Làm công nhân

TP - Tuần qua, Tiền Phong có loạt phóng sự đặc biệt “Tôi đi làm công nhân Samsung”. Có gì “lạ” trong đó? Tại riêng nhà máy Samsung ở Thái Nguyên rộng hàng trăm héc ta tường cao rào kín với khoảng 140.000 công nhân, người đông bằng một... huyện.

Mỗi tháng nhà ăn sử dụng 700 tấn gạo, 522 tấn thịt cá, 1.700 tấn hoa quả và trên 2,9 triệu quả trứng!

Một dịp hiếm hoi để được cận cảnh môi trường đào tạo và làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất Việt Nam và khu vực. Nơi công nhân đến… đồ lót cũng phải đồng phục để thuận tiện cho việc kiểm tra an ninh. Và tuyệt đối không được “tự sướng” bất kỳ hình ảnh, thông tin gì liên quan đến nhà máy, kể cả lương thưởng… Có những hình phạt cả lớp đào tạo công nhân mấy trăm người phải khoác vai nhau đứng lên ngồi xuống liên tục. Hàng trăm ngàn công nhân như những robot trong nhà xưởng. Ca làm việc 12 tiếng, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài, không có đồng hồ, mất khái niệm về thời gian. Thời gian được tính bằng sản phẩm “ra lò”. Ánh sáng chỉ là đèn điện sáng chói chang nhà xưởng …

Nhưng cũng chính những “robot” ấy lại được bù đắp bởi mức lương, thưởng và điều kiện phúc lợi, chăm sóc khiến nhiều người ao ước.

Ít ra, họ không thuộc về 14 triệu “con bạc” trong đường dây đánh bạc trực tuyến ngàn tỷ vừa bị bóc gỡ. Để nuôi béo số ít kẻ có quyền lực bị tha hóa bởi đồng tiền. Họ cũng không đủ khả năng để làm thầy. Cái nghề cao quý mà hiện giờ nhiều nơi cũng phải “chạy” tiền cả trăm triệu. Nhưng vẫn bị hành hung, nhục mạ ngay tại trường lớp, thậm chí cắt hợp đồng cho “ra đường” hàng loạt.

Và để nghĩ về chính hai chữ “công nhân”. Từ câu chuyện Samsung, toát lên hai điều, đó là tính chuyên nghiệp, và sự hà khắc, nếu không muốn nói là nghiệt ngã. Chuyên nghiệp ngay từ những đòn tâm lý đầu tiên với người học việc. Đến những tiểu tiết đơn giản nhất. 

Nhưng không phải ngẫu nhiên một số tổ chức quốc tế vừa gửi kháng thư tới bộ, ngành chức năng của Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện lao động tại các nhà máy của Samsung. Sau khi có các báo cáo của quốc tế về áp lực thời gian lao động và môi trường làm việc,…

Chúng ta luôn thiếu chuyên nghiệp. Hàng loạt huy chương từ các hội thi tay nghề quốc tế không giải quyết được cơn khát nguồn lao động chất lượng cao hiện nay. Hình ảnh công nhân ở ta vẫn hiện lên với dáng vẻ thô sơ, nhếch nhác. 

Nhưng còn sự hà khắc, liệu không còn cách nào khác buộc phải chấp nhận? Như một sự thật rất muộn phiền của xã hội loài người. Khi sức lao động luôn bị các ông chủ khai thác đến tận cùng. Những công nhân chỉ đủ sức dâng hiến mỗi người mấy năm của tuổi thanh xuân trẻ khỏe, đẹp đẽ nhất vào nơi ấy, rồi lần lượt ra về tính tiếp kế sinh nhai. Cho dù thời đại 4.0 hay trí tuệ nhân tạo, thì đời công nhân với vòng quay buồn tẻ, nghiệt ngã vẫn còn đó.

Câu chuyện như một lát cắt của đời sống. Lát cắt luôn có hai mặt, mà đọng lại nhiều hơn là nỗi day dứt.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).