Lãi suất liên ngân hàng vì sao tăng nóng?

Lãi suất các kỳ hạn trên thị trường ngân hàng tăng nóng
Lãi suất các kỳ hạn trên thị trường ngân hàng tăng nóng
TPO - Bản tin thị trường nợ đầu tháng 9 vừa phát đi của công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, lãi suất liên ngân hàng đang tiếp tục tăng. ngoài nguyên nhân do NHNN hút tiền về, có hay không có áp lực đến từ tỷ giá và lạm phát?

Theo MBS, thống kê trong nửa cuối tháng 8/2018, cụ thể  từ 15-30/8, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh 1.26, 1.12, 1.02, 0.76%/năm lên mức 4.27, 4.37, 4.4, 4.47%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng. 

MBS cũng lưu ý, từ 15-30/8, NHNN quay trở lại bơm ròng 6097 tỷ đồng (phát hành tín phiếu 1402 tỷ đồng trong khi tín phiếu đáo hạn 7502 tỷ đồng) trong khi trên kênh OMO NHNN không thực hiện giao dịch nào. "Tuy nhiên chúng tôi vẫn duy trì quan điểm hút ròng sẽ tiếp tục diễn ra trong trung hạn.", MBS khẳng định.

Phân tích kỹ hơn có thể thấy: : Lãi suất liên ngân hàng tăng đến từ động thái "hút" tiền bớt ra khỏi hệ thống của NHNN. Đi kèm là xu hướng dòng tiền chảy vào ngân hàng trên thị trường tổ chức kinh tế và dân cư cũng giảm bớt.

Cụ thể, nếu như trong suốt năm 2017, tốc độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2 qua từng tháng phần lớn có xu hướng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng (mức chênh lệch nhỏ nhất là 0,54% tại thời điểm cuối tháng 03/2017 và lớn nhất là 3,27% tại thời điểm cuối tháng 12/2017).  Tuy nhiên, diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2018 đã cho thấy sự đảo chiều khi tốc độ tăng trưởng M2 đã cao hơn so với tăng trưởng tín dụng (mức chênh lệch đạt 1,6%).  Chính điều này đã giúp cho phần chênh giữa tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng tăng lên mức 238 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 20/06/2018 - mức cao nhất kể từ tháng 2/2017 - thay cho mức 54 nghìn đồng vào thời điểm 31/12/2017.

Liên quan đến tỷ giá, MBS chỉ ra  từ ngày 15-30/8, tỷ giá trung tâm VND/USD lại tăng hơn 4 đồng lên mức 22681 so với 2 tuần trước trong khi tỷ giá VND/USD ở ngân hàng VCB ở mức 23350 (giảm 40 đồng so với 2 tuần trước).

Đồng USD tăng giá nhờ kết quả kinh tế tích cực, và kì vọng về khả năng tiếp tục tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 của Mỹ giảm xuống 3.9%. Lạm phát cùng kỳ tháng 7 đạt ngưỡng 2% sau khi đạt 1.9% trong tháng 6.

"Đây là lần đầu tiên lạm phát đạt ngưỡng 2% kể từ năm 2012. Nhiều dự báo cho thấy, Mỹ có thể áp thuế lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong tuần sau. Tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực nhưng khó tăng mạnh trong thời gian tới. ", MBS nhấn mạnh.

Vậy có hay không áp lực về lạm phát khiến điều hành chính sách tiền tệ phải cẩn trọng? Theo MBS hiện giá cả thực phẩm vẫn tác động mạnh nhất (đặc biệt là giá thịt lợn), hiện tại nguồn cung thịt lợn đang thấp . "Tuy nhiên chúng tôi cho rằng tình trạng này dài hạn sẽ không kéo dài và sẽ không đặt nhiều áp lực lên lạm phát và chúng tôi cho rằng lạm phát vẫn dưới 5% trong cuối năm.", MBS viết.

Hiện, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3.52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 8/2018 tăng 2.59% so với tháng 12/2017 và tăng 3.98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 8/2018 tăng 0.22% so với tháng trước và tăng 1.54% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Tổng cục Thống kê, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 0.87%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1.12% khiến CPI chung tăng 0.25%.

Nhóm lương thực tăng nhẹ 0.1%. Nhóm giáo dục tăng 0.46% do trong tháng có 14 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86 ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Nhóm nhà ở vật liệu và xây dựng tăng 0.44% ( trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0.42%; giá gas tăng 2.8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá gas vào thời điểm 1/8/2018).

MỚI - NÓNG