủ phê duyệt này vẫn khiến các bộ ngành lúng túng. Bộ chỉ nhận được trung bình 20% kinh phí, nhân lực so với số tiền được duyệt.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nói, tổ chức các sự kiện phải thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, cố kết trên tinh thần tôn trọng văn hóa của nhau. “Có một số khẩu hiệu rất tự cao tự đại như: Miền núi tiến kịp miền xuôi. Xin lỗi, tôi ở với đồng bào thiểu số 40 năm, người ta không đánh trẻ con bao giờ, còn người Kinh tuyên bố yêu cho roi cho vọt”, ông nói.

Ông Lê Minh Sơn, Phó GĐ Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ góp ý, cần hướng đi xã hội hóa. Ngay trong dịp tổ chức sự kiện tại Làng, địa phương mạnh dạn tổ chức bán vé để người dân tham gia chợ nổi. Rồi các hoạt động ẩm thực, đua ngựa khác cũng có thể làm tương tự. Tuy nhiên, ông Hồ Anh Tuấn lí giải, chính vì làng mênh mông bể sở nên khó kêu gọi xã hội hóa, BQL phải co kéo kinh phí hàng năm để tổ chức ba sự kiện quan trọng tại đây.

Để cộng đồng hưởng lợi

Trong khuôn khổ 5 năm thực hiện quyết định của Chính phủ về tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc VN, Bộ chủ trì hội thảo mong xây dựng được đề án tổ chức các sự kiện thường niên trong thời gian tới. Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc, Ngày hội văn hóa các dân tộc, tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa VN”, đó là ba sự kiện lớn trong năm diễn ra tại Làng Văn hóa-Du lịch.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nêu khó khăn khi đưa đồng bào dân tộc về Làng. Chuyện đưa đồng bào về sinh sống, trình diễn tại Làng được bàn bạc kỹ lưỡng từ chục năm trước, nhưng vẫn còn tranh cãi. Nhiều nhà khoa học cho rằng, như thế là “nhốt” đồng bào, và họ đánh mất bản sắc. Chưa kể, kinh phí đưa người về Làng thiếu thốn: Tiền công Làng trả cho không bằng tiền công cạo mủ cao su một ngày, họ không đi.

“Xét tới cùng, lợi ích là một yếu tố chi phối rất nhiều đến việc tổ chức sự kiện. Nếu việc tổ chức sự kiện không có lợi-cho cả người tổ chức và cộng đồng địa phương-thì việc tổ chức một sự kiện bị xem là thất bại”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam nói. Đại diện của Bộ cũng đồng ý, phải xét đến yếu tố có lợi nhất cho đồng bào, kể cả các doanh nghiệp khi phối hợp với Làng làm du lịch.

Những sự kiện mang đậm “nhiệm vụ chính trị, phát huy-bảo tồn văn hóa” này cần thay đổi, bớt hình thức hơn. “Làng Văn hóa ở cái thế khá khó. Đây không phải cái thật, chỉ là mô phỏng. Không đơn giản khi giới thiệu màu sắc, bản sắc văn hóa dân tộc, chọn cái gì, trình diễn cái gì và làm sao để người ta thấy gần sự thật nhất”, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh phát biểu.

Ông Thanh tán thành giải pháp “dân là chủ thể”. Tuy nhiên, ông không đồng tình với cách làm thời gian qua của một số địa phương khi đưa đồng bào về Làng. “Đã đến lúc phải tập huấn cho mấy ông ở Sở: Họ quen với sân khấu hóa, rất quen với mắt xanh mỏ đỏ, đánh bóng mạ kền. Tôi công nhận sự cần thiết, nhưng ở đây mà mắt xanh mỏ đỏ thì chết”, ông nhấn mạnh.

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, ông Trần Hữu Sơn, nhận xét, sự kiện tổ chức trong thời gian qua thiếu điểm nhấn.

MỚI - NÓNG